Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ gửi đến tại Văn bản số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Đề nghị có chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư sớm hoàn thành Trung tâm logistics cấp 2 của Vùng tại Khu công nghiệp Hưng Phú (quận Cái Răng, thành phố Cần thơ) nhằm đảm bảo phát huy đồng bộ với hệ thống cảng biển Cần Thơ đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Bộ GTVT xin được trả lời như sau:
Theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực Tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch “01 Trung tâm hạng II có quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh và thành phố: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang kết nối với các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang)”.
Tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; rà soát phân hạng, công bố các trung tâm logistics theo Quy hoạch; định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch.
Do vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có ý kiến để UBND thành phố Cần Thơ làm việc với Bộ Công Thương đề xuất cấp thẩm quyền xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư sớm hoàn thành Trung tâm logistics cấp 2 của Vùng tại Khu công nghiệp Hưng Phú (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Nhằm góp phần phát triển đồng bộ hiệu quả hệ thống Cảng biển Cần Thơ, nâng cao năng lực vận tải đường bộ, hàng hải và đường thủy kết nối giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Thành phố Cần Thơ nói riêng với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, thời gian qua, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư dự án kết nối thành phố Cần Thơ gồm dự án Nâng cấp tuyến QL91 kết nối Cần Thơ với An Giang, tuyến QL91B qua ô thành phố, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống trên tuyến N2 kết nối Cần Thơ với Kiên Giang; Giai đoạn 1 dự án ĐTXD Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu cho tàu trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải; dự án Nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam và cảng Cần Thơ gồm hành lang đường thủy tử Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau và Hành lang đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh - Kiên Lương, dự án Phát triển CSHT giao thông đồng bằng sông Cửu Long (dự án WB5) đầu tư Hành lang đường thủy số 2 - Hành lang phía Bắc xuyên Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, Hành lang đường thủy số 3 - Hành lang duyên hải phía Nam đạt cấp III và dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đạt cấp II.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ; số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 phê duyệt Quy hoạch KCHT ĐTNĐ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GTVT đã chỉ đạo các Cục quản lý chuyên ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch nêu trên.
Về đường bộ, Bộ GTVT tiếp tục quyết liệt chỉ đạo triển khai thi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 để đến năm 2023 có thể thông toàn bộ tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong đó có đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Về hàng hải, đã bố trí 937 tỷ đồng năm 2022 để thực hiện Giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ toàn dự án; tiếp tục phối hợp địa phương hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác các bến cảng thuộc Cảng biển Cần Thơ theo quy hoạch được duyệt.
Về ĐTNĐ, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến bố trí vốn giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.944 tỷ đồng để thực hiện dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - Giai đoạn 1 (Khu vực phía Nam), đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Phát triển các hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay WB.
Các dự án nêu trên được thực hiện sẽ nâng cao hơn nữa khả năng kết nối đường bộ, đặc biệt là phát huy thế mạnh vận tải ĐTND của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao thị phần vận tải hàng hóa và năng lực vận tải thủy, tăng cường khả năng kết nối nội vùng, giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến khu bến Cái Mép - Thị Vải và các bến cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và liên vùng.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Thành phố Cần Thơ nói riêng trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đạt được mục tiêu các Quy hoạch đặt ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành giao thông vận tải.