Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Tiếp tục quan tâm đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa (Đắk Nông); Phú Yên - Đắk Lắk; Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); đầu tư xây dựng 04 dự án kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh: Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên; Dự án nâng cấp, mở rộng đường nối Quốc lộ 26-Quốc lộ 14- Tỉnh lộ 8-Tỉnh lộ 5-Tỉnh lộ 1; Dự án Đầu tư xây dựng đường giao thông đoạn kết nối điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột với Đại lộ ĐôngTây, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Dự án cải tạo, nâng cấp các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai hoàn chỉnh hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
1. Dự án đường bộ cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa (Đắk Nông), Phú Yên - Đắk Lắk, Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: (1) tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chiều dài 160 km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; (2) tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa (Đắk Nông), chiều dài 105 km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; (3) tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk (CT.23), chiều dài 220 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030 và (4) tuyến cao tốc Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chiều dài 115 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri về việc triển khai đầu tư các tuyến cao tốc nêu trên theo quy hoạch là cần thiết nhằm tăng cường kết nối giao thông, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên.
Đối với các tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa (Đắk Nông) thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây có lộ trình đầu tư trước năm 2030. Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 không cân đối đầu tư được, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục ưu tiên nghiên cứu đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với các tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk và Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có lộ trình đầu tư sau năm 2030. Trường hợp địa phương có nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Dự án kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên
a) Đối với tuyến cao tốc kết nối tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên gồm: Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa (Đắk Nông), Phú Yên - Đắk Lắk, Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về quy hoạch và tiến trình đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã nêu tại mục 1.
b) Đối với tuyến nối Quốc lộ 26 - Quốc lộ 14 - Tỉnh lộ 8 - Tỉnh lộ 5 - Tỉnh lộ 1 và đoạn nối từ điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với đại lộ Đông - Tây, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: Đây là tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của địa phương, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chủ động cân đối ngân sách tỉnh để đầu tư, trường hợp, ngân sách địa phương khó khăn đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
c) Đối với các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh: Trong những năm vừa qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho tỉnh Đắk Lắk nên hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư nâng cấp như: đường Hồ Chí Minh và các tuyến tránh đô thị (Ea H’Leo, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột), Quốc lộ 14C, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, đường Trường Sơn Đông... để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân địa phương.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri về nhu cầu đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh để kết nối các tỉnh trong vùng theo quy mô quy hoạch đồng bộ, phát huy hiệu quả các tuyến đường, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa khu vực. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 hạn chế, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí đầu tư các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh.
Đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã ưu tiên cân đối khoảng 11.502 tỷ đồng để hoàn thành 01 dự án đang đầu tư (xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột) và khởi công mới 01 dự án (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1).
Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn. Rất mong cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cảm thông và chia sẻ. Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.
4. Triển khai hoàn chỉnh hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Các cầu dân sinh là công trình giao thông địa phương, thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của địa phương. Bộ Giao thông vận tải thống nhất cần nghiên cứu, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cầu dân sinh như kiến nghị của cử tri và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, chủ động cân đối, bố trí nguồn lực của địa phương để đầu tư nhằm bảo đảm an toàn giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.