Đến hết tháng 5 năm 2009, hầu hết các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản triển khai xong các phương án chủ động phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó với thiên tai khi có các tình huống xảy ra. Tuy nhiên, thiên tai, bão lũ luôn có những ẩn hoạ khôn lường đòi hỏi mỗi cấp, ngành, địa phương đảm bảo tính chủ động, dự báo chính xác, kịp thời và có sự phối hợp đồng bộ theo phương châm “bốn tại chỗ” để phát huy sức mạnh toàn dân sẵn sàng ứng phó
Đến hết tháng 5 năm 2009, hầu hết các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản triển khai xong các phương án chủ động phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó với thiên tai khi có các tình huống xảy ra. Tuy nhiên, thiên tai, bão lũ luôn có những ẩn hoạ khôn lường đòi hỏi mỗi cấp, ngành, địa phương đảm bảo tính chủ động, dự báo chính xác, kịp thời và có sự phối hợp đồng bộ theo phương châm “bốn tại chỗ” để phát huy sức mạnh toàn dân sẵn sàng ứng phó
Năm 2008, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh bị thiệt hại khá nặng nề về người, tài sản, hoa màu, các công trình phúc lợi, hạ tầng dân sinh do thiên tai, lũ lụt và bão lốc gây ra. Các đợt bão lũ, lốc xoáy và mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại trên 820 tỷ đồng, làm chết 16 người, bị thương 18 người, đổ sập 223 nhà, tốc mái 5.357 nhà. 11.253 nhà bị ngập nước, 13.479 công trình phụ bị đổ, sập, 40.844ha lúa và hoa màu bị hư hại, 7.012 gia súc bị chết và lũ cuốn trôi. Nước lũ với cường độ lớn làm vỡ, sạt trượt trên 700m đê, sạt lở , cuốn trôi 23.500m3 các công trình thuỷ lợi và sạt lở 107.600m3 các công trình giao thông. Ngay trong và sau khi bão lũ xảy ra, Ban Chỉ đạo PCLB và TKCN tỉnh cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động, nhanh chóng chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư khắc phục hậu quả như xử lý các sự cố, chủ động tiêu úng nội đồng, đắp bờ bao bảo vệ hoa màu và diện tích nuôi trồng thuỷ sản góp phần giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Những bài học kinh nghiệm về tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện, đảm bảo chỉ huy và hậu cần tại chỗ được các cấp, ngành, địa phương vận dụng có hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn đê Sáu Vó và các công trình thuỷ lợi, đê điều khác. An toàn đê Sáu Vó bảo vệ hàng ngàn ha hoa màu, diện tích nuôi trồng thuỷ sản, các công trình phúc lợi, dân sinh khác là một trong những bài học kinh nghiệm về vai trò, tính chủ động, sáng tạo và sự phối hợp kịp thời, đồng bộ trong công tác chỉ huy, huy động lực lượng ứng cứu. Trong đó có sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ huy PCLB huyện Yên Lạc, các cụm chỉ huy PCLB Đồng Cương - Bình Định - Trung Nguyên và cụm xã Tam Hồng, thị trấn Yên Lạc, Nguyệt Đức trong việc huy động các lực lượng hộ đê, đắp bờ bao chống tràn…
Kế hoạch PCLB năm 2009 đã được các cấp, ngành tích cực triển khai. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: đến nay, các cấp, ngành và địa phương đã triển khai xong các phương án để chủ động PCLB theo phương châm “bốn tại chỗ”. Các huyện, thành phố, thị xã đã chuẩn bị khá đầy đủ 28 danh mục vật tư, phương tiện và nhân lực phục vụ PCLB-TKCN theo quy định, nhất là các danh mục vật tư, phương tiện tập kết tại chỗ ở những nơi xung yếu. Các Sở NN&PTNT, Sở GTVT, các đơn vị lực lượng vũ trang, Sở y tế, Sở TN&MT, Điện lực đã triển khai cụ thể và chi tiết kế hoạch huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, phối hợp và thống nhất các chương trình khi có các tình huống do bão lũ gây ra. Các phương án trọng điểm PCLB và hộ đê trong đó có các phương án trọng điểm hộ đê xung yếu cấp tỉnh khu vực huyện Vĩnh Tường và Sông Lô, phương án chậm lũ, xả lũ qua các đập tràn, quy trình vận hành an toàn các hồ chứa, phương án hộ đê từng trọng điểm và hộ đê toàn tuyến đã được triển khai. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến, điều động các đơn vị sẵn sàng tham gia PCLB. 100% các xã ven đê đã thành lập đội xung kích từ 50 đến 100 người, các hợp đồng nhân lực, vị trí hộ đê và tổ chức thực hiện đã được ngành chức năng ký kết với các đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với sự tham gia của lực lượng quản lý đê chuyên trách, Ban chỉ huy PCLB các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị cơ sở đã thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ, bổ sung kinh phí mua sắm vật tư dự trữ, đảm bảo đủ hậu cần để có thể xử lý ngay từ giờ đầu tất cả các sự cố có thể xảy ra.
Năm 2009, theo dự báo của cơ quan chức năng sẽ xuất hiện mưa bão nhiều về số lượng, mạnh về cường độ tàn phá, diễn biến phức tạp và ác liệt hơn những năm trước đây. Để chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, công tác PCLB&TKCN cần phải được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, thiết thực, chủ động, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê T.Ư từ cấp I đến cấp III, các tuyến đê bối Vĩnh Tường- Yên Lạc và an toàn các tuyến đê địa phương với mức lũ trung bình hàng năm. An toàn tuyệt đối cho các hồ đập khi lượng mưa không vượt tần suất thiết kế và có phương án dự phòng cụ thể để đối phó với tình thế nguy cấp có thể xảy ra. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phân lũ, chậm lũ khi có lệnh của Chính phủ, đảm bảo nhanh, chính xác, đúng quy trình và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Theo Bao VP