Ngày 22/3, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá triển khai thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn 10 địa phương. Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTBT Lê Đình Thọ; Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc; đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Tổng cục Du lịch, các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ GTVT, đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp của 10 địa phương thực hiện thí điểm hoạt động này.
Thứ trưởng Lê Định Thọ phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại có 10 địa phương gồm: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hẹp. Hiện nay, có 03 địa phương gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đề xuất cho phép thực hiện như 10 địa phương nêu trên, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Cả nước hiện có tổng số khoảng 40 doanh nghiệp với số lượng khoảng 1.300 xe đang hoạt động khai thác phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế.
Về kết quả đạt được trong thời gian thí điểm vừa qua, Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc đánh giá, các Dự án sử dụng phương tiện nêu trên phục vụ nhân dân và du khách đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: cơ bản đảm bảo tuyệt đối an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác, tốc độ di chuyển của phương tiện thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này gây thương tích cho người và phương tiện khác khi lưu thông.
Đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường; hoạt động của xe 4 bánh chạy năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm; nó đã thể hiện tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.
Loại hình này đã đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, góp phần tạo thuận lợi cho khách du lịch cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu du lịch và được hành khách đón nhận, đánh giá phù hợp phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hẹp thay thế phương tiện xe ngựa, xe ôm, xe đạp lôi, xe xích lô,… và góp phần bảo vệ môi trường.
Về tổ chức thực hiện, hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện tốt, đã ban hành Quy định của tỉnh đối với phạm vi hoạt động của loại phương tiện này và quản lý được số lượng đơn vị, phương tiện đã đăng ký tại Đề án khi trình xin thí điểm. Điển hình như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế là các địa phương đang quan tâm hướng dẫn đơn vị triển khai thực hiện đề án thí điểm, công tác quản lý nhà nước đối với mô hình này rất hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm của hoạt động do xe 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng) đem lại, còn tồn tại một số mặt hạn chế như việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế đều gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc quản lý, thực hiện. Một số địa phương chưa có các quy định pháp lý cụ thể về quản lý, lưu hành, tham gia giao thông hạn chế đối với loại hình này; chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, giá cước (do chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ); công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương vẫn còn gặp khó khăn; do nhu cầu thực tế về du lịch dẫn đến tình trạng hoạt động tự phát tại một số địa phương, số lượng xe hoạt động nhiều hơn so với số lượng được phê duyệt.
Đại diện doanh nghiệp báo cáo kết quả triển khai thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện
Tại Hội nghị, đại diện các Sở GTVT, doanh nghiệp đã báo cáo tình hình quản lý và triển khai thực hiện, đánh giá kết quả đạt được đối với hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện tại địa phương; nêu rõ ưu, nhược điểm của loại hình này. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá loại hình hoạt động này có tác động tích cực, hiệu quả thực sự về mặt xã hội, kinh tế, đảm bảo môi trường. Cụ thể, loại hình này đã được đông đảo nhân dân đón nhận, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi và an toàn cho du khách tham quan du lịch, thân thiện môi trường, tiết giảm chi phí vận tải; đảm bảo an toàn khi hoạt động, góp phần chống ùn tắc giao thông… Để tiếp tục tăng cường nâng cao quản lý loại hình này, các đại biểu đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho tiếp tục thực hiện loại hình này; quy hoạch khu vực hoạt động, số lượng; sớm ban hành quy định quản lý đối tượng kinh doanh sử dụng, tốc độ phương tiện, chính sách về thuế, hướng dẫn thủ tục đăng ký đăng kiểm phương tiện.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá, qua việc thí điểm hoạt động xe 4 bánh bằng năng lượng điện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả, có tác động tích cực đến xã hội, kinh tế, môi trường, an ninh trật tự, thực sự góp phần vào sự phát triển kinh tế của các địa phương, nhất là phục vụ tốt những địa phương có thế mạnh phát triển lĩnh vực vận tải khách du lịch. Ghi nhận những kết quả đạt được, Thứ trưởng cho biết lấy đây làm cơ sở để tiếp tục phát triển; tuy nhiên còn tồn tại một số hạn chế về quản lý nhà nước, có những địa phương vẫn còn buông lỏng khâu quản lý như hành lang pháp lý chưa đồng bộ về đăng ký, đăng kiểm, quy chuẩn, tiêu chuẩn…; quản lý phương tiện chưa tốt; chưa kịp thời xử lý dứt điểm vấn đề đăng kiểm, đăng ký; ; quản lý giám sát phạm vi hoạt động chưa đồng đều; chưa đưa ra các giải pháp công khai, minh bạch để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định Bộ GTVT sẽ tiến hành tổng kết và báo cáo kiến nghị Chính phủ cho dừng thí điểm chuyển sang hoạt động bình thường loại hình này. Do vậy, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới,Thứ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan liên quan cần phải rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối tượng này. Khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 sẽ đưa vào một số nội dung về vận tải kinh doanh có điều kiện loại hình hoạt động này để quản lý chặt chẽ đối thượng kinh doanh và phạm vi hoạt động của phương tiện; về phương tiện không nên để phát triển tràn lan, do nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, chúng ta phải dự báo được tốc độ tăng trưởng của phương tiện này trong điều kiện của địa phương nên không thể phát triển ồ ạt được; mô hình tổ chức là doanh nghiệp, hợp tác xã, không thể là chủ hộ được, phải có điều kiện về bộ phận công tác an toàn, chất lượng dịch vụ cần phải đưa cụ thể vào Nghị định để phù hợp; công tác quản lý nhà nước phải phân cấp rõ ràng , tránh chồng chéo, buông lỏng. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm VN rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đăng kiểm, đăng ký phương tiện để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, đào tạo, tiêu chuẩn bằng lái.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị chậm nhất đến 30/3, các Sở GTVT tổng hợp, nắm rõ số liệu về số lượng xe hiện có, thời gian nhập khẩu, niên hạn sử dụng, đưa số liệu theo nhóm phương tiện gửi về Bộ GTVT qua Vụ Vận tải để kiến nghị TTCP về các giải pháp cụ thể, phù hợp về thuế, dăng ký đăng kiểm, kỹ thật nhằm quản lý chặt chẽ đối tượng này; ngoài ra tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành thanh tra, kiểm tra một số tỉnh về tình hình hoạt động loại hình phương tiện xe 4 bánh này để xây dựng Nghị định 86 sát với thực tế, phù hợp với địa phương và khi ban hành thuận lợi hơn.
VH