Vì một môi trường hàng hải bền vững

Thứ sáu, 26/11/2010 08:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cục HHVN vừa tổ chức Hội thảo báo cáo tình hình tác động môi trường lĩnh vực hàng hải giai đoạn 2006-2010 và xây dựng kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm giai đoạn 2011-2020 nhằm triển khai nhiệm vụ Bộ GTVT giao.
Cục HHVN vừa tổ chức Hội thảo báo cáo tình hình tác động môi trường lĩnh vực hàng hải giai đoạn 2006-2010 và xây dựng kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm giai đoạn 2011-2020 nhằm triển khai nhiệm vụ Bộ GTVT giao.
Hoạt động hàng hải ngày càng phát triển và có vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho mọi lực lượng tham gia hoạt động hàng hải là phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khi xảy ra sự cố ô nhiễm phải áp dụng mọi biện pháp giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Với mục đích đó, Dự thảo báo cáo tình hình tác động môi trường lĩnh vực hàng hải giai đoạn 2006-2010 và xây dựng kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm giai đoạn 2011-2020 của Cục HHVN đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình môi trường trong lĩnh vực hàng hải hiện nay, một số giải pháp có giá trị… Tuy nhiên, báo cáo vẫn tồn tại một số vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Nhân-Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường GTVT VN cho rằng: Báo cáo cần phân tích sâu hơn sự tác động đến môi trường do sự phát triển tàu biển, cảng biển…, trong đó cần tập trung xem xét đánh giá việc quy hoạch cảng biển, đóng tàu có gì bất cập cho vấn đề môi trường hay không hoặc phân tích sâu vào các sự cố, tai nạn tàu thuyền là một trong những nguồn cơ bản gây ô nhiễm môi trường…, để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm xây dựng ngành Hàng hải phát triển bền vững.
Dưới góc độ đại diện cho cơ quan quản lý, ông Nguyễn Chu Giang-Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đánh giá: báo cáo được xây dựng một cách công phu và tương đối toàn diện, đáp ứng yêu cầu cơ bản của Thông tư 08/2010/TT-BTNMT ngày 18/3/2010 của Bộ TN & MT; đã đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải và định hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011- 2020. Nhưng vẫn còn một số nội dung cần được điều chỉnh và bổ sung để hoàn thiện báo cáo, như: Cần có sự đánh giá toàn diện hơn tác động môi trường từ hoạt động của tàu biển và phương tiện vận tải thủy nội địa; bên cạnh việc nghiên cứu tham gia công ước quốc tế cũng cần nghiên cứu “nội luật hóa” phù hợp thực tế Việt Nam; nên tham khảo các số liệu môi trường đã được nghiên cứu và các biện pháp, mô hình mẫu trong quản lý môi trường của các quốc gia tiên tiến. Ông Giang còn cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường biển từ các hoạt động hàng hải phải được xem xét, giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập với khu vực và thế giới, báo cáo cần bổ sung giải pháp đối với việc nghiên cứu về bộ máy quản lý, đào tạo nhân lực, xây dựng lực lượng chuyên trách quản lý môi trường và đề ra cơ chế hoạt động cụ thể, cũng như cần xem xét tham khảo các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Báo cáo được toàn diện và chuyên sâu về các lĩnh vực hàng hải, đồng thời đề xuất được những giải pháp thực sự hiệu quả và tính khả thi cao.
Bổ sung thêm ý kiến của ông Chu Giang, theo ông Tạ Quang Việt – Phó giám đốc Cảng vụ HH Quảng Ninh: Báo cáo cần nghiên cứu sâu hơn đến các hoạt động ngành Hàng hải gây ảnh đến môi trường như việc xây dựng các cụm cảng, cơ sở đóng sửa chữa tàu, nhất là các cơ sở phá dỡ tàu cũ;…
Dưới góc độ là doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, ThS. thuyền trưởng Nguyễn Quế Dương-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh: báo cáo cần xem lại chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường, sao cho bảo đảm chất lượng; ngoài ra, cần đề cập sâu hơn đến công tác xây dựng các trạm thu gom rác thải đảm bảo công năng, khối lượng phù hợp với từng khu vực cảng. Bên cạnh đó, cần tập trung quản lý các tàu nhỏ (tàu cá, tàu hàng nhỏ) bởi đây là những tàu không được trang bị đầy đủ thiết bị thu gom rác thải, chất thải cũng như quản lý chặt chẽ về việc xả thải ra biển…
Là người công tác trong lĩnh vực tư vấn môi trường, ông Trần Đình Hoàn cho rằng, dựa trên xu hướng phát triển của ngành Hàng hải Việt Nam từ 2011 đến 2020 để có cơ sở dự báo tác động đến môi trường và đề xuất kế hoạch giảm thiểu phù hợp. Ngoài ra, báo cáo cần bổ sung kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu cho 6 cụm cảng biển và bổ sung việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm đổ bùn nạo vét cho 6 cụm cảng…
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Ngô Kim Định-Phó vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT cho rằng: Thời gian qua, ngành Hàng hải Việt Nam đã được Chính phủ đánh giá là một Ngành có sự phát triển nhanh, mạnh. Cùng với sự phát triển đó, vấn đề môi trường ngành Hàng hải cũng đã được quan tâm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để có sự phát triển mạnh hơn và thực sự bền vững thì những vấn đề liên quan đến môi trường Ngành cần được quan tâm nhiều hơn như vấn đề pháp lý, vấn đề đào tạo hay đầu tư trang thiết bị… Ông Định cho rằng, hiện nay, giữa hệ thống pháp luật quản lý môi trường và việc quản lý môi trường trong ngành Hàng hải còn nhiều bất cập, do vậy, báo cáo cần đi sâu phân tích vào vấn đề này để có những đề xuất phù hợp trình Chính phủ và các cấp… Bên cạnh đó, báo cáo cần đề cập đến việc quy hoạch các trạm thu gom chất thải tại từng khu vực cũng như doanh nghiệp trong Ngành cần phải có cán bộ quản lý môi trường riêng, tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từng doanh nghiệp, đơn vị…  
Hội thảo được đánh giá không chỉ có ý nghĩa quan trọng mà còn là diễn đàn để các cấp, ngành đóng góp trách nhiệm của mình trước sự nghiệp bảo vệ môi trường chung hướng đến sự phát triển bền vững.
Tạp chí HHVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)