Ngày 24/4, tại Đà Nẵng, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh Lê Thành Ân, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Joakim Parker, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) Lê Huy Vịnh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước trao đổi về tình hình triển khai dự án xử lý môi trường Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Ngày 24/4, tại Đà Nẵng, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh Lê Thành Ân, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Joakim Parker, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) Lê Huy Vịnh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước trao đổi về tình hình triển khai dự án xử lý môi trường Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác về vấn đề xử lý chất da cam/dioxin với việc triển khai dự án xử lý môi trường tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đây là điểm nóng về dioxin do mức độ tồn dư dioxin trong bùn đất còn sót lại sau chiến tranh. Năm 2010, Việt Nam và Hoa Kỳ khởi động việc triển khai dự án xử lý ô nhiễm dioxin từ hóa chất diệt cỏ da cam tại các khu vực Sân bay Đà Nẵng.
Theo dự án này, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ tiến hành xử lý khoảng 73.000m3 đất và trầm tích ô nhiễm. USAID đã phối hợp với các đối tác Việt Nam tiến hành đánh giá môi trường, trong đó phân tích các điều kiện của Sân bay quốc tế Đà Nẵng và đã đánh giá một số công nghệ xử lý dioxin.
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh cho biết, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, Bộ Quốc phòng phối hợp với USAID thực hiện dự án xử lý môi trường tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng nhằm mục tiêu tẩy sạch dioxin và qua đó loại bỏ nguy cơ phơi nhiễm dioxin. Hiện dự án bảo đảm các tiến độ đề ra như rà phá bom mìn, thi công 50% hầm xử lý, thi công sân phơi bùn đất ô nhiễm dioxin và đào xúc đất phơi nhiễm dioxin, thi công đường tải điện… Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, việc triển khai dự án xử lý môi trường tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng có ý nghĩa tác động đến việc bảo đảm sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện để Đà Nẵng xây dựng “Thành phố môi trường”. Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đề nghị các bên tham gia cần thường xuyên chia sẻ, cung cấp và phản hồi thông tin một cách nhanh chóng trong quá trình xử lý. Mặt khác, đề nghị USAID tiếp tục hỗ trợ các chương trình xã hội từ thiện, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng Bệnh viện Ung thư và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật.
Kể từ ngày khởi công (9/8/2012) đến nay, các nhà thầu đã tiến hành thi công kết cấu hầm xử lý đạt đủ chiều cao 7,3 mét và lát chống thấm phần đáy nhằm ngăn chặn nước rò rỉ ra bên ngoài. Ngoài ra còn triển khai thi công sân phơi để tập kết nguồn bùn đất trước khi đưa vào hầm xử lý. Hiện có khoảng 3.200m3 bùn đất bị nhiễm dioxin từ khu vực phía đông nam Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã được đưa vào sân phơi.
Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam và quốc tế, ông Joakim Parker cho biết, dự án đã tăng kinh phí thực hiện lên 84 triệu USD so với mức dự tính 43 triệu USD được công bố ban đầu. Nguyên nhân phát sinh kinh phí do dự án phức tạp trong nhiều công việc. Theo USAID, do mặt bằng hạn chế nên việc xử lý môi trường tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng chia làm hai giai đoạn với việc 2 lần thi công hầm xử lý hấp thu nhiệt và bảo đảm đến cuối năm 2016 dự án sẽ hoàn thành.