Cơ chế giao dịch khí phát thải (Emission Trading System/ETS) là trụ cột trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của EU và là công cụ chủ yếu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. ETS được EU triển khai từ năm 2005 nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải xuống 20% (so với mức 1990) vào năm 2020.
Cùng với các nỗ lực cắt giảm khí CO2 của nhiều quốc gia trên thế giới, Ngày 13/10/2003, Cộng đồng Châu Âu (EU) ban hành Nghị quyết 2003/87/EC về việc thiết lập Hệ thống mua bán hạn mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong lãnh thổ EU (chưa bao gồm hoạt động hàng không dân dụng). Cơ chế giao dịch khí phát thải (Emission Trading System/ETS) là trụ cột trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của EU và là công cụ chủ yếu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. ETS được EU triển khai từ năm 2005 nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải xuống 20% (so với mức 1990) vào năm 2020.
Năm 2008, xét thấy hoạt động hàng không dân dụng thải một lượng đáng kể khí Carbon, EU ra Nghị quyết 2008/101/EC đưa hoạt động hàng không dân dụng vào Hệ thống giao dịch khí phát thải và bắt đầu áp dụng kể từ ngày 01/01/2012. Theo Nghị quyết này, các hãng hàng không có chuyến bay đi/đến và khai thác trong lãnh thổ Châu Âu sẽ phải nộp phí khí Carbon thải ra từ hoạt động của tàu bay nếu vượt quá hạn ngạch được cấp (trừ các chuyến bay đến từ một số nước mà EU công nhận đã áp dụng các biện pháp giảm phát thải). Quy định này áp dụng đối với tất cả các hãng hàng không có chuyến bay đi và đến lãnh thổ EU (ảnh hưởng tới khoảng 4000 hãng hàng không thuộc 62 quốc gia).
Trong trường hợp vi phạm, EU sẽ phạt 100 EUR đối với mỗi tấn CO2 vượt hạn ngạch (mà chưa mua quyền phát thải) hoặc thu giữ tàu bay, cấm hạ, cất cánh từ sân bay châu Âu. Mỗi Hãng đều phải mở một tài khoản khí thải tại Châu Âu và hoàn thành trước tháng 4 năm 2012.
Sau phiên họp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Ủy ban Châu Âu họp và đề xuất “stop the clock” tạm hoãn thu tiền phí khí thải của các Hãng hàng không có các chuyến bay đi/đến EU. Ngày 12/11/2012, Ủy ban Khí hậu Liên minh Châu Âu đã công bố quyết định tạm dừng việc áp dụng hệ thống giao dịch khí phát thải đối với các hãng hàng không ngoài EU trong vòng 01 năm. Tuy nhiên chính sách này vẫn tiếp tục áp dụng đối với các hãng hàng không ngoài EU khai thác trong lãnh thổ EU. Như vậy các hãng hàng không của các quốc gia không phải là thành viên của EU sẽ bị áp đặt cơ chế EU ETS khi khai thác các chuyến bay trong nội địa Châu Âu. Cơ chế này được tạm hoãn cho tới Khóa họp Hội đồng của ICAO trong khoảng thời gian từ 24/9/2013 đến 01/10/2013 tại Canada để đạt được một thỏa thuận toàn cầu về các biện pháp dựa trên sự điều phối của thị trường trong khuôn khổ ICAO.
Chính sách EU ETS áp dụng đối với ngành hàng không dân dụng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước (đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật) và cộng đồng hàng không dân dụng thế giới. Các nước phản đối cho rằng ETS đã vi phạm “chủ quyền” vì ETS áp dụng tiêu chuẩn môi trường của EU đối với toàn bộ chuyến bay đến/đi từ Châu Âu mặc dù phần lớn chặng bay nằm ngoài lãnh thổ Châu Âu. Các nước này còn phản đối ETS đã phân biệt đối xử, và lo ngại chính sách này không công bằng đối với các nước đang phát triển (các hãng hàng không hoạt động kém hiệu quả) gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, các nước phản đối còn cho rằng việc EU đơn phương áp dụng ETS cản trở nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Các nước cho rằng chỉ có Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO mới có tư cách quản lý vấn đề phát thải trên các chuyến bay quốc tế.
Ngoài ra một số nước như Nga và Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ cấm các hãng hàng không nội địa trả phí khí thải cho EU. Các lập luận chung đều cho rằng EU ETS gây khó khăn cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng các thỏa thuận chung về giảm khí nhà kính, đi ngược lại các quy định của Công ước LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng như quy định của hàng không quốc tế, làm phức tạp các hệ thống chính sách, quy định thu phí trong lĩnh vực hàng không, tăng chi phí đối với các hãng hàng không trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn.
Trong những năm qua Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) luôn phản đối chính sách EU ETS trong các vòng đàm phán song phương về Hiệp định hàng không giữa Việt Nam và các nước trong EU cũng như Hiệp định Sàn hàng không giữa Việt Nam với EU. Kết quả là nội dung thu phí nhiên liệu tàu bay cho các chuyến bay quốc tế đi/đến EU đã được các bên nhất trí không đưa vào Hiệp định Sàn Việt Nam – EU và các Hiệp định hàng không giữa Việt Nam với các nước EU.
MT