Các công trình nâng cấp đường, sửa chữa vỉa hè và lắp đặt cống thoát nước sẽ giúp đô thị khang trang hơn, tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như cải thiện tình trạng ngập úng, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đoạn Quốc lộ 1, từ ngã tư Ga đến ngã tư Bình Phước, đồng loạt được đào bới để thi công,
nhưng nhiều nơi không tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhiều đơn vị làm việc bầy hầy, thiếu trách nhiệm… gây nhiều phiền hà cho người dân, thậm chí gây ra các tai nạn đáng tiếc.
Bất an với “đại công trình”
Quốc lộ 1, đoạn từ cầu Bình Phước (quận Thủ Đức) đến cầu vượt ngã tư Ga (quận 12, TPHCM) là một trong những “điểm nóng” về ùn tắc giao thông do mật độ xe lưu thông cao. Trên đoạn quốc lộ này cũng chưa có hệ thống thoát nước nên mỗi khi trời mưa, thường xuyên bị ngập úng, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống và tác động xấu đến việc đi lại của người dân. Vì vậy, Khu quản lý Giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã tổ chức sửa chữa, mở rộng mặt đường nhằm giảm ùn tắc giao thông. Song song đó, Ban Quản lý dự án thoát nước đô thị (thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP) cũng lắp đặt hệ thống cống thoát nước. Để đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư đã chia nhỏ 2 dự án trên thành 10 gói thầu và đồng loạt tổ chức thi công. Vì vậy, trong thời gian qua, một đoạn quốc lộ dài khoảng 4km trở thành một “đại công trình”.
Bà Nguyễn Thị Xuân ở gần ngã tư chùa Khánh An (phường An Phú Đông, quận 12) cho biết, từ khi thi công, người dân sống dọc theo Quốc lộ 1 ngày nào cũng than vãn vì bụi mù mịt và ùn ứ giao thông. Bên cạnh đó là đất, đá phục vụ công trình vung vãi khắp nơi khiến việc kinh doanh, buôn bán của người dân bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn khi có người “vấp” phải công trình đang thi công và gặp nạn. “Chiều tối 26/8, một nữ sinh chạy xe gắn máy trên Quốc lộ 1 theo hướng từ ngã tư Ga về ngã tư Bình Phước, khi đến ngã tư chùa Khánh An thì bị trượt ngã. Lúc này, một xe tải đi phía sau không thắng kịp đã cán qua người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ”, bà Xuân bức xúc.
Theo quan sát của phóng viên, tại các vị trí đang thi công có nhiều rãnh sâu cùng đá lởm chởm. Nhiều miệng hố ga không được che chắn cẩn thận. Vài đoạn dọc quốc lộ xuất hiện các đống đá dăm đổ tràn ra đường. Tuy nhiên, các biển báo, rào chắn cảnh báo rất sơ sài; thậm chí đơn vị thi công chỉ giăng dây ni lông… làm rào chắn! “Khi dự án hoàn thành, khu vực này sẽ khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị đơn vị thi công làm nhanh và làm dứt điểm từng đoạn, chứ không nên đồng loạt đào xới lên, trong khi nhân công và máy móc thưa thớt. Chúng tôi rất sợ kiểu thi công bầy hầy như hiện nay, nhất là nước mưa che lấp nhiều ổ gà, khiến nhiều người điều khiển phương tiện lưu thông bị té ngã rồi gặp nạn”, bà Xuân bày tỏ.
An toàn là trên hết
Thanh tra Sở GTVT TPHCM nhìn nhận, qua phối hợp kiểm tra các dự án trên Quốc lộ 1 đã phát hiện nhiều vi phạm như thiếu rào chắn, biển báo; không thực hiện đúng phương án thi công; không thu dọn, tái lập mặt đường sau thi công. Những đoạn tái lập tạm cũng chưa đảm bảo an toàn. Nhiều nơi còn để đọng nước, tạo hố sâu tiềm ẩn nguy hiểm cho người lưu thông. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm. Ở 2 dự án này, đội đã lập gần 40 biên bản, trong đó nhắc nhở 30 trường hợp và ra quyết định xử phạt vi phạm 7 trường hợp với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng”, ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội 7, Thanh tra Sở GTVT (phụ trách địa bàn) nói và cho biết sau khi được nhắc nhở hay xử phạt, các vi phạm đã khắc phục nên chưa đình chỉ thi công trường hợp nào.
Liên quan đến vụ tai nạn dẫn đến cái chết của nữ sinh nêu trên, ông Lê Văn Tuấn cho rằng, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra nên chưa xác định cụ thể nguyên nhân. Tuy vậy, trong thời gian tới, đội sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các đơn vị thi công nhằm đảm bảo việc thi công thực hiện theo đúng phương án và tuân thủ các yêu cầu để đảm bảo an toàn cho người dân. Ông Lê Văn Tuấn khuyến cáo: “Đoạn đường này có mật độ phương tiện giao thông rất lớn. Một phần mặt đường còn được rào chắn để thi công nên sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Do công trình vừa thi công vừa khai thác nên người dân qua lại khu vực này cần quan sát cẩn thận các biển báo và lưu thông theo hướng dẫn nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”.
Về tình hình thi công các dự án trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, khẳng định: “Lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm khi phát hiện công trình thi công có vi phạm. Bên cạnh các đội thanh tra địa bàn, Thanh tra Sở GTVT còn lập một tổ chuyên đề tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm ở các công trình trọng điểm. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT đã ra quyết định đình chỉ thi công đối với 30 trường hợp do thi công không đúng giấy phép; thiếu biển báo, rào chắn hoặc thi công gây ùn tắc giao thông. Vì an toàn, tính mạng của người dân tham gia giao thông và chất lượng công trình, chúng tôi cương quyết xử lý các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và chủ đầu tư các công trình có vi phạm. Việc đình chỉ thi công là bất đắc dĩ vì sẽ khiến công trình kéo dài thời hạn hoàn thành. Tuy nhiên, đối với các vi phạm đã được nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm; đồng thời, các vi phạm rơi vào quy định phải áp dụng biện pháp xử lý bổ sung là đình chỉ thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết”.
Xử phạt hơn 500 vụ vi phạm
Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã lập biên bản 500 vụ vi phạm quy định về thi công với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng. Các vi phạm phổ biến là không đảm bảo an toàn như để vật liệu đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; không bố trí người hướng dẫn, điều tiết giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp…
Gần đây nhất, Thanh tra Sở GTVT đã ra quyết định đình chỉ 8 công trình thi công cẩu thả tại huyện Nhà Bè và quận 4 do thiếu rào chắn, để rơi vãi vật liệu gây cản trở giao thông và thi công không đúng theo giấy phép, như: công trình di dời tuyến cáp ngầm 220KV (quận 4); các công trình nâng cấp, mở rộng đường Phạm Hữu Lầu, đường Nguyễn Văn Tạo, đường Phan Văn Bảy (huyện Nhà Bè); lắp đặt hệ thống thoát nước đường Đặng Nhữ Lâm và ở 3 gói thầu số 1, 2, 3 của công trình nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Tạo nối dài (huyện Nhà Bè).