Một số vấn đề chu ý khi thực hiện cuộc thanh tra xây dựng cơ bản

Thứ tư, 24/09/2014 09:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Chuẩn bị triển khai cuộc thanh tra xây dựng cơ bản

- Cần nắm tình hình, xác định mục tiêu, lựa chọn nội dung, đối tượng thanh tra, ra quyết định thanh tra. Việc chuẩn bị kỹ cho cuộc thanh tra luôn có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công của cuộc thanh tra. Đối với cuộc thanh tra một dự án đầu tư xây dựng, cần phải nắm được nhưng thông tin cơ bản sau đây:

+ Hình thức tổ chức thực hiện dự án; Thời kỳ thực hiện dự án.

+ Tổng mức đầu tư, tổng dự toán của công trình dự án được duyệt.

+ Kế hoạch vốn đầu tư và quá trình thực hiện vốn đầu tư. Số liệu luỹ kế đến thời điểm thanh tra.

+ Khối lượng đã được nghiệm thu, đã quyết toán, khối lượng đã được thanh toán.

+ Các nhà thầu thi công (cần xác định nhà thầu chính và nhà thầu phụ), khối lượng thi công của từng nhà thầu, khối lượng đã được quyết toán thanh toán.

- Mục tiêu thanh tra dự án đầu tư xây dựng nhằm:

+ Phát hiện và kết luận những sai phạm trong chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, việc áp dụng các định mức đơn giá và nghiệm thu thanh quyết toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, việc quyết toán vốn đầu tư và bàn giao công trình để đưa vào khai thác sử dụng.

+ Xác định nguyên nhân sai phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tập thể có liên quan đến những sai phạm đó.

+ Kiến nghị các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục và xử lý sai phạm, kiến nghị sửa đổi bổ, sung cơ chế chính sách.

- Nội dung cơ bản đối với thanh tra một dự án đầu tư xây dựng là:

+ Việc chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư và xây dựng;

+ Việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng;

+ Việc chấp hành chế độ nghiệm thu quyết toán khối lượng công trình.

- Về đối tượng thanh tra:

Đối với một dự án đầu tư và xây dựng trong tổ chức thực hiện có liên quan đến nhiều đối tượng, có thể bao gồm: cơ quan chủ quản đầu tư trong việc ra quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình, cơ quan cấp phát vốn và thẩm tra công trình, chủ đầu tư, Ban quản lý công trình, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát công trình.....

Tuỳ từng mục đích và yêu cầu của cuộc thanh tra để xác định đối tượng trong mỗi cuộc thanh tra. Tuy nhiên trong thực tế kinh nghiệm thanh tra cho thấy cần tập trung vào các đối tượng thanh tra sau:

- Chủ đầu tư;

- Đơn vị thi công xây lắp;

- Đơn vị thiết kế;

- Giám sát.

+ Quyết định thanh tra:

Sau khi bước chuẩn bị xong, chúng ta mới ra quyết định thanh tra, vì quyết định thanh tra có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc thanh tra, nó liên quan đến hình thức tổ chức thực hiện cũng như việc tổng hợp kết luận một cuộc thanh tra.

Tuỳ tình hình thực tế và đối tượng thanh ra để có thể ra quyết định thanh tra cho 1 đối tượng hay nhiều đối tượng.

2. Tiến hành thanh tra

Tuỳ theo yêu cầu của quyết định thanh tra, nội dung thanh tra có thể tập trung vào một hoặc tất cả các nội dung cơ bản sau:

* Thanh tra về trình tự, thủ tục đầu tư và xây dựng:

+ Hồ sơ pháp lý:

Yêu cầu đơn vị cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án.

Cần đối chiếu danh mục văn bản pháp lý và các quy định có trong hồ sơ của dự án so với quy định hiện hành của Nhà nước, như: Luật xây dựng; Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành; để xác định các bước tiến hành chuẩn bị đầu tư không đúng quy định. Ví dụ: không có báo cáo tiền khả thi hoặc báo cáo khả thi; không có quyết định đầu tư; chưa có dự toán, thiết kế được duyệt; chưa có quyết định chỉ định thầu hoặc quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của cơ quan có thẩm quyền đã ký hợp đồng thi công hoặc tiến hành thi công….

+Nội dung các văn bản pháp lý của dự án:

Trong ngành Tư pháp, cần tập trung thanh tra một số văn bản pháp lý chính của dự án sau:

- Thanh tra việc lập dự án đầu tư xây dựng như các yêu cầu đối với dự án đầu tư; nội dung dự án; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân lập dự án; thẩm định, quyết định đầu tư; điều chỉnh dự án; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, của nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư, của người ra quyết định đầu tư; chi phí quản lý dự án; nội dung, hình thức quản lý dự án đầu tư.

- Khảo sát, thiết kế xây dựng, được quy định từ điều 46 đến điều 61 Luật xây dựng.

- Xem xét việc thực hiện theo quy định của Luật xây dựng về xin phép và tuân thủ theo giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền - Từ điều 62 đến điều 68 Luật xây dựng.

- Xem xét việc đền bù, giải phóng mặt bằng công trình xây dựng, các chi phí cần thiết cho việc giải phóng mặt bằng và xử lý những tài sản trên đó.

- Khởi công xây dựng: xem các điều kiện khởi công, thi công đã đầy đủ chưa, các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư , nhà thầu xây dựng, tư vấn giám sát; nghiệm thu, bàn giao công trình; thanh quyết toán, bảo hành, xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình xây dựng trong quá trình xây dựng

Qua việc đối chiếu nội dung các văn bản pháp lý của dự án nói trên giúp chúng ta có thể phát hiện ra các nội dung văn bản còn chưa phù hợp, từ đó tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý.

+Thẩm quyền phê duyệt các văn bản pháp lý của dự án:

- Thanh tra thẩm quyền ban hành quyết định đầu tư: Xem xét thẩm quyền quyết định đầu tư của từmg loại vốn đầu tư đối với từng đối tượng để đối chiếu với quyết định đầu tư của từng dự án, qua đó phát hiện các trường hợp phê duyệt sai thẩm quyền.

- Thanh tra thẩm quyền thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán

- Thanh tra trình tự thời gian ban hành văn bản:

Đối chiếu với thời gian ban hành văn bản quyết định đầu tư, duyệt dự toán, thời điểm ký kết hợp đồng thi công xây lắp, thời gian khởi công, nghiệm thu, kế thúc.... để xem xét các trường hợp không chấp hành trình tự, thủ tục về thời gian hoặc có sự mâu thuẫn về trình tự thời gian. Từ đó có cơ sở xem xét, kết luận các sai phạm như: Ký kết hợp đồng khi chưa có sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; thi công khi chưa có dự toán thiết kế được duyệt; nghiệm thu thanh toán trước khi có khối lượng hoàn thành.....

* Thanh tra việc thực hiện pháp luật về đấu thầu:

Để thanh tra phát hiện các sai phạm dạng này cần nắm vững các quy định tại Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản của Bộ Tài chính quy định về việc mua sắm hàng hoá, theo đó xác định được các dự án như thế nào cần phải tổ chức đấu thầu, trường hợp nào được chỉ định thầu.

Nếu là chỉ định thầu phải xem xét nó có đúng thuộc đối tượng được phép chỉ định thầu hay không, thẩm quyền chỉ định thầu có đúng theo quy định không.

Kiểm tra việc đấu thầu và chỉ định thầu gồm các khâu cơ bản sau:

- Lập, phê duyệt phương án đấu thầu;

- Tổ chức mời thầu, xét thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu;

- Thương thảo ký kết hợp đồng thầu thi công....

* Thanh tra việc chấp hành quy định về trình tự và nguyên tắc phê duyệt dự toán; lập thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán:

Để phát hiện sai phạm này cần nắm vững các quy định sau về thiết kế xây dựng công trình; thẩm định thiết kế, tổng dự toán; phê duyệt thiết kế và tổng dự toán được quy định trong Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng các công trình đầu tư.

Khi thanh tra cần yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý cụ thể như: tài liệu khảo sát chi tiết, Báo cáo tiền khả thi hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư, thiết kế dự toán được duyệt, các tập đơn giá riêng từng công trình.

* Thanh tra sự phù hợp giữa tổng dự toán và tổng mức đầu tư:

Đối chiếu giữa tổng dự toán và tổng mức đầu tư để phát hiện các trường hợp tổng dự toán vượt mức đầu tư sai so với quy định. Tổng dự toán không được lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt”; giá trị tổng dự toán kể cả thiết bị phải phù hợp với quyết định đầu tư.

Đối chiếu nội dung công việc trong quyết định đầu tư có tương ứng với dự toán chi tiết trong dự toán được duyệt, từ đó phát hiện các trường hợp có trong dự toán nhưng không có trong nội dung quyết định đầu tư hoặc ngược lại.

* Thanh tra sự đầy đủ, chính xác của thiết kế kỹ thuật:

Xem xét đối chiếu giữa bản vẽ thiết kế kỹ thuật với dự toán và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, quy cách chủng loại vật liệu sử dụng để phát hiện các trường hợp thiết kế, dự toán không đầy đủ, thiếu cụ thể, không rõ ràng, dễ dẫn đến sai phạm trong thi công, gây khó khăn cho quản lý, giám sát.

* Thanh tra tính chính xác của tổng dự toán được duyệt:

Kiểm tra đối chiếu chi tiết khối lượng công việc trong dự toán với khối lượng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế thi công.

Đối chiếu các định mức, đơn giá đã sử dụng lập dự toán, tổng dự toán với các quy định về định mức, đơn giá của Nhà nước đã ban hành theo từng thời điểm cụ thể hoặc khu vực có đơn giá riêng (Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Qua đó ta có thể phát hiện việc lập, duyệt dự toán sai khối lượng so với thiết kế kỹ thuật; áp sai định mức, đơn giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; đơn giá vật tư thiết bị áp sai so với dự toán; tính tỷ lệ thiết kế phí, thẩm định, thuế suất.... sai quy định.

* Thanh tra việc đền bù, giải phóng mặt bằng:

Việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho thi công, có nhiều công trình có khối lượng lớn nằm trong dự toán được duyệt. Nhiều công trình có khối lượng lớn về thu hồi vật liệu, nguyên liệu do phá dỡ công trình cũ; một phần có thể đưa vào công trình mới, còn lại có thể thanh lý để sử dụng vào mục đích khác. Do đó, khi thanh tra cần yêu cầu đơn vị được thanh tra cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng.

* Thanh tra về quản lý chất lượng công trình:

Đây là một khâu quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm làm cho công trình thoả mãn các tính năng cụ thể, đảm bảo về hiệu quả đầu tư, tính ổn định, an toàn, tiện nghi, thẩm mỹ, môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy trình quy phạm có liên quan.

Việc thanh tra đối với công tác quản lý chất lượng công trình gồm:

- Quản lý chất lượng đối với công tác tư vấn khảo sát đo đạc, tư vấn thiết kế xây dựng: Kiểm tra việc thực hiện xét duyệt nội bộ từng đồ án. Theo quy định, mỗi đồ án thiết kế phải có chủ nhiệm đồ án chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về chất lượng và hiệu quả của đồ án đó.

- Kiểm tra xem tổ chức tư vấn nhận thầu lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công và lắp đặt thiết bị, kiểm tra chất lượng xây dựng hay quản lý thực hiện dự án có trong giới hạn chứng chỉ hành nghề hay không ?

- Kiểm tra chất lượng tài liệu khảo sát, thiết kế có bảo đảm phù hợp với quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng của Nhà nước, của Ngành hay không?

- Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán giữa chủ đầu tư và tổ chức tư vấn.

- Các hồ sơ khảo sát xây dựng phải được xác định đúng tại hiện trường, phải phản ánh đúng hiện trạng mặt bằng xây dựng, địa hình, địa chất thực tế, nhằm phát hiện tình trạng khai tăng khối lượng so với thực tế thi công.

- Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình cả ở 3 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kết thúc đầu tư đưa dự án vào sử dụng. Trong vấn đề này, chủ đầu tư phải sâu sát từ khi đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đến việc kiểm tra chất lượng xây dựng trong quá trình thi công xây lắp, chất lượng vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng....

- Đối với đơn vị thi công: phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về kỹ thuật chất lượng xây lắp công trình; phải cùng với chủ đầu tư, tổ chức thiết kế, tổ chức giám sát thực hiện lập hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật, chất lượng từng công việc, từng hạng mục, toàn bộ công trình.

- Kiểm tra xem đơn vị thi công có chứng chỉ hành nghề phù hợp với yêu cầu xây lắp công trình không.

- Kiểm tra hệ thống đảm bảo chất lượng công trình, như: người làm công tác thí nghiệm, thử nghiệm.... có chứng chỉ chuyên môn không, các thiết bị đo lường, kiểm định của đơn vị thi công có phù hợp với tiêu chuẩn không?

- Kiểm tra các vật liệu, cấu kiện mà đơn vị thi công đưa vào sử dụng đã có chứng chỉ xuất xưởng, đã thí nghiệm để kiểm tra chất lượng hay chưa?

Các tài liệu để kiểm tra chất lượng gồm: các chứng chỉ kỹ thuật, phiếu kiểm tra xác nhận chất lượng vật liệu, máy móc thiết bị sử dụng trong dự án; các kết quả thí nghiệm cốt thép, mác bê tông, kết quả thí nghiệm chất lượng của biện pháp gia cố nền, thử sức chịu tải của cọc, kết quả thí nghiệm đất đá, kết quả thí nghiệm mối hàn, liên kết bu lông cường độ cao của kết cấu thép.....; các hợp đồng và thanh lý hợp đồng mua bán vật tư, xuất nhập vật tư, nhật ký công trình, phân công giám sát, hợp đồng giao thầu....

* Thanh tra việc giám sát, quản lý công trình:

Đối chiếu các tài liệu nghiệm thu, các chứng chỉ thí nghiệm với các quy định của Nhà nước về giám sát thi công và nghiệm thu công trình, qua đó phát hiện trường hợp thiếu hồ sơ nghiệm thu thực tế hoặc lập hồ sơ không đúng trình tự thủ tục hoặc không có đầy đủ thành phần Hội đồng nghiệm thu theo đúng quy định.

Đối chiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi thi công, tài liệu kiểm tra với các yêu cầu thiết kế để phát hiện các thủ tục nghiệm thu chưa đầy đủ, như thiếu các chứng chỉ của nhà sản xuất về vật liệu, thiết bị sử dụng, thiếu hồ sơ lý lịch các thiết bị đối với các loại thiết bị cần quản lý nguồn gốc; thiếu các chứng chỉ thử nghiệm về chất lượng vật liệu như thử bê tông, thử cường độ thép....

* Thanh tra việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành (khối lượng và đơn giá thanh toán):

+ Thanh tra tính chính xác của khối lượng đã nghiệm thu, thanh toán:

- Đối chiếu với các biên bản nghiệm thu chi tiết về mặt thời gian, thời gian lập bảng thanh toán khối lượng lập phiếu giá hoặc quyết toán với nhật ký công trình, với thời gian xuất nhập vật tư thiết bị sử dụng và các tài liệu khác để phát hiện trình tự nghiệm thu từng phần việc chi tiết có thể không đúng với các khối lượng che khuất, những kết cấu chịu lực mà theo quy định phải được nghiệm thu trước khi cho phép thi công công việc tiếp theo; hoặc phát hiện trường hợp nghiệm thu trước để lập phiếu giá thanh toán khối lượng trước khi thi công hoàn thành.

- Đối chiếu các tài liệu thí nghiệm, kiểm tra chất lượng, nhật ký công trình, chứng chỉ kỹ thuật, chủng loại vật tư theo thiết kế, dự toán và mẫu vật tư khi đấu thầu với chủng loại vật tư sử dụng trong thực tế, để phát hiện trường hợp sử dụng vật tư thiết bị không đúng thiết kế, nghiệm thu không đúng chất lượng, chủng loại vật tư thiết bị sử dụng cho công trình.

- Đối chiếu khối lượng nghiệm thu với khối lượng dự toán trúng thầu và hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt.

- Đối chiếu khối lượng nghiệm thu với thiết kế dự toán và hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt( đối với chỉ định thầu), để phát hiện khối lượng nghiệm thu không đúng thiết kế, dự toán; khối lượng nghiệm thu khống.

- Trong một số trường hợp có thể căn cứ vào khối lượng vật tư nguyên liệu mà đơn vị sử dụng cho công trình và định mức hao hụt vật tư, nguyên liệu trong xây dựng do Bộ xây dựng ban hành để xác định khối lượng xây lắp thực tế và đối chiếu với khối lượng được nghiệm thu thanh toán để xác định khối lượng nghiệm thu không đúng thực tế, nghiệm thu khống.

- Trường hợp các tài liệu làm cơ sở cho đối chiếu như biên bản nghiệm thu chi tiết, hồ sơ hoàn công thiếu tin cậy thì tiến hành khảo sát, đo đạc thực tế hiện trường để xác định khối lượng chủng loại vật liệu thi công.

- Đối chiếu giá trị khối lượng hoàn thành nghiệm thu với giá trị khối lượng lập phiếu giá đề nghị thanh toán để phát hiện các trường hợp lập phiếu giá đề nghị thanh toán cao hơn thực tế.

- Đối chiếu khối lượng lập phiếu giá đề nghị thanh toán với số tiền được cấp phát thanh toán để phát hiện trường hợp thanh toán không đúng như thanh toán theo tỷ lệ khối lượng hoàn thành cao hơn quy định, như khi thanh toán khối lượng hoàn thành không giảm trừ tạm ứng thanh toán, thanh toán vượt khối lượng hoàn thành....

Việc nghiệm thu thanh toán không đúng khối lượng thi công thực tế là sai phạm thường thấy trong các công trình xây dựng và gây ra thất thoát khá lớn, do đó cần chú ý kiểm tra kỹ để phát hiện, xử lý.

+ Thanh tra việc áp dụng đơn giá trong thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán công trình:

- Đối chiếu đơn giá thanh toán với đơn giá trúng thầu để xác định việc thanh toán sai đơn giá.

- Đối chiếu đơn giá thanh toán với đơn giá dự toán được duyệt, thông báo giá của địa phương trong từng thời kỳ thi công dự án( đối với chỉ định thầu) để phát hiện thanh toán không đúng không đúng đơn giá.

- So sánh giữa các biện pháp thi công với đơn giá áp dụng xem có phù hợp với thiết kế thi công và hồ sơ đấu thầu không?, để phát hiện việc áp dụng biện pháp thi công khác nhưng thanh toán vẫn theo thiết kế hoặc theo hồ sơ đấu thầu với giá cao hơn thực tế.

- Đối chiếu đơn giá thanh toán với các chứng từ mua bán, xuất nhập vật tư với những không có trong bộ đơn giá và thông báo giá của địa phương, để phát hiện đơn giá thanh toán không đúng vật liệu thi công.

- Kiểm tra việc áp dụng các hệ số thanh toán vật liệu, nhân công, máy, chi phí chung, lãi định mức, mức thuế giá trị gia tăng từng thời kỳ.... trong hồ sơ thanh toán, quyết toán để phát hiện trường hợp thanh toán không đúng.

3. Một số sai phạm thường gặp trong quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản

Những sai phạm trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng ở các dự án đầu tư là rất đa dạng và phức tạp. Trên đây, chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm trong việc thanh tra và phát hiện các sai phạm có tính phổ biến để các đồng chí nghiên cứu và áp dụng trong thực tế hoạt động của địa phương sao cho phù hợp.

3.1 Sai phạm của các cơ quan quản lý về đầu tư, chủ đầu tư và nhà thầu thường phạm phải là:

- Công tác khảo sát để thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công: Công tác khảo sát để thiết kế bản vẽ thi công được đưa vào hồ sơ đấu thầu xây lắp nhưng không quy định cụ thể khối lượng khảo sát.

- Công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán: Hồ sơ về thẩm định thiết kế kỹ thuật không đầy đủ, thủ tục tiến hành không bảo đảm.

- Trình tự tiến hành đấu thầu:

+ Cố ý lập hồ sơ đấu thầu trước khi có phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

+ Phát hành thư mời thầu trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

+ Mở thầu, xét thầu trước khi phê duyệt tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá thầu.

+ Việc kiểm tra lỗi số học và quy đổi về cùng mặt bằng giá để xác định giá bỏ thầu thường có sai sót có lợi cho nhà thầu.

- Công tác chuẩn bị mặt bằng có các vi phạm sau:

+ Đền bù, giải phóng mặt bằng không đúng chính sách hiện hành: Phê duyệt tăng tỷ lệ phí quản lý cho ban giải phóng mặt bằng, ban quản lý dự án.

- Công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành, phần khối lượng các hạng mục phát sinh ngoài thư mời thầu của chủ đầu tư thường đủ hồ sơ, nhưng nhà thầu thường thiếu chứng từ.

- Không thực hiện quyết toán dự án theo quy định: do chủ quan là chờ kết quả thanh tra, kiểm toán mới tiến hành quyết toán, do khách quan là không quyết toán dứt điểm được với địa phương về kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

3.2 Sai phạm của đơn vị thi công thường phạm phải là:

- Về khối lượng: Khai khống; khai tăng

- Về đơn giá: áp sai

- Thi công sai thiết kế

- Đưa vật liệu vào không đúng chủng loại: mác xi măng, gỗ gạch, thiết bị điện, nước

- Sai lỗi số học

- Thay đổi thiết kế ban đầu mà không xin phép hoặc có xin phép nhưng chưa được đồng ý

- Đan sắt không đúng theo thiết kế

- Xi măng: 30, 40....

- Gạch: Hoa lát nền; chống trơn; ốp lát nhà vệ sinh; gạch xây; gạch, đá ốp trụ, cột....

- Cửa: hụt so với thiết kế; gỗ không đúng loại (lim, đinh, chò chỉ, nghiến, de dổi, tạp.....); đơn giá áp không đúng; khuôn khép làm thành khuôn đơn, độ dầy không đúng thiết kế.....

- Điện: Quạt các loại; đèn các loại; attômát, công tơ điện; cột điện; đường dây điện; chống sét....

- Nước: máy bơm; đường ống nước; tê, cút; bể nước.....

- Xây: không làm nhưng có quyết toán; độ lát nền xi măng không đúng kích cỡ; gạch không đúng chủng loại....

- Trát: Khai tăng m2 không trừ cửa; đơn giá tính không đúng theo độ cao....

- Máy: không cần máy nhưng vẫn đưa vào.

- Phần thủ tục: không có luận chứng kinh tế kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, quyết định đầu tư, dự toán được duyệt, không tiến hành đấu thầu, nghiệm thu không sơ sài, thành phần đấu thầu không đảm bảo, ký kết hợp đồng không đúng hoặc không có, không tiến hành thanh lý hợp đồng, phát sinh không báo cáo người có thẩm quyền chi tiêu ban quản lý công trình không đúng quy định, thanh toán không đúng trình tự quy định.

Một số văn bản liên quan:

- Văn bản cũ:

Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Nghị định 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2005/NĐ-CP;
- Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
- Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
- Nghị định 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2007/NĐ-CP;
- Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật xây dựng;
- Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Quyết định 56/2008/QĐ-BTC ngày 17/7/2008 ban hành Quy trình thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước
- Thông tư 33/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 Hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước;
- Thông tư số 98/2007/TT-BTC ngày 09/8/2007 về sửa đổi bổ sung Thông tư 33/2007/TT-BTC;
- Thông tư 117/2008/TT-BTC ngày 05/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
- Thông tư số 109/2000/TT-BTC ngày 13/11/2000 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc thu nộp và sử dụng lệ phí thẩm định đầu tư;
- Thông tư 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009;
- Thông tư 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 Hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
- Thông tư 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 Hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
- Thông tư 04/2005/TT-BXD ngày 01/4/2005 Hướng dẫn lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Thông tư 02/2005/TT-BXD ngày 25/02/2005 Hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
- Quyết định 60/2009/QĐ-UBND ngày 09/4/2009 ban hành quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước của Thành phố Hà Nội; có hiệu lực kể từ ngày 19/4/2009
- Quyết định 17/2008/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của UBND Thành phố Hà Nội công bố Tập định mức dự toán xây dựng công trình Thành phố Hà Nội- phần xây dựng; Bảng giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình; Đơn giá xây dựng công trình Thành phố Hà Nội- phần xây dựng, phần lắp đặt, phần khảo sát xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội; có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2008;
- Văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình.

- Văn bản mới:

1. Đầu tư
- Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội;
- Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 12/2009/nđ-cp ngày 12 tháng 02 năm 2009 của chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình,
- Thông tư 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
- Thông tư 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009.
2. Đấu thầu:
- Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội;
- Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựachọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.
3. Văn bản khác liên quan:
- Quyết định 957/2009/QĐ-BXD ngày 09/9/2009 của Bộ Xây dựng về Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình.
- Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước ban hành kèm theo ;
- Quyết định số: 61/2010/qđ-ttg ngày 30/9/2010 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 59/2007/QĐ-TTg.
- Thông tư của Bộ Tài chính số 103/2007/TT-BTC ngày 29 tháng 8 năm 2007
hướng dẫn thực hiện Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Ghi chú: Ngoài ra còn rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng liên quan đến từng giai đoạn trong quá trình thực hiện dự án.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)