Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Thanh tra Bộ GTVT xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về đợt tổng kết của Bộ Giao thông vận tải về Luật Thanh tra 2010.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời phỏng vấn Trang thông tin điện tử Thanh tra Bộ GTVT
PV: Xin Thứ trưởng cho biết lý do mà Bộ Giao thông vận tải tiến hành tổng kết Luật Thanh tra năm 2010?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Có thể nói, đây là đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có phạm vi, đối tượng, nội dung điều chỉnh rất rộng, liên quan đến mọi cấp, mọi ngành, trong đó có Ngành Giao thông vận tải. Qua 6 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, trong tổ chức và hoạt động thanh tra đã bắt đầu bộc lộ, nảy sinh những bất cập, vướng mắc. Thực hiện chiến lược phát triển Ngành thanh tra Việt Nam và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ (Kế hoạch số 922/KH-TTCP ngày 20/4/2017), Bộ Giao thông vận tải đã ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức tổng kết Luật Thanh tra năm 2010.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết mục đích, nội dung chính của đợt tổng kết này?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Mục đích của đợt tổng kết lần này nhằm đánh giá thực tiễn 06 năm thi hành Luật Thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT; xác định những kết quả đạt được; những hạn chế, bất cập và nguyên nhân từ Luật Thanh tra và trong việc tổ chức thi hành Luật Thanh tra. Qua đó, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi Luật Thanh tra và những văn bản pháp luật liên quan; các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra.
Nội dung tổng kết tập trung vào các nội dung, như: sự chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; việc tuyên truyền, tập huấn về Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tình hình, kết quả thực hiện các quy định của Luật Thanh tra và văn bản hướng dẫn thi hành, trọng tâm là các quy định về: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành GTVT, đặc biệt là đánh giá thực trạng mô hình tổ chức, phương thức hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải trong bối cảnh hội nhập, phát triển hiện nay. Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động thanh tra, gồm cơ quan và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan và thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan và thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; thanh tra viên; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; cộng tác viên thanh tra; đối tượng thanh tra; các chủ thể khác có liên quan; tình hình, kết quả phối hợp trong hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra giữa các cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan chức năng thuộc công an nhân nhân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước, cơ quan kiểm tra của đảng…;
Giao thông vận tải là ngành đa lĩnh vực, có lĩnh vực còn mang tính hội nhập và còn tác động của các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, do đó, ngoài việc đánh giá sự tuân thủ, phù hợp giữa các quy định của Luật Thanh tra so với Hiến pháp năm 2013, các luật khác, còn đánh giá tính phù hợp và kết quả triển khai các quy định quốc tế về công tác thanh tra, kiểm tra; đánh giá thành công và hạn chế, bất cập của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra; xác định và phân tích rõ nguyên nhân và hạn chế, bất cập; đề xuất và kiến nghị cụ thể nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành…;
PV: Xin ông cho biết một số thông tin về cách thức thực hiện việc tổng kết Luật?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Theo Nghị định số 57/2013/NĐ-CP của Chính phủ, có nhiều đối tượng chịu sự tác động của Luật Thanh tra, ngoài Thanh tra Bộ còn rất nhiều cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Do đó, để đợt tổng kết này đạt kết quả, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm rất cụ thể đến Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế; Tổng cục ĐBVN, các Cục Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Y tế GTVT, Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT; các Vụ; các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ GTVT tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật và các tác động của Luật; tham gia thảo luận, kiến nghị đề xuất điều chỉnh, bổ sung Luật…;
Để đánh giá được một cách toàn diện, sâu sắc Luật Thanh tra theo mục đích, yêu cầu như tôi đã nói ở trên, Bộ Giao thông vận tải giao Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan liên quan triển khai nhiều phương thức thực hiện, như khảo sát, đánh giá thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để tập hợp các ý kiến đóng góp; tạo diễn đàn trên trang thông tin điện tử để tranh thủ các ý kiến tham gia rộng rãi…;
PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của đợt tổng kết lần này cuả Bộ Giao thông vận tải?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Có thể nói, ngoài việc tổng kết theo yêu cầu như tôi đã nói ở trên, đây còn là đợt sinh hoạt chuyên môn rất quan trọng, là cơ hội để chúng ta cùng nhau hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải. Qua đó tạo sự đồng thuận cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác nhằm góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển ngành Giao thông vận tải cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thực hiện: Phương Hoa