Sáng 12/4, tại trụ sở Bộ GTVT, Thanh tra Bộ GTVT đã tổ chức buổi công bố "Kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về thanh tra tại Cục Hàng hải Việt Nam".
Phó trưởng đoàn Thanh tra Đoàn Khắc Trung công bố toàn văn kết luận
Tại buổi công bố, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ, ông Đoàn Khắc Trung - Phó trưởng phòng phụ trách phòng Tổng hợp, thanh tra Bộ GTVT, Phó trưởng đoàn Thanh tra đã công bố toàn văn Kết luận số 3385/KL-BGTVT ngày 03/4/2018 "Kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về thanh tra tại Cục Hàng hải Việt Nam".
Theo Kết luận, thực hiện Quyết định số 3197/QĐ-BGTVT ngày 17/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra tại Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, từ ngày 06/12/2017 đến ngày 09/01/2018, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra xác suất tại Cục Hàng hải Việt Nam và một số Cảng vụ Hàng hải (CVHH): TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng theo kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.
Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra: công tác tổ chức cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hàng hải (bao gồm: công tác tổ chức thực hiện công tác thanh tra; Công tác sử dụng biên chế và bố trí lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành hàng hải); hoạt động thanh tra (bao gồm: Công tác lập, phê duyệt kế hoạch thanh tra; Thực hiện công tác thanh tra; Công tác phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Công tác giám sát, công khai kết luận; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra; Công tác quản lý nội bộ).
Đánh giá về trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về thanh tra tại Cục Hàng hải Việt Nam, Kết luận nhận định, trong điều kiện cơ chế tổ chức, biên chế khó khăn, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, song Cục HHVN, Thanh tra Cục và các CVHH đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện cơ bản hoàn thành kế hoạch thanh tra chuyên ngành hàng hải được Bộ GTVT phê duyệt; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (bao gồm cả khuyến cáo khắc phục lỗi) được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải theo quy định. Cục HHVN, các CVHH được thanh tra trực tiếp đã ban hành nhiều văn bản, quy chế để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GTVT về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được triển khai cơ bản theo đúng kế hoạch được các cấp thẩm quyền phê duyệt; nội dung thanh tra, kiểm tra đã bao quát được các nội dung quản lý nhà nước về hàng hải, có trọng tâm, trọng điểm trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, tồn tại, hạn chế. Công tác xử lý vi phạm hành chính, kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, xử lý sau thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế, vướng mắc về công tác tổ chức cán bộ và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành như còn nhiều CVHH chưa tổ chức thanh tra chuyên ngành theo quy định; việc phát hiện, xử lý vi phạm hành chính của một số CVHH còn thấp, đưa đồng đều, chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay.
Để khắc phục các tồn tại hạn chế, Kết luận yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương tổ chức đánh giá kết quả, tình hình thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng hải” được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 5003/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2014; xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục và tiếp tục tổ chức thực hiện; tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng theo quy định. Tiến hành tổ chức, kiện toàn lại bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Cục HHVN, các CVHH theo hướng giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác thanh tra, kiểm tra nhằm giảm đầu mối theo chỉ đạo chung của Bộ trưởng Bộ GTVT; rà soát lại toàn bộ lực lượng đã được phân công, cấp thẻ thanh tra, kiểm tra, lập biên bản tại Cục HHVN, các CVHH để tổ chức, sắp xếp, phân công cho phù hợp với yêu cầu thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Thanh tra Cục HHVN thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo Thông tư số 34/2013/TT-BGTVT; giao Thanh tra Cục HHVN chủ trì phối hợp với các phòng liên quan (An toàn - An ninh hàng hải, Pháp chế...) tiến hành rà soát các quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và xử lý trong quá trình thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính (trong đó có văn bản số 260/CHHVN- AT&ANHH) để tham mưu cho Cục trưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, tránh chồng chéo, phân tán như hiện nay. Trước mắt, tổ chức ngay việc nghiên cứu xây dựng văn bản trình Bộ GTVT hướng dẫn quy trình thanh tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật chuyên ngành hàng hải về bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển Việt Nam; công tác bảo đảm an toàn, an ninh cảng biển cho phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý và quy định của pháp luật.Rà soát các công chức là thanh tra viên để thực hiện đúng các quy định về quản lý công chức, thanh tra viên theo quy định, trong đó có việc thôi ngạch, chuyển ngạch, điều động, biệt phái, hưởng phụ cấp thanh tra viên, chế độ bồi dưỡng thanh tra.
Về công tác thanh tra chuyên ngành, yêu cầu Cục trưởng Cục HHVN chỉ đạo Thanh tra Cục HHVN, tất cả các CVHH nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính (trong đó có cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên); có biện pháp chấn chỉnh, xử lý ngay các tồn tại, hạn chế của các CVHH đã nêu. Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 07/2018/TT-BGTVT ngày 07/02/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT về quy trình kiểm tra tàu biển nước ngoài để thực hiện thống nhất trong các CVHH. Giám đốc các CVHH xây dựng quy chế quản lý nội bộ và thực hiện việc giám sát nhằm nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ đối lực lượng trực tiếp kiểm tra tại tàu biển.
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra độc lập đối với các nội dung thuộc phạm vi quản lý của CVHH theo phân cấp; hoàn thiện quy chế và tăng cường công tác quản lý nội bộ; tiếp nhận, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT. Tổ chức in ấn, quản lý sử dụng mẫu ấn chỉ biên bản vi phạm hành chính, quyết định phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, biên bản kiểm tra phục vụ việc lập ngay tại tàu, hiện trường để phục vụ công tác quản lý, theo dõi, phòng chống tiêu cực trong hoạt động nghiệp vụ theo quy định và chỉ đạo của Bộ GTVT.
Chỉ đạo, có biện pháp giải quyết tồn tại trong việc thực hiện Kết luận thanh tra số 446/KL-CVHHTPHCM ngày 24/5/2017 và quyết định xử lý sau thanh tra của CVHH TP Hồ Chí Minh; chỉ đạo rà soát lại các vụ việc vi phạm chưa khắc phục hậu quả do CVHH Đồng Nai phát hiện, xử lý để xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức điểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; tổ chức rút kinh nghiệm trong cơ quan, đơn vị nhằm tránh xảy ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót như trong thời gian qua.
Phó chánh thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường yêu cầu Cục HHVN khắc phục ngay những tồn tại hạn chế
Đối với Giám đốc các CVHH TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đoàn thanh tra yêu cầu thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về thanh tra trong lập kế hoạch, triển khai kế hoạch; thực hiện các cuộc thanh tra (theo đoàn hoặc thanh tra độc lập) theo đúng quy định pháp luật về thanh tra, Thông tư số 05/2014/TT-TTCP, Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT. Trong đó nghiên cứu, tăng cường hoạt động thanh tra độc lập theo Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT cho phù hợp với điều kiện về nhân lực, nội dung, đối tượng, thời gian thanh tra của CVHH.
Tăng cường tiếp nhận thông tin, phát hiện, xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải; thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục về xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Rà soát, xây dựng, ban hành quy định quản lý nội bộ về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT và các quy định hiện hành của pháp luật; mở sổ sách, ghi chép sổ sách theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT.
Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra do Cục HHVN, CVHH thực hiện, đảm bảo các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định. Có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và nội dung cụ thể khác nêu tại biên bản làm việc tại đơn vị. Tổ chức điểm điểm, xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến tồn tại, hạn chế nêu trên; tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị.
Phát biểu tại buổi công bố, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường - Trưởng đoàn Thanh tra yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện ngay việc khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã nêu ra trong kết luận, chỉ đạo, đôn đốc các cảng vụ hàng hải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thay mặt lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt bày tỏ sự thống nhất với nội dung của kết luận. Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt cho biết, sẽ báo cáo đảng ủy, tập thể lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam tìm phương hướng khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như xử lý các sai phạm của cá nhân, tập thể đã nêu ra trong kết luận, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc Cục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Lê Đức