THANH TRA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÁ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
QUY CHẾ
THI ĐUA - KHEN THƯỞNG NGÀNH THANH TRA
(Ban hành kèm theo quyết định số 2298/2006/QĐ-TTCP, ngày 04/12/ 2006)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về đối tượng, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và một số nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thanh tra.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thanh tra Bộ, ngành, địa phương, các Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ
2. Cá nhân, tập thể thuộc Thanh tra Bộ, ngành, địa phương, các vụ đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
3. Cá nhân, tổ chức khác có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành Thanh tra Việt Nam.
Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng
1. Thi đua thực hiện trên nguyên tắc: tự nguyện, công khai, dân chủ, đảm bảo tinh thần đoàn kết hợp tác. Mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua, có đăng ký thi đua, đủ tiêu chuẩn đều được xét công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
2. Khen thưởng thực hiện trên nguyên tắc: kịp thời, chính xác, công khai, dân chủ, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, xứng đáng là gương sáng cho mọi người trong cùng đơn vị cũng như các đơn vị khác trong ngành noi theo.
3. Không xét khen thưởng đối với cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm bị kỷ luật từ khiển trách trở lên; tập thể có cá nhân vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên trong kỳ phát động thi đua; hồ sơ khen thưởng không đúng quy định về thủ tục và thời gian.
Điều 4. Khen thưởng thường xuyên, khen thưởng đột xuất
1. Khen thưởng thường xuyên: Là việc xét khen thưởng cho cá nhân, tập thể lập thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong năm, được tập thể đơn vị bình xét, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Khen thưởng đột xuất: Tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc, đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra kinh tế xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, có tác dụng nêu gương trong phạm vi đơn vị, địa phương, trong ngành Thanh tra hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến phương pháp công tác được áp dụng có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của ngành, sẽ được xét thưởng ngay sau khi lập được thành tích.
Việc xét khen thưởng đột xuất thực hiện theo nguyên tắc:
a) Lãnh đạo Bộ, ngành, tỉnh, thành phố hoặc Chánh Thanh tra bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét khen thưởng đột xuất đối với tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoặc các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương giao.
b) Tổng Thanh tra xét khen thưởng đột xuất đối với:
- Tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc, đột xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ do Thanh tra Chính phủ giao.
- Cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc hợp tác với cơ quan Thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng.
c) Thành tích đã xét khen thưởng đột xuất được tính để xét thành tích khen thưởng chung cho cả năm.
Chương II
THI ĐUA VÀ DANH HIỆU THI ĐUA
Mục I
Tổ chức phong trào thi đua
Điều 5. Hình thức tổ chức thi đua
1) Thi đua thường xuyên: Là hoạt động thi đua diễn ra hàng ngày, hàng tháng, hàng quý nhằm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu chương trình kế hoạch công tác hàng năm.
2) Thi đua theo đợt: Là hoạt động thi đua được tổ chức trong một giới hạn thời gian cụ thể nhằm thực hiện một nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của đơn vị hoặc lập thành tích chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của Ngành; thành tích thi đua được tính vào thành tích khen thưởng chung cho cả năm.
Điều 6: Phát động thi đua
1. Tổng Thanh tra phát động, tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn ngành Thanh tra.
2. Chánh Thanh tra Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ phát động, tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi đơn vị mình quản lý.
3. Tổ chức đoàn thể trong cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương, cơ quan Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan Thanh tra cùng cấp trong quá trình tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua ở đơn vị, đảm bảo cho phong trào thi đua đạt hiệu quả cao.
Điều 7. Nội dung phong trào thi đua
1. Nội dung phong trào thi đua phải bám sát và phục vụ trực tiếp, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, của cả ngành. Các chỉ tiêu thi đua phải thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị và cá nhân, đảm bảo tính khả thi cao.
2. Hình thức tổ chức phát động thi đua phong phú, phù hợp với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của đơn vị; coi trọng công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; động viên đông đảo cán bộ, công chức, viên chức đơn vị tham gia, tránh phô trương, hình thức.
Điều 8. Đăng ký thi đua
Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu thi đua, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, cá nhân, tập thể đăng ký thi đua, danh sách đăng ký thi đua của cá nhân, tập thể Thanh tra bộ, ngành, địa phương, các Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, gửi về Văn phòng Thanh tra Chính phủ trước khi kết thúc quý I hàng năm để theo dõi và làm căn cứ xét khen thưởng.
Điều 9. Sơ kết, tổng kết phong trào thi đua
1) Công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua thường xuyên được tiến hành đồng thời với sơ kết, tổng kết công tác chuyên môn, đánh giá, bình xét xếp loại cán bộ công chức theo định kỳ ở các đơn vị. Thanh tra Chính phủ tổ chức tổng kết công tác thi đua, xét khen thưởng vào dịp tổng kết công tác ngành Thanh tra hàng năm.
2) Tổng kết phong trào thi đua ngắn ngày hoặc đợt thi đua, tiến hành ngay sau khi kết thúc phong trào hoặc đợt thi đua ở các đơn vị. Thông qua việc tổng kết thi đua kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, tìm ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả cao đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đơn vị và trong toàn ngành Thanh tra.
Mục II
Danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua
Điều 10. Danh hiệu thi đua
1. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân gồm:
a) Chiến sỹ thi đua toàn quốc.
b) Chiến sỹ thi đua ngành Thanh tra.
c) Chiến sỹ thi đua cơ sở.
d) Lao động tiên tiến.
2. Danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm:
a) Cờ thi đua của Chính phủ.
b) Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ.
c) Tập thể lao động xuất sắc.
d) Tập thể lao động tiên tiến.
Điều 11. Tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”
Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nội qui, Quy chế làm việc của cơ quan, có tinh thần tự lực, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua.
3. Tích cực học tập chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Có đạo đức, lối sống lành mạnh.
Điều 12: Tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”
Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Có sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc hoặc giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, có đề tài nghiên cứu khoa học (hoặc tham gia trong nhóm nghiên cứu đề tài khoa học), có báo cáo tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của Ngành.
2. Là cá nhân tiêu biểu trong số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Điều 13. Tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Thanh tra”
Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Thanh tra” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Có sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc hoặc giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, có đề tài nghiên cứu khoa học (hoặc tham gia nhóm nghiên cứu đề tài khoa học), có báo cáo tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của Ngành.
2. Có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong số cá nhân có 3 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và trong đó có ít nhất 01 lần được Tổng thanh tra tặng Bằng khen.
Điều 14. Tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”
Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” xét tặng hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Thanh tra Chính phủ đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Có sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc hoặc giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoặc có ít nhất một lần làm chủ nhiệm hoặc chủ trì đề tài nghiên cứu tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của đơn vị, của Ngành, được nghiệm thu, đánh giá đạt loại xuất sắc.
2. Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong số cá nhân có 2 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Thanh tra”.
Điều 15. Tiêu chuẩn danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”
Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Hoàn thành từ 80% trở lên kế hoạch công tác có chất lượng, hiệu quả góp phần hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng được giao.
3. Tổ chức phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, có hiệu quả.
4. Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Điều 16. Tiêu chuẩn danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”
Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Là tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong số các tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”.
2. Nội bộ đoàn kết, có tinh thần sáng tạo, vượt khó khăn hoàn thành 100% kế hoạch công tác đúng thời hạn, có chất lượng và hiệu quả cao; thực hiện nghiêm túc những quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bài trừ các tệ nạn xã hội.
3. Tổ chức, duy trì phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả.
4. Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
5. Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Điều 17. Tiêu chuẩn danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ”
1. Tiêu chuẩn chung:
a) Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ được xét tặng hàng năm cho tập thể thanh tra Bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có đăng ký thi đua, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua, chương trình kế hoạch công tác và nhiệm vụ theo chức năng được giao.
b) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bài trừ các tệ nạn xã hội trong cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong khi thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.
c) Làm tốt công tác xây dựng tổ chức, lực lượng thanh tra cơ sở trong sạch, vững mạnh, có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể khác trong ngành Thanh tra học tập; tổ chức Đảng, đoàn thể đạt trong sạch, vững mạnh, là tập thể tiêu biểu xuất sắc trong số các tập thể có đủ tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra.
d) Có sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc hoặc giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học hoặc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của đơn vị, của Ngành, được nghiệm thu, đánh giá đạt loại khá trở lên.
2. Đối với các đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 còn phải đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp tổ chức tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng; giải quyết đúng quy định pháp luật 80% các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đúng trình tự, đúng thời hạn, thời hiệu). Kết quả thẩm tra, xác minh trung thực, chính xác, là căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo chính xác và có tính khả thi cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, đơn vị.
b) Triển khai thực hiện đạt kết quả 100% các cuộc thanh tra kinh tế, xã hội theo chương trình, kế hoạch được duyệt, các cuộc thanh tra đột xuất, các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ giao.
Điều 18. Tiêu chuẩn danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”
Cờ thi đua của Chính phủ được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
- Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất của ngành Thanh tra.
- Có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể khác trong ngành Thanh tra học tập.
- Nội bộ đoàn kết, tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.
- Có những đóng góp thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ngành hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học, tổng kết đúc rút kinh nghiệm thực tiễn được nghiệm thu, đánh giá đạt loại xuất sắc, ứng dụng vào hoạt động thực tiễn bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thanh tra của đơn vị, của Ngành.
- Tổ chức Đảng, đoàn thể cơ quan trong sạch, vững mạnh.
Chương III
HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
Điều 19. Hình thức khen thưởng
1. Hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng cấp Nhà nước:
Thực hiện theo các quy định tại Chương III Luật Thi đua-Khen thưởng và Chương III Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
2. Hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ:
1) Bằng khen của Tổng Thanh tra;
2) Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
Điều 20 : Đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra:
1. Đối tượng:
Bằng Khen của Tổng thanh tra được xét tặng cho:
- Tập thể thanh tra bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ;
- Các phòng thuộc thanh tra bộ ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các phòng thuộc vụ, đơn vị Thanh tra Chính phủ.
- Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thanh tra sở, ngành thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra;
- Các đối tượng khác theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quy chế này.
2. Tiêu chuẩn:
a) Đối với tập thể:
a.1. Đối với các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
- Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện đạt kết quả 90% trở lên các cuộc thanh tra theo chương trình kế hoạch được duyệt, các cuộc thanh tra đột xuất. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp.
- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật ít nhất 70% trở lên các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính cùng cấp, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
- Thực hành tiết kiệm, có biện pháp tích cực nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có phẩm chất chính trị, ý thức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật, năng lực công tác tốt đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, không có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật. Tổ chức Đảng, Đoàn thể, cơ quan được công nhận trong sạch, vững mạnh.
- Tổ chức, duy trì thường xuyên và hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua ở đơn vị. Năm đề nghị tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra, tập thể phải đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc tập thể đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” đối với lực lượng Công an, Quân đội.
a.2. Đối với các đơn vị không thực hiện chức năng thanh tra:
- Hoàn thành xuất sắc, toàn diện, có hiệu quả chỉ tiêu, kế hoạch công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Thường xuyên làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến phương pháp làm việc để nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, phục vụ kịp thời, có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của đơn vị, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của cơ quan, đơn vị và của ngành Thanh tra.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, năng lực công tác tốt, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, không có cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. Tổ chức Đảng, Đoàn thể của đơn vị được công nhận trong sạch, vững mạnh.
- Có biện pháp tích cực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức duy trì thường xuyên và hưởng ứng tích cực phong trào thi đua của đơn vị, của ngành phát động, năm đề nghị khen thưởng, tập thể phải đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc tập thể đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” đối với lực lượng Công an, Quân đội.
b) Đối với cá nhân:
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; có sáng kiến, phương pháp công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Là tấm gương tiêu biểu ở đơn vị được tập thể lựa chọn, suy tôn, năm đề nghị khen thưởng phải đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”.
Điều 21. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”
Việc tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” thực hiện theo Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” ban hành kèm theo Quyết định số 1692/2005/QĐ-TTCP ngày 14/9/2005 của Tổng Thanh tra.
Chương IV
THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, TRAO TẶNG, THỦ TỤC, HỒ SƠ VÀ QUY TRÌNH XÉT KHEN THƯỞNG
Mục I
Thẩm quyền quyết định và trao tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng
Điều 22. Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 77 và Điều 78 Luật Thi đua - Khen thưởng.
2. Tổng Thanh tra quyết định:
a) Tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Chiến sỹ thi đua ngành Thanh tra”, “ Tập thể Lao động tiên tiến”, “Tập thể Lao động xuất sắc” cho tập thể, cá nhân các vụ, đơn vị thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ.
b) Tặng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ cho tập thể thanh tra bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
c) Tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân thuộc thanh tra Bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và cá nhân, tổ chức khác theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quy chế này.
Điều 23. Lễ trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước
Nghi lễ trao tặng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 9/8/2004 của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra, Tổng Thanh tra uỷ quyền cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra Bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức công bố và trao tặng cho cá nhân, tập thể được khen thưởng.
3. Việc công bố và trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải tổ chức trang trọng, đúng nghi thức, tránh phô trương hình thức, lãng phí.
Mục II
Trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị khen thưởng
Điều 24. Trách nhiệm xét, đề nghị khen thưởng
1) Thủ trưởng đơn vị các cấp trong ngành Thanh tra có trách nhiệm xét, trình cấp trên khen đối với tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình.
2) Cấp nào chủ trì phát động thi đua thì cấp đó lựa chọn tập thể, cá nhân xuất sắc để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
3) Tổng Thanh tra xét, quyết định: Tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân theo quy định tại điểm a,b,c khoản 2 Điều 22 Quy chế này.
4) Trình khen các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua cấp Nhà nước đối với cá nhân, tập thể các Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể Thanh tra Bộ, ngành, địa phương có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực: Thanh tra kinh tế, xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo; đấu tranh chống tham nhũng.
5) Hiệp y các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua cấp Nhà nước đối với cá nhân, tập thể thanh tra Bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có văn bản yêu cầu của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Điều 25. Hồ sơ đề nghị khen thưởng
Thực hiện theo quy định từ Điều 53 đến Điều 65 Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật sửa đổi một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Chánh thanh tra Bộ, ngành, Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về thủ tục, hồ sơ trình khen của các đơn vị thuộc quyền khi trình khen các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền Tổng thanh tra, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
1. Hồ sơ đề nghị tặng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ (02 bộ) gồm:
- Tờ trình đề nghị khen thưởng của thanh tra Bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ.
- Báo cáo thành tích của tập thể được đề nghị tặng Cờ do Thủ trưởng đơn vị đề nghị ký, đóng dấu.
- Biên bản họp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng thanh tra bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Thanh tra Chính phủ.
- Văn bản đề nghị của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc xác nhận thành tích và đề nghị khen thưởng của Lãnh đạo Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với thanh tra bộ ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
2. Hồ sơ đề nghị tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra (02 bộ) gồm:
- Tờ trình của Thanh tra Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo danh sách trích ngang đề nghị tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra (đối với cá nhân).
- Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể đề nghị khen thưởng có xác nhận của thủ trưởng cơ quan cùng cấp.
- Biên bản họp xét thi đua của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng thanh tra Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, cơ quan Thanh tra Chính phủ.
3.Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất (01 bộ) gồm:
- Tờ trình đề nghị khen thưởng của cơ quan, đơn vị có cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng;
- Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng (nêu rõ hành động, thành tích, công trạng lập được để đề nghị khen thưởng) do Thủ trưởng đơn vị trình xác nhận. Nếu khen thưởng thành tích về nghiên cứu khoa học, phát minh sáng kiến thì phải có quyết định hoặc Bằng công nhận do cơ quan thẩm quyền cấp gửi kèm hồ sơ (bản sao).
- Biên bản họp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng của đơn vị trình khen.
Điều 26. Thời hạn gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị khen thưởng thường xuyên gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 30 tháng 12 hàng năm, trừ trường hợp Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn khác.
2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất gửi về Thanh tra Chính phủ ngay sau khi lập được thành tích đột xuất.
Điều 27. Tiếp nhận, quản lý hồ sơ khen thưởng
Cơ quan làm công tác Thi đua khen thưởng thuộc Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý hồ sơ khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra và các tài liệu có liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của Nhà nước, của Thanh tra Chính phủ theo quy định. Hàng năm, làm thủ tục chuyển giao hồ sơ sang lưu trữ đúng quy định.
Điều 28. Quy trình xét khen thưởng
1. Việc xét khen thưởng thường xuyên đối với các đơn vị trong ngành của Thanh tra Chính phủ được tiến hành 1 đợt khi kết thúc năm công tác.
2. Trên cơ sở đề nghị khen thưởng của các đơn vị và báo cáo tổng hợp của Văn phòng, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra họp xét và trình Tổng Thanh tra quyết định khen thưởng. Trường hợp vì lý do đặc biệt không tổ chức cuộc họp Hội đồng thì Văn phòng có trách nhiệm gửi xin ý kiến bằng văn bản các thành viên Hội đồng và các đơn vị có liên quan, tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng báo cáo, xin ý kiến Thường trực Hội đồng trước khi trình Tổng Thanh tra xét quyết định.
3. Đối với những hồ sơ đề nghị khen thưởng chưa đúng quy định, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Văn phòng có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho đơn vị trình khen bổ sung, hoàn chỉnh. Trong thời hạn 10 ngày từ khi nhận được thông báo, đơn vị phải gửi hồ sơ bổ sung để Văn phòng Thanh tra Chính phủ trình khen theo quy định.
4. Việc trình khen các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước đối với cá nhân, tập thể các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; hiệp y khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước đối với cá nhân, tập thể thuộc thanh tra Bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm lấy ý kiến các thành viên Hội đồng TĐKT ngành Thanh tra (bằng văn bản) trước khi trình Tổng Thanh tra quyết định.
5. Việc xét tặng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ:
Hàng năm, trên cơ sở đăng ký thi đua, kết quả công tác, thành tích thi đua và đề nghị của các đơn vị, việc lựa chọn đơn vị tiêu biểu đề nghị tặng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ được HĐTĐ ngành Thanh tra thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Đơn vị được khen thưởng phải có số phiếu bầu trên 50% so với số thành viên Hội đồng tham gia bỏ phiếu tại cuộc họp; những đơn vị có số phiếu bình xét từ 50% trở xuống sẽ được Hội đồng xem xét, trình Tổng Thanh tra tặng Bằng khen.
6. Việc xét đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ:
Ngoài việc các đơn vị đăng ký danh hiệu thi đua theo tuyến trình khen quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53 Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ, hàng năm, trên cơ sở kết quả công tác và thành tích thi đua của các đơn vị, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra sẽ xem xét, đề nghị Tổng thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” cho một số đơn vị thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lĩnh vực:
- Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Thanh tra kinh tế xã hội;
- Đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Chương V
QUỸ THI ĐUA KHEN THƯỞNG
Điều 29. Nguồn và mức trích quỹ
Quỹ Thi đua khen thưởng của Thanh tra Chính phủ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước với mức tối đa bằng 15% tổng quỹ lương theo ngạch bậc của số cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế, tiền công được duyệt cả năm và trích từ các nguồn thu hợp pháp khác của Thanh tra Chính phủ.
Điều 30. Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng
1.Quỹ thi đua, khen thưởng của Thanh tra Chính phủ được sử dụng để:
a) Chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm kỷ niệm chương, huy hiệu, cờ thi đua, khung bằng khen;
b) Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho cá nhân, tập thể.
2. Quỹ thi đua khen thưởng của Thanh tra Chính phủ hàng năm được quyết toán theo đúng chính sách, chế độ.
Điều 31. Nguyên tắc chi thưởng
1. Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền Tổng Thanh tra quyết định, được trích từ quỹ khen thưởng của Thanh tra Chính phủ.
2. Cá nhân, tập thể thuộc Thanh tra bộ, ngành, địa phương nào được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước quyết định khen thưởng thì Bộ, ngành, địa phương đó có trách nhiệm trích trong quỹ thi đua, khen thưởng của cấp mình để chi thưởng. Tập thể, cá nhân thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ, do Thanh tra Chính phủ chi thưởng.
3. Mức tiền thưởng cụ thể kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân thực hiện theo quy định tại Điều 69 đến Điều 74 Nghị định 121/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.
4. Trong cùng một thời điểm, cùng một thành tích nếu đạt được các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khác nhau thì chỉ được nhận tiền thưởng (hoặc tặng phẩm kèm theo) đối với mức thưởng của danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng cao nhất.
Chương VI
QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, TẬP THỂ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG
Điều 32. Quyền lợi của cá nhân tập thể được khen thưởng
1) Cá nhân, tập thể được khen thưởng ngoài việc được nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng kèm theo khung Bằng khen, khung Giấy chứng nhận còn được nhận một khoản tiền thưởng hoặc tặng phẩm theo quy định từ Điều 71 đến Điều 74 Nghị định 121/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.
2. Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định tại Điều 76 Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.
Điều 33. Trách nhiệm của cá nhân, tập thể được khen thưởng
Cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có trách nhiệm giữ vững và phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục phấn đấu để lập thành tích và danh hiệu thi đua cao hơn; bảo quản tốt các hiện vật khen thưởng, không cho mượn hoặc để người khác lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Chương VII
HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG NGÀNH THANH TRA
Điều 34: Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành Thanh tra
Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành Thanh tra do Tổng Thanh tra quyết định thành lập, gồm có Chủ tịch, các phó Chủ tịch và một số thành viên Hội đồng; số lượng và danh sách thành viên Hội đồng do Tổng Thanh tra quyết định.
Điều 35. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp
Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và biểu quyết theo đa số. Trường hợp ý kiến các thành viên Hội đồng ngang nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.
Chương VIII
KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 36. Kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng
1. Cơ quan làm công tác Thi đua-Khen thưởng thuộc Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng kiểm tra công tác Thi đua-Khen thưởng đối với các đơn vị trong toàn ngành Thanh tra.
2. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra công tác Thi đua-Khen thưởng tại các đơn vị do mình quản lý.
Điều 37. Xử lý vi phạm về công tác thi đua, khen thưởng
Thực hiện theo quy định tại Điều 96; Điều 97 Luật Thi đua- Khen thưởng, Điều 77, 78; Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đau, Khen thưởng.
Điều 38. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, phối hợp với các vụ chức năng, tham mưu giúp Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giải quyết các khiếu nại, tố cáo về công tác thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản của Nhà nước hướng dẫn thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo.
Chương IX
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 39: Chế độ trách nhiệm
Chánh Thanh tra các bộ, ngành, Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ trưởng, thủ trưởng đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 40. Chế độ báo cáo
1. Hàng năm, thanh tra bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tiến hành sơ kết, tổng kết công tác thi đua khen thưởng, thống kê thành tích thi đua, khen thưởng của đơn vị gửi báo cáo về Thường trực HĐTĐ khen thưởng Thanh tra Chính phủ (qua Văn phòng) trước ngày 30/12 để theo dõi, tổng hợp.
2. Cá nhân, tập thể thuộc thanh tra bộ, ngành, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, sau khi nhận được Quyết định khen thưởng phải thông báo về Thanh tra Chính phủ biết để theo dõi, tổng hợp thành tích thi đua khen thưởng chung của toàn ngành.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thanh tra Chính phủ (qua Văn phòng) để tổng hợp, trình Tổng Thanh tra xem xét quyết định./.