Những vấn đề đặt ra trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW của Hội nghị TW6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII

Thứ năm, 19/07/2018 08:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành trong bối cảnh tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ…

Nghị quyết đặt ra mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp đối với từng hệ thống cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương, Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.

- Khẩn trương rà soát, cương quyết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

- Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra.

- Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ.

Trước những yêu cầu nêu trên, tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, nhất là các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính cần phải được kiện toàn, đổi mới nhằm đảm bảo tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu quả. Theo Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ gồm 19 cục, vụ, đơn vị. Ngoài ra, để thực hiện các nhiệm vụ được giao, Thanh tra Chính phủ đã thành lập một số đơn vị ngoài Nghị định 83/2012/NĐ-CP như: Ban Quản lý các dự án, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Miền Trung - Tây nguyên, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng, Văn phòng Đảng, đoàn thể. Chức năng, nhiệm vụ của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ được thiết kế theo hướng: các Cục phụ trách địa phương có trách nhiệm giúp Tổng Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn quản lý. Các Vụ thanh tra có chức năng tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; có trách nhiệm thực hiện thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi phụ trách. Riêng lĩnh vực phòng, chống tham nhũng được giao cho Cục Chống tham nhũng phụ trách. Tại Thanh tra cấp tỉnh, tổ chức bộ máy về cơ bản cũng được thiết kế tương tự như Thanh tra Chính phủ, chỉ khác ở quy mô và phạm vi hoạt động.

Tổ chức các cơ quan thanh tra hiện nay được thiết kế chưa phù hợp, chưa phân định rõ việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thực tiễn cho thấy, với đặc thù của việc thiết kế bộ máy nêu trên, các bộ phận chuyên môn (cục, vụ, phòng) chủ yếu tập trung vào việc tổ chức các Đoàn thanh tra, Tổ công tác nhằm giải quyết các vụ việc cụ thể theo chỉ đạo hoặc theo kế hoạch thanh tra, chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ thanh tra còn thiếu về số lượng, thường xuyên có sự biến động nên chưa bảo đảm tính ổn định, chuyên nghiệp. Hiện tại, ở một số cơ quan thanh tra, nhất là cấp huyện, cấp sở, đội ngũ cán bộ thanh tra vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, tỷ lệ thanh tra viên trong đội ngũ cán bộ thanh tra thấp; thanh tra Sở xây dựng, Sở giao thông vận tải ở một số tỉnh, thành phố sử dụng nhiều lao động hợp đồng làm công tác thanh tra. Công tác xây dựng lực lượng còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống tổ chức của ngành còn bị chia cắt, đồng thời thiếu những cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút nhân tài về công tác trong ngành Thanh tra.

Trong khi đó, hoạt động của các cơ quan thanh tra có sự chồng chéo, trùng lắp giữa thanh tra cấp và thanh tra ngành, giữa hoạt động thanh tra hành chính với hoạt động Kiểm toán nhà nước. Việc quy định Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra các vụ việc có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương và thanh tra các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao dẫn đến phạm vi hoạt động của Thanh tra Chính phủ là rất khó xác định và chồng chéo với hoạt động thanh tra của thanh tra bộ, ngành và với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Trước những yêu cầu, đòi hỏi của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra phải được kiện toàn, sắp xếp lại, cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra nhà nước cần được xây dựng theo những định hướng tại Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo định hướng của Chiến lược, trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, xây dựng các cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ cho phù hợp với việc thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và quản lý thống nhất về tổ chức, hoạt động trong toàn ngành Thanh tra; kiện toàn cơ cấu tổ chức của thanh tra cấp tỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có việc chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất cơ quan thanh tra quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Theo định hướng nêu trên, việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết số 18/NQ-TW, cụ thể là bảo đảm tinh gọn về tổ chức, tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Cơ quan thanh tra nhà nước ở Trung ương là cơ quan của Chính phủ, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan thanh tra cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp về công tác, tổ chức, nghiệp vụ của thanh tra cấp trên và thực hiện quản lý tập trung, thống nhất cơ quan thanh tra quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc xây dựng hệ thống các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh phù hợp với xu hướng chung hiện nay là thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian và tính đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan được lập ra. Theo tinh thần của Chiến lược, việc xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh không phải làm mất đi hoạt động thanh tra tại cấp huyện hiện tại mà thay đổi về mô hình tổ chức và phương thức quản lý. Các cơ quan thanh tra cấp huyện hiện tại sẽ là một bộ phận/đơn vị của Thanh tra cấp tỉnh, chịu sự quản lý của Thanh tra tỉnh. Đổi mới mô hình tổ chức theo tinh thần của Chiến lược nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan thanh tra cấp cơ sở.    

Thứ hai, đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra với nhau và với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Chiến lược, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính chuyển sang thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức; đề xuất hoàn thiện về cơ chế, chính sách, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc chuyển đổi phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính nhằm khắc phục tình trạng pháp luật về thanh tra và trên thực tiễn hiện chưa phân định rõ mục đích, tính chất, phương thức, đối tượng, nội dung, phạm vi hoạt động của từng loại hình thanh tra. Điều đó làm cho hoạt động của các cơ quan thanh tra có sự chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động của các cơ quan và doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, với những điểm mới của Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ quản lý bản kê khai tài sản của các cơ quan thanh tra; quy định nhiệm vụ trong theo dõi biến động về tài sản, thu nhập thì các cơ quan thanh tra phải dành nhiều nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi đó, hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra các doanh nghiệp nhà nước – là nguyên nhân chính gây nên sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và với hoạt động của Kiểm toán nhà nước sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.  

Bên cạnh đó, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan thanh tra cần tập trung, dành nhiều nguồn lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra. Hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay thiên về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể mà chưa tập trung nguồn lực vào thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động của ngành. Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng theo hướng làm rõ nội dung, xác định lại phương thức quản lý, cũng như bổ sung đầy đủ thẩm quyền cho các cơ quan thanh tra nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước.

Thứ ba, sắp xếp lại tổ chức bên trong các cơ quan thanh tra.

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan thanh tra trong thời gian qua đã được thực hiện từng bước. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018 thay thế Nghị định số 83/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Theo quy định của Nghị định số 50/2018/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ đã được thu gọn đầu mối (giảm 01 đơn vị: Trung tâm đào tạo Miền Trung – Tây nguyên), giảm cấp trung gian (giảm 11 phòng trong Vụ, không thành lập phòng trong các Vụ có chức năng thanh tra); đổi tên một số cục, vụ, đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của công tác quản lý như: Viện Khoa học Thanh tra đổi tên thành Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; các Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra (Cục I, II và III) đổi tên thành Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Cục Chống tham nhũng (Cục IV) đổi tên thành Cục Phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Nghị định số 50/2018/NĐ-CP đã bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới của Thanh tra Chính phủ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng như: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng hệ thống dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo; thực hiện chức năng cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Nghị định số 50/2018/NĐ-CP không quy định nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước. Nhiệm vụ này do Bộ Nội vụ thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo Nghị định số 50/2018/NĐ-CP đã tuân thủ các yêu cầu đặt ra theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó bước đầu đã giảm bớt cấp trung gian; thu gọn đầu mối và bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý và thực tiễn đặt ra.

Về lâu dài, tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan thanh tra cần phải tiếp tục được kiện toàn, tổ chức lại trên cơ sở những định hướng của Chiến lược cũng như quy định mới của Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ phải được kiện toàn, sắp xếp lại để thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hành chính; thực hiện việc chỉ đạo về công tác, tổ chức, nghiệp vụ đối với Thanh tra cấp tỉnh; thực hiện nhiệm vụ quản lý bản kê khai tài sản và theo dõi biến động về tài sản, thu nhập. Tổ chức của Thanh tra Chính phủ cần được tinh gọn hơn, giảm cấp trung gian (nhất quán không thành lập cấp phòng trong Vụ), tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, xây dựng phương án tự chủ về tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thiết kế lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cục, vụ, đơn vị theo đúng tiêu chí thành lập cục, vụ, đơn vị.

Tổ chức bộ máy của Thanh tra cấp tỉnh cũng phải được kiện toàn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới tương tự như của Thanh tra Chính phủ. Nhưng mặt khác, cũng phải phù hợp với những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và dự thảo Nghị định đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Các văn bản pháp luật này có nhiều điểm mới về xây dựng chính quyền đô thị, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt với mô hình tổ chức và phương thức vận hành, quản lý khác nhau nên tổ chức các cơ quan thanh tra, nhất là Thanh tra cấp tỉnh phải tổ chức lại cho phù hợp.

ThS. Lê Văn Đức - Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

Viện Khoa học Thanh tra

Nguồn: Viện Khoa học Thanh tra

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)