Nữ tiến sỹ say mê nghiên cứu vật liệu mới và công nghệ bảo vệ các công trình giao thông

Chủ nhật, 24/05/2015 12:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hơn 20 năm nghiên cứu các loại sơn đặc chủng chuyên dùng chống ăn mòn các công trình kết cấu thép, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy, nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông - vận tải (Bộ Giao thông vận tải), giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải luôn tâm huyết với nghề. Nhiều công trình của chị được ứng dụng hiệu quả trong chế tạo vật liệu mới và công nghệ bảo vệ các công trình giao thông.

PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy (người thứ ba từ phải sang) cùng các nhà khoa học nước ngoài trong một buổi làm việc

Hẹn gặp chị lúc 4 giờ 30 phút chiều, nhưng đến hơn bảy giờ tối, buổi làm việc với Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản (AGC) về nghiên cứu sơn chống ăn mòn độ bền cao do chị chủ trì mới kết thúc. Cách nói chuyện của chị cuốn hút người nghe và điều khiến tôi cảm phục nhất là công việc mà chị say mê gắn bó quá khắc nghiệt, thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại và những chuyến công tác dài ngày ở những địa bàn xa xôi.

Ðể những công trình kết cấu thép bền vững với thời gian, trước những tác hại của môi trường tự nhiên, cần có những loại sơn đặc chủng để bảo vệ. Trước đây, khi chưa nghiên cứu được loại sơn này, Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ những công trình nghiên cứu thành công trong nước, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất các loại sơn và PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy là người nắm giữ các bí quyết đó.

Tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 1980, chị Thủy về công tác tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải. Năm 1993, sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh về chế tạo va-ni-lin từ nước thải bã giấy, chị về cơ quan làm công tác nghiên cứu lĩnh vực hóa trong giao thông vận tải, tập trung nghiên cứu sơn phủ chống ăn mòn kết cấu thép vùng biển. Khi tham dự Hội nghị Vật liệu mới toàn quốc vào năm 1994, chị được mở rộng tầm nhìn. Sau hội nghị này, chị đã hợp tác trong nghiên cứu và đưa được nhiều sản phẩm áp dụng trong ngành giao thông vận tải. Các đề tài khoa học của chị thực hiện đều xuất phát từ yêu cầu thực tế của ngành giao thông vận tải, nhất là việc lựa chọn, chế tạo và áp dụng các công nghệ vật liệu mới trong ngành. Hơn 30 tiêu chuẩn do chị chủ trì và chỉ đạo xây dựng đã giúp ngành quản lý tốt các vật liệu sơn phủ bảo vệ, như hệ thống tiêu chuẩn sơn, vật liệu chỉ dẫn an toàn giao thông và hơn 10 công nghệ sơn phủ, vật liệu mới đã được chị chủ trì nghiên cứu và áp dụng vào thực tế. Vì vậy, các năm 2005 và 2009, những bộ sơn chống ăn mòn do chị và đơn vị nghiên cứu, chế tạo đã được nhận Huy chương vàng tại Hội chợ Khoa học - Công nghệ toàn quốc.

Trực tiếp chủ trì 29 đề tài, cùng tham gia 40 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, trong đó có nhiều công trình được đưa vào ứng dụng thành công như công nghệ sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm; sơn bảo vệ kết cấu thép thân thiện môi trường; sơn men tuổi thọ 15 năm; quy trình chế tạo sơn giàu kẽm vô cơ, bảo vệ thép chờ trong xây dựng; quy trình chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa, nâng cao chất lượng bê-tông nhựa đường trong điều kiện Việt Nam. Ðây là những công trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải và rất có ý nghĩa đối với đất nước có khí hậu khắc nghiệt như Việt Nam. Nhiều đề tài mang tính thực tiễn cao như các thiết kế thi công bảo vệ chống ăn mòn cầu Nguyễn Văn Trỗi (Ðà Nẵng), cầu Dùng (Thanh Chương, Nghệ An), sơn bảo vệ cầu Hồ (Bắc Ninh),... Ngoài ra, còn có các bộ sơn tuổi thọ cao như sơn cầu Chương Dương, cầu Ðuống, cầu Hàm Rồng... cũng như bộ tiêu chuẩn Việt Nam về sơn bảo vệ chống ăn mòn và sơn chỉ dẫn an toàn giao thông...

PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy có nhiều kỷ niệm sâu sắc với nghề mà đến bây giờ chị không thể quên. Nhớ lại những năm 2010 - 2012, khi đó mặt cầu Thăng Long có sự cố, xuất hiện những rãnh sâu, ảnh hưởng đến giao thông, vào những đợt sửa chữa, chị luôn có mặt trên cầu từ chín giờ tối đến hai, ba giờ sáng, cùng nhà thầu khắc phục hư hỏng. Ðến sáng, đúng giờ làm việc, chị lại có mặt ở cơ quan lại lao vào công việc chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ của giám đốc một viện chuyên ngành. Với các công trình ở vùng sâu, vùng xa, chị và đồng nghiệp cùng ăn, cùng ở với địa phương để giải quyết, khắc phục sự cố. Chị tâm sự, làm khoa học là phải chấp nhận vất vả và điều cần nhất là niềm đam mê, có đam mê mới giúp mình vượt qua thất bại trong nghiên cứu các thí nghiệm cũng như những khó khăn của cuộc sống. Sống với những đồng nghiệp cùng chí hướng và tâm huyết, giúp chị càng say nghề, yêu nghề. Thành công trong sự nghiệp như ngày hôm nay, chị luôn có gia đình là điểm tựa tinh thần, thầy cô, đồng nghiệp đồng hành, để chị có nghị lực vượt qua bao khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, chị gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp: được Bộ Giao thông vận tải trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giao thông vận tải; năm 2014, nhận giải thưởng Kô-va-lép-xkai-a dành cho phụ nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Ðây là những phần thưởng xứng đáng bởi những đóng góp quý báu của chị đối với ngành giao thông vận tải nói riêng và sự nghiệp khoa học nói chung.

toanld

Nguồn: Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)