Năm 2011 là thời điểm thích hợp để công bố lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn như Euro 3 đối với mô tô, xe máy và Euro 3, 4, 5 đối với ô tô; đồng thời, năm 2012 nên xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng với mức Euro 3, 4 để doanh nghiệp và nhà sản xuất có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.
Năm 2011 là thời điểm thích hợp để công bố lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn như Euro 3 đối với mô tô, xe máy và Euro 3, 4, 5 đối với ô tô; đồng thời, năm 2012 nên xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng với mức Euro 3, 4 để doanh nghiệp và nhà sản xuất có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.
Đây là kiến nghị của các nhà nghiên cứu ô tô đang làm việc ở trong nước và nước ngoài tại buổi tọa đàm về “Những giải pháp của ngành công nghiệp ô tô đối với vấn đề ô nhiễm môi trường” tổ chức hôm 29-10, tại TPHCM. Buổi tọa đàm do Trung tâm hỗ trợ kiều bào TPHCM phối cùng Tổ chức vì môi trường và sự phát triển tại Việt Nam (Enda Việt Nam) tổ chức.
Tiến sĩ Khương Quang Đồng, Việt kiều Pháp, người đang làm việc cho Công ty sản xuất lốp xe Michelin và xe Renault của Pháp cho rằng, việc áp dụng các tiêu chuẩn khí thải ở mức cao hơn như Euro 3, 4, 5 theo lộ trình là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực.
Nhưng ở Việt Nam ngành công nghiệp ô tô chỉ mới được phát triển từ sau năm 2004, do đó cơ sở vật chất lẫn trình độ chuyên môn và tiêu chuẩn kỹ thuật chưa cho phép áp dụng ngay các mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn như Euro 3, 4.
"Bởi tiêu chuẩn chất lượng cho nhiên liệu ở Việt Nam chưa được đảm bảo, việc quản lý chưa tốt. Việc sử dụng nhiên liệu không đảm bảo chất lượng cho động cơ có tiêu chuẩn khí thải cao sẽ làm giảm tuổi thọ động cơ; đồng thời, các ngành công nghiệp phụ trợ cho việc chế tạo ô tô, đặc biệt là ngành động cơ chưa phát triển", ông Đồng nói.
Hiện nay, các Trung tâm kiểm tra khí thải của Việt Nam cũng chưa được đầu tư đủ tiêu chuẩn và đồng bộ trên cả nước, và chỉ mới có một trung tâm kiểm tra khí thải của Cục Đăng kiểm.
Ông Đồng phân tích, công nghệ sản xuất ô tô ở Việt Nam đang trong thời kỳ đầu phát triển, đầu tư công nghệ với chi phí cao, yêu cầu kỹ thuật cao, do đó cần thời gian để nâng cấp dần. Chất lượng thép phục vụ cho thiết kế chế tạo chưa cao, vì thế cần thời gian phát triển để đạt hiệu quả đầu tư. "Do đó, Việt Nam nên áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 đối với xe mô tô, xe máy bắt đầu từ năm 2013 và ô tô bắt đầu từ năm 2014. Còn áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 cho tất cả các loại xe bắt đầu từ năm 2018", ông nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TPHCM đề xuất, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải phải có khoảng thời gian thích hợp là trên 5 năm (kể từ ngày công bố) để các doanh nghiệp vận tải, nhà sản xuất xe, xây dựng cơ sở hạ tầng có thời gian chuẩn bị. Đồng thời, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu phải có trước lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ít nhất một năm, để tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng nhiên liệu tại các nhà máy sản xuất và các địa điểm phân phối. Các kiểu loại xe đã được chứng nhận có thể xem xét lùi thời hạn áp dụng từ 2-3 năm.
“Hiện nay, Việt Nam có trên 1 triệu xe dưới mức Euro 2, nếu áp dụng phải thay thế toàn bộ bằng động cơ Euro 3 dẫn đến chi phí tốn kém, còn về kỹ thuật thì không khả thi. Bên cạnh đó, tại cùng thời điểm không nhất thiết phải áp dụng cùng một mức tiêu chuẩn khí thải cho tất cả các loại xe. Đối với xe mô tô, ô tô con, xe tải nhẹ, xe nhập khẩu có thể áp dụng trước một năm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để xây dựng dự thảo lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải Euro 3,4,5 đối với xe cơ giới, trước khi việc xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Euro mức cao hơn có tính khả thi”
Theo TBKTSG