Một thế hệ nhiên liệu sinh học mới, được cho là một loại thay thế với hàm lượng cacbon thấp, nhưng nếu tính trung bình sẽ phát xạ nhiều cacbon dioxit hơn so với việc đốt xăng trong vài thập kỷ tới, theo một công trình nghiên cứu công bố trên Tạp chí Science.
Một thế hệ nhiên liệu sinh học mới, được cho là một loại thay thế với hàm lượng cacbon thấp, nhưng nếu tính trung bình sẽ phát xạ nhiều cacbon dioxit hơn so với việc đốt xăng trong vài thập kỷ tới, theo một công trình nghiên cứu công bố trên Tạp chí Science.
Các chính phủ và các công ty đang rót nhiều tỷ đôla để nghiên cứu về loại nhiên liệu tiên tiến chế tạo từ gỗ và cây cỏ, với ý nghĩa là để cắt giảm lượng phát xạ cacbon so với sử dụng xăng và không cạnh tranh với lương thực như trường hợp nhiên liệu sinh học chế tạo từ ngô.
Nhưng loại nhiên liệu sinh học "xenluloza" tiên tiến như vậy trên thực tế sẽ dẫn đến phát xạ cacbon cao hơn so với sử dụng xăng nếu tính trung bình cho một đơn vị năng lượng trong giai đoạn từ 2000-2030, theo phát hiện của công trình nghiên cứu. Nguyên nhân là do đất đai cần thiết để trồng các loại cây gỗ dương sinh trưởng nhanh và các loại cỏ nhiệt đới thay thế cho cây lương thực sẽ dẫn đến sự phá rừng để có thêm đất trồng, và đây chính là một nguồn phát xạ cacbon mạnh.
Cây trồng nhiên liệu sinh học đòi hỏi các loại phân bón nitơ, là một nguồn phát sinh hai loại khí nhà kính, đó là dioxit cacbon (CO2) và oxit nitơ (nitơ hóa trị III). "Trong giai đoạn gần, bất kể chúng ta triển khai chương trình nhiên liệu sinh học xenluloza bằng cách nào, thì chúng ta sẽ vẫn gây ra phát xạ khí nhà kính, làm trầm trọng thêm vấn đề thay đổi khí hậu", người lãnh đạo công trình nghiên cứu Jerry Melillo thuộc Phòng thí nghiệm Sinh học Đại dương của Mỹ phát biểu. "Đây không phải là một cách chiến thắng thuyết phục và rõ ràng, nếu chúng ta không xem xét rất cẩn trọng về vấn đề này, về các hậu quả trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn", Melillo nói. Nếu không có các biện pháp bảo vệ rừng và cắt giảm sử dụng phân bón, thì sử dụng xăng vẫn tốt hơn nhiên liệu sinh học trong giai đoạn sắp tới từ 2000-2050.
Một công trình nghiên cứu tương tự cũng được công bố trên Science cho rằng Liên hiệp quốc đã phóng đại sự cắt giảm cacbon từ nhiên liệu sinh học và sinh khối, và một sai lầm tương tự được lặp lại trong các quy định về thương mại của EU, khi bỏ qua hậu quả phá rừng và những thay đổi về sử dụng đất. Sai lầm này cũng thể hiện ở các quy định của Mỹ về khí hậu và sẽ càng tồi tệ thêm khi các chính phủ quy định một mức giá cacbon để dẫn đến sử dụng nhiên liệu sinh học nhiều hơn.
Áp lực sẽ càng tăng lên khi chuyển hóa sinh khối của thế giới thành một nguồn năng lượng. Khi đó nó sẽ cạnh tranh với nông nghiệp, bảo vệ nước, đa dạng sinh thái và nhiều thứ khác, và điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho khí quyển, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu. Điều quan trọng là cần tính toán xem quản lý đất đai như thế nào trước khi sử dụng để trồng cây nhiên liệu. Các nhà biện hộ hy vọng rằng các cuộc thảo luận sẽ diễn ra sắp tới nhằm thỏa thuận một hiệp định mới về khí hậu toàn cầu tại Copenhagen vào tháng 12 sẽ bảo vệ rừng bằng cách thưởng công cho các chủ đất đai lưu giữ cacbon bằng cách trồng cây.
Theo phát hiện của công trình nghiên cứu, các cánh rừng của thế giới, chứ không phải là đất trồng trọt sẽ phải mở đường cho nhiên liệu sinh học, mà theo ước tính đến năm 2100 sẽ ngốn diện tích đất lớn hơn nhiều so với tất cả các loại cây lương thực hiện nay. "Chúng tôi cho rằng có một không gian trên thế giới dành cho cả cây lương thực và nhiên liệu sinh học, nhưng việc sử dụng không gian đó sẽ mang lại hậu quả phá rừng. Như vậy chúng ta sẽ đánh mất một điều gì đó".
Theo NACESTI (ScientificAmerican)