Cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu hiện nay phụ thuộc vào việc phát triển các nguồn năng lượng sạch ít hoặc không thải ra khí carbon gây ô nhiễm môi trường để thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Sương mù và khói bao phủ khu vực ngoại ô thủ đô New Delhi ngày 25/11/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C, các quốc gia trên thế giới cần phải vừa nỗ lực thực hiện cam kết cắt giảm khí thải công nghiệp vừa sử dụng những nguồn năng lượng sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch, bởi hiện nay quy trình sản xuất năng lượng đang góp phần tạo ra 2/3 lượng khí CO2 thải ra môi trường.
Vì vậy, việc cải tổ ngành công nghiệp năng lượng có thể được coi là tối cần thiết và là cách nhanh nhất để "thanh lọc" Trái Đất.
Theo ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050 phải nâng tỷ trọng năng lượng sạch lên ít nhất 80% sản lượng năng lượng toàn cầu mới có cơ hội đạt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt toàn cầu ở 2 độ C.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hiện nay nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ biến và thu hút đầu tư. Gần 50% các trạm năng lượng mới lắp đặt trong năm 2014 là năng lượng tái tạo được như năng lượng gió, Mặt Trời và thủy điện. Tổng mức đầu tư cho các dự án năng lượng sạch cũng tăng 8,5% so với năm 2013.
Nhiều quốc gia nghèo hiện cũng đang dần bỏ qua sản xuất năng lượng dựa vào nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó chú trọng phát triển năng lượng sạch. Điển hình như Ấn Độ đã đầu tư hàng loạt vào nguồn năng lượng sạch trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, cho tới nay năng lượng sạch chỉ chiếm 20% nguồn năng lượng toàn cầu, và mới đáp ứng được 5% nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Mỗi năm, đầu tư cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch vẫn cao gấp 4 lần lượng đầu tư cho năng lượng sạch.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng con người đã chần chừ quá lâu trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, khiến cánh cửa mở ra cơ hội ngăn chặn biến đổi khí hậu đang ngày càng hẹp.
Trong bản báo cáo công bố đầu năm 2015, Giám đốc IEA Maria van de Hoeven khẳng định thời gian đang là vấn đề cấp thiết bởi càng để lâu thì mức độ khó khăn và chi phí cho việc xử lý khí nhà kính càng tăng cao./.