Thông tư số 72/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng sàn nâng tàu
I. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng sàn nâng tàu.
II. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 28/5/2016. Bãi bỏ khoản 3 Điều 1 Thông tư số 06/2013/TT-BGTVT ngày 2/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các quy phạm liên quan tàu biển.
III. Sự cần thiết ban hành
QCVN 57: 2013/BGTVT được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 06/2013/TT-BGTVT ngày 2/5/2013 nhằm đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ sử dụng sàn nâng tàu cho các nhà máy đóng, sửa chữa tàu để đưa tàu lên đà và hạ thủy tàu. Công nghệ này mới được sử dụng ở Việt Nam và về lĩnh vực đăng kiểm cũng chỉ mới có Đăng kiểm Lloyd của Vương quốc Anh là có quy phạm và cũng mới được triển khai, áp dụng. Sau một thời gian ứng dụng thực tế, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng sàn nâng tàu cần được sửa đổi để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện đơn giản thủ tục hành chính và dễ triển khai, áp dụng.
IV. Nội dung chủ yếu
1. Nội dung của Quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định phù hợp của QCVN 57: 2013/BGTVT, đồng thời có sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp. Nội dung chủ yếu của Quy chuẩn gồm:
a) Quy định chi tiết quy trình kiểm tra phân cấp sàn nâng tàu, gồm: kiểm tra phân cấp trong quá trình đóng mới, kiểm tra phân cấp các sàn nâng tàu không có giám sát của đăng kiểm trong đóng mới, kiểm tra chu kỳ và kiểm tra bất thường.
b) Quy định chi tiết về yêu cầu kỹ thuật của kết cấu sàn nâng tàu.
c) Quy định về yêu cầu đối với các hệ thống máy, thiết bị điện, điều khiển và vận hành sàn nâng tàu.
d) Quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế sàn nâng tàu và thủ tục cấp Giấy chứng nhận phân cấp sàn nâng tàu.
2. So với QCVN 57: 2013/BGTVT, Quy chuẩn mới có một số thay đổi sau:
a) Các yêu cầu về kỹ thuật được quy định chi tiết hơn. Cụ thể như sau:
- Quy định cụ thể khối lượng hồ sơ bản vẽ cần phải trình thẩm định.
- Quy định và phân loại các kiểu tải trọng cũng như tổ hợp tải trọng phải tính toán trong thiết kế sàn nâng tàu.
- Quy định chi tiết cách tính toán ứng suất cho phép đối với các loại cơ cấu, kiểu ứng suất, vùng chịu ứng suất, các mối nối (hàn, bu lông).
- Quy định chi tiết ký hiệu cấp sàn nâng tàu.
b) Khối lượng kiểm tra hàng năm được giảm xuống 20%, phù hợp với chu kỳ kiểm tra liên tục 5 năm.
c) Bổ sung các quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế sàn nâng tàu và Giấy chứng nhận phân cấp sàn nâng tàu.