Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và những kỳ vọng phía trước
Ngày 01/7/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam chính thức có hiệu lực, với nhiều nội dung cải cách, mới mẻ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp:
Trước tiên, để củng cố những thiết chế cần thiết đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không trên trường quốc tế, Luật đã “luật hóa” vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng với tư cách là Nhà chức trách Hàng không theo khuyến nghị của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Việc quy định này để đáp ứng việc thực hiện trách nhiệm của Quốc gia thành viên theo các cam kết quốc tế và Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế năm 1944. Đồng thời, Việt Nam đã gia nhập Công ước Cape Town về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town). Chính thức từ ngày 01/01/2015, Công ước và Nghị định thư có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. Chính vì vậy Luật sửa đổi, bổ sung đã nội luật hóa các quy định của Công ước và Nghị định thư để làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động về đăng ký, xóa đăng ký quốc tịch tàu bay Việt Nam cũng như việc thực hiện các quyền đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.
Những quy định về giá, phí và lệ phí dịch vụ chuyên ngành hàng không trong luật cũng là những thay đổi đáng chú ý nhằm xoá vị thế độc quyền nâng giá dịch vụ hàng không - vấn đề mà dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua. Luật đã bổ sung khái niệm “dịch vụ hàng không” và “dịch vụ phi hàng không”. Đối với giá “dịch vụ hàng không”, Luật bổ sung thêm loại hình “giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý”. Các loại giá dịch vụ phi hàng không cũng được quy định chi tiết, bao gồm: “giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay” và “giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay”. Những bổ sung này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số giá dịch vụ phi hàng không thiết yếu, để từ đó bảo đảm hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật vẫn giữ nguyên quy định: Nhà nước quy định khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, nhằm tránh việc các doanh nghiệp hàng không nâng giá dịch vụ tùy tiện, bất hợp lý, khó kiểm soát, đặc biệt là trong những giai đoạn cao điểm như mùa du lịch, dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết. Việc quy định như trong Luật vừa tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá, vừa bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp hàng không, bởi thực tế hiện nay cho thấy, khung giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định vẫn đảm bảo cho các doanh nghiệp hàng không nội địa quy định các mức giá cạnh tranh khác nhau theo thị trường.
Với mục tiêu khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay, các nhà lập pháp cũng đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không phải duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước. Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về thời gian người vận chuyển phải thông báo trước, thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã hướng dẫn cụ thể về vấn đề này tại Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27/4/2015 quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam còn có nhiều nội dung đổi mới khác, như: những quy định về cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay; quy định về quy hoạch và khai thác cảng hàng không sân bay; tổ chức, sử dụng vùng trời và vấn đề quản lý hoạt động bay; quản lý chướng ngại vật tại cảng hàng không, sân bay;… Hi vọng đây sẽ là những hành lang pháp lý thiết thực và hiệu quả để giúp cho ngành hàng không Việt Nam có những bước phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông vận tải