Thông tư số 08/2015/TT-BGTVT ngày 14/4/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về công tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư số 08/2015/TT-BGTVT ngày 14/4/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về công tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc.
2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015.
3. Nội dung chủ yếu
a) Thông tư số 08/2015/TT-BGTVT gồm 10 Điều.
b) Các nội dung chủ yếu của Thông tư:
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc; Thông tư này quy định về công tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cứu hộ.
Đối tượng áp dụng của Thông tư này là tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, khai thác và sử dụng đường cao tốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Thông tư này, hoạt động thực hiện công việc cứu hộ là một hạng mục trong hợp đồng quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc, được ký kết giữa cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc nhà đầu tư với đơn vị khai thác, bảo trì.
Thông tư cũng quy định nguyên tắc quản lý, tổ chức thực hiện cứu hộ, đó là: Ngay sau khi nhận được thông tin đề nghị cứu hộ, đơn vị khai thác, bảo trì xác minh thông tin nếu cần thiết, trực tiếp tổ chức thực hiện cứu hộ hoặc gửi yêu cầu cứu hộ đến đơn vị cứu hộ. Đơn vị khai thác, bảo trì phải điều động lực lượng đến ngay hiện trường phối hợp thực hiện việc sơ cấp cứu ban đầu, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông phạm vi hiện trường cứu hộ theo quy định trong suốt thời gian thực hiện cứu hộ. Theo Thông tư, thông tin yêu cầu cứu hộ bao gồm: vị trí, đối tượng cứu hộ, thời gian, địa điểm tập kết.
Thông tư cũng quy định việc quản lý chi phí cứu hộ trên đường cao tốc (chi phí bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông khu vực hiện trường; vận chuyển người trên phương tiện được cứu hộ đến nơi quy định; bốc dỡ, vận chuyển, xếp hàng hóa trên phương tiện được cứu hộ đến nơi quy định…) và trách nhiệm chi trả chi phí cứu hộ đối với các nguyên nhân dẫn đến tai nạn, sự cố cần được cứu hộ.
Thông tư cũng quy định định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc, mức hao phí vật liệu, mức hao phí lao động và mức hao phí máy thi công đối với từng hạng mục công việc, cụ thể: Bảo vệ hiện trường và điều tiết giao thông phạm vi hiện trường cứu hộ; vận chuyển người trên phương tiện được cứu hộ đến nơi quy định; bốc dỡ, vận chuyển, xếp hàng hóa trên phương tiện được cứu hộ đến nơi quy định; cẩu, dựng phương tiện, thiết bị được cứu hộ; vận chuyển phương tiện, thiết bị được cứu hộ đến vị trí tập kết; xác định mức độ, giá trị thiệt hại công trình đường cao tốc do phương tiện được cứu hộ gây ra; dọn dẹp, vệ sinh hiện trường sau cứu hộ; hỗ trợ cứu hộ (xác minh thông tin, mở và đóng các điểm quay đầu đổi chiều khẩn cấp trên dải phân cách giữa).
Thông tư còn quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân như: Cơ quan quản lý đường cao tốc, Nhà đầu tư, Đơn vị khai thác bảo trì, Đơn vị cứu hộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện công tác cứu hộ trên đường cao tốc./.