Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT ngày 25 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT ngày 25 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015 và thay thế Thông tư số 23/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
3. Nội dung chủ yếu của Thông tư
a) Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT gồm 4 chương, 14 Điều và 21 Phụ lục.
b) Các nội dung chủ yếu của Thông tư
Thông tư quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của xe ô tô.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, bến xe hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô trong phạm vi toàn quốc.
Theo Thông tư dữ liệu cung cấp được chia thành hai loại, bao gồm các dữ liệu định danh và dữ liệu giám sát hành trình. Dữ liệu từ thiết bị GSHT phải được truyền về máy chủ dịch vụ với tần suất không quá 30 giây trên một lần khi xe chạy và không quá 15 phút trên một lần khi xe dừng không hoạt động. Dữ liệu phải đảm bảo đầy đủ theo cấu trúc và phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam không quá 02 phút, kể từ thời điểm máy chủ dịch vụ nhận được dữ liệu. Trường hợp đường truyền bị gián đoạn thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường. Máy chủ dịch vụ và máy chủ Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham gia việc truyền, nhận dữ liệu từ thiết bị GSGT phải được đồng bộ với thời gian chuẩn Quốc gia theo chuẩn NTP (Network Time Protocol). Dữ liệu cung cấp phải bảo đảm kịp thời, chính xác, không được sửa chữa và làm sai lệch dữ liệu trước hoặc trong khi truyền.
Thông tư cũng quy định phương pháp tính vi phạm được thực hiện như sau: các vi phạm về tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày, vi phạm về truyền dữ liệu được tính toán, xác định theo một phương pháp thống nhất trên máy chủ dịch vụ và máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cùng với đó, phải đảm bảo theo quy định về tính toán vi phạm tốc độ xe chạy, tính toán vi phạm thời gian lái xe liên tục, tính toán vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày và tính toán vi phạm không truyền dữ liệu.
Cũng theo Thông tư việc sử dụng, khai thác dữ liệu từ thiết bị GSGT thực hiện theo quy định của pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đồng thời, thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu từ thiết bị GSGT trên môi trường mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin. Các thông tin tổng hợp về vi phạm được ghi nhận qua thiết bị GSGT trên hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được công bố công khai trên trang Thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Thông tư còn phân cấp quản lý và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việckhai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình./.