Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BGTVT- BQP-BCA-BNG ngày 06/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định về cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
1. Tên văn bản
Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BGTVT- BQP-BCA-BNG ngày 06/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định về cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
2. Hiệu lực thi hành
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành
Ngày 16/09/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2010/NĐ-CP quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, khoản 4 Điều 9 của Nghị định này quy định: “Trình tự, thủ tục; nội dung, hình thức văn bản cấp phép cho lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam do các Bộ, ngành, cơ quan chủ trì cấp phép quy định cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Để triển khai hướng dẫn chi tiết quy định của Nghị định, đồng thời, nhằm tạo thuận lợi trong công tác phối hợp và thuận lợi cho các đối tượng được cấp phép, minh bạch hóa các thủ tục cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam, việc ban hành Thông tư liên tịch của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định về cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
4. Nội dung chủ yếu
a) Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BGTVT- BQP-BCA-BNG ngày 06/5/2015 gồm 4 Chương, 17 Điều.
b) Các nội dung chủ yếu của Thông tư:
Thông tư liên tịch này quy định về thủ tục cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam hoặc trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm.
Thông tư liên tịch áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam hoặc trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm.
Lực lượng, phương tiện nước ngoài được cấp phép theo Thông tư liên tịch này không bao gồm lực lượng, phương tiện nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, vận chuyển chất phóng xạ được quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Chương II của Thông tư liên tịch. Theo đó, khi xảy ra tình huống khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo đề xuất ngay với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về việc đề nghị lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn hoặc báo cáo về đề nghị của quốc gia, tổ chức quốc tế đề nghị đưa lực lượng, phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện.
Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) là cơ quan đầu mối gửi các đề nghị chính thức của Việt Nam và tiếp nhận đề nghị của các quốc gia, tổ chức quốc tế vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị cấp phép được quy định tại Điều 5 của Thông tư liên tịch. Các loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp phép cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện giao thông đường bộ hoặc các tàu, thuyền quân sự và các lực lượng đi kèm theo phương tiện; hồ sơ đề nghị cấp phép cho tàu bay quân sự, tàu bay không người lái, các lực lượng đi kèm theo phương tiện và hồ sơ đề nghị cấp phép cho tàu bay dân dụng và các lực lượng đi kèm theo phương tiện phải được lập bằng tiếng Anh. Trong trường hợp các giấy tờ nêu trên không được lập bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Anh và được miễn thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.
Thông tư liên tịch cũng quy định cụ thể về cơ quan cấp phép, trình tự phối hợp cấp phép, thời hạn của giấy phép và hiệu lực của giấy phép. Căn cứ đề nghị cấp phép và yêu cầu thực tế công tác tìm kiếm, cứu nạn, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định thời hạn của giấy phép nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày cấp.
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định cụ thể tại Chương III của Thông tư liên tịch.
Trên đây là thông tin về Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BGTVT- BQP-BCA-BNG ngày 06/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định về cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.