Thông tin về Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế.

Thứ hai, 05/10/2015 10:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế.

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế.

2. Hiệu lực thi hành

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2015.

3. Nội dung chủ yếu của Thông tư

a) Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT gồm 4 chương, 13 Điều.

b) Nội dung chủ yếu của Thông tư:

Thông tư quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp; việc sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (sau đây gọi tắt là Công ước Viên) cấp. Giấy phép lái xe quốc tế gọi tắt là IDP.

Đối tượng áp dụng của Thông tư là cơ quan cấp và quản lý giấy phép lái xe quốc tế tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp và không áp dụng đối với giấy phép lái xe của ngành Công an, Quân đội.

Theo Thông tư đối tượng được cấp IDP là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET. còn giá trị sử dụng.

Về thời hạn và hạng xe điều khiển, Thông tư quy định IDP có thời hạn không quá 03 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia. Hạng xe được phép điều khiển của IDP tương ứng với các hạng xe của giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư.

Về thủ tục cấp IDP, Thông tư quy định cá nhân nộp đơn đề nghị cấp IDP theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Khi nộp đơn phải xuất trình bản chính giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị để kiểm tra, đối chiếu.

Về quy trình cấp, quản lý IDP, Thông tư quy định cá nhân nộp đơn đề nghị cấp IDP trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để thực hiện kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của việc cấp IDP. Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp IDP, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cấp IDP cho cá nhân, trường hợp không cấp IDP thì phải trả lời và nêu rõ lý do. Trường hợp IDP bị mất hoặc hư hỏng, cá nhân lập đơn đề nghị cấp lại như trên.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định các trường hợp không cấp IDP bao gồm: giấy phép lái xe quốc gia bị tẩy xóa, hư hỏng không còn đủ các thông tin cần thiết hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; giấy phép lái xe quốc gia không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Trường hợp phát hiện cá nhân có hành vi gian dối để được cấp IDP, tẩy xóa hoặc làm sai lệch thông tin trên IDP được cấp, ngoài việc bị cơ quan cấp IDP ra quyết định thu hồi IDP, cá nhân đó còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp IDP trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bị phát hiện hành vi vi phạm.

Người có IDP do Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Viên phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia, tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại. IDP do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, đối với người có IDP do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển, phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)