Tại Nghị quyết hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019, Chính phủ đã yêu cầu đến tháng 6/2020, hoàn thành nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền.
Trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, chuẩn hóa,
tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4
trên Cổng Dịch vụ công các bộ, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia. (Ảnh minh họa: Internet)
Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, Nghị quyết 121 hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 31/12/2019.
Dành hẳn một mục trong Nghị quyết này để chỉ đạo về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025, bảo đảm nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ và phải giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; tập trung đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu là cơ quan hải quan; bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Đồng thời, phát huy vai trò của Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối thoại, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Duy trì đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đáng chú ý, về xây dựng Chính phủ điện tử, tại Nghị quyết 121, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của năm 2020 nêu tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Trong đó, đặc biệt khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã quá hạn, phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 30%; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% các bộ, ngành, địa phương có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) và triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung.
Các bộ, cơ quan cũng được yêu cầu, theo phân công khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định trong quý I/2020 để hoàn thiện thể chế nền tảng của Chính phủ điện tử gồm: thay thế Nghị định 110 ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư; quy định về định danh và xác thực điện tử; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; và Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trong năm nay, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công các bộ, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - 30% tổng số dịch vụ công trên tổng số dịch vụ công trực tuyến năm 2020 và cứ mỗi năm tiếp tục tích hợp 20%.
Cũng theo yêu cầu của Chính phủ, đến tháng 6/2020, phải hoàn thành nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền. Cùng với đó, từng bước đưa vào vận hành Hệ thống thông tin tham vấn chính sách, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet), Hệ thống thông tin quản lý văn bản điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2019, một trong những kết quả nổi bật về xây dựng Chính phủ điện tử chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, với 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử được trao đổi qua mạng đạt khoảng 87%, rất gần so với mục tiêu của năm 2020 là 90%.
“Nguyên nhân chính của sự chuyển biến cơ bản này là do Quyết định 28 ngày 12/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước khẳng định văn bản điện tử đã ký số gửi nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay thế cho việc gửi, nhận văn bản giấy”, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT nhận định.
Trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với địa phương, cơ quan này cũng cho biết, trong năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, 95/95 cơ quan nhà nước đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, trong đó có 64/95 bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền.
Riêng về gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền, tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức giữa tháng 11/2019, Văn phòng Chính phủ cho hay, đã có 10 đơn vị thuộc Bộ TT&TT và Lào Cai đã phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử cấp 4 chính quyền trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, sau 9 tháng vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia - tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, đã có hơn 1 triệu văn bản được gửi, nhận trên hệ thống này, gồm 300.000 văn bản gửi và 700.000 văn bản nhận.
Đặc biệt, theo tính toán sơ bộ của Văn phòng Chính phủ, chỉ riêng việc gửi nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương đã giúp cắt giảm mỗi năm hơn 1.200 tỷ đồng từ việc giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính.