Các yếu tố bảo đảm thực hiện vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 01/09/2017 08:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bảo đảm các yếu tố về mặt chính trị - pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội và cơ chế kiểm tra, giám sát của các chủ thể xã hội; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân và việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước là trách nhiệm của Nhà nước bên cạnh ý thức trách nhiệm của công dân trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Điều đó được thể hiện cụ thể như sau:

1. Bảo đảm về chính trị - pháp lý

Trên cơ sở những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân trong PCTN cần phải được thể chế hóa tương xứng. Theo đó, tính tích cực pháp luật của các chủ thể trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng mới được phát huy đầy đủ và loại bỏ được các yếu tố tiêu cực trong mối quan hệ giữa các chủ thể này.

Việc ghi nhận vai trò của công dân trong PCTN thông qua các quy định pháp luật một mặt thể hiện rõ quan điểm, chủ trương xã hội hoá cuộc đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng tới cùng với toàn bộ sức mạnh của cả bộ máy nhà nước và của toàn xã hội; mặt khác, việc quy định rõ ràng, cụ thể cũng nhằm xác định rõ trách nhiệm của công dân trong việc cùng với Nhà nước hành động tích cực đấu tranh PCTN. Nâng cao vai trò của công dân trong công tác này đòi hỏi không chỉ dừng lại ở việc thể chế hóa một cách hình thức mà còn đòi hỏi các khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này cần đầy đủ và hoàn thiện ở mức cao nhất, không chỉ đáp ứng các yêu cầu về quản lý của Nhà nước mà còn đảm bảo phù hợp với năng lực của các chủ thể, phát huy cao nhất những mặt mạnh, những lợi thế của xã hội nhằm kiểm soát quyền lực. Theo đó:

Thứ nhất, pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở có sự tham gia rộng rãi của nhân dân từ quá trình xây dựng dự thảo trước khi ban hành nhằm đảm bảo phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ hai, pháp luật cần quy định rõ ràng, đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước thông qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Trong đó, quy chế dân chủ là cơ hội tốt, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền dân chủ, trực tiếp bàn bạc và quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống, quyền, lợi ích của mình, có thông tin để giám sát những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Thứ ba, cơ sở pháp lý về minh bạch thông tin để công dân tiếp cận cần được hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý cho người dân tiếp cận các thông tin cần thiết PCTN. Tiếp cận thông tin ngày càng được công nhận trong luật pháp quốc tế, và nhiều nước đã ban hành luật liên quan đến nội dung này.

Thứ tư, pháp luật cần tạo hành lang pháp lý cụ thể cho các cơ quan có trách nhiệm phải giải trình. Quy định về trách nhiệm giải trình đề cập đến các quy trình, quy phạm, và các cấu trúc mà buộc cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành động của của mình và áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu vi phạm.

Thứ năm, pháp luật phải tạo ra cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của công dân trong PCTN như quy định về tiếp nhận và xử lý tố cáo phù hợp và hiệu quả; bảo vệ người tố cáo; khen thưởng công dân có thành tích tiêu biểu trong việc phát hiện, đấu tranh về PCTN.  

Như vậy, để bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong PCTN, thông qua các quy định pháp luật, Nhà nước không chỉ tuyên bố các quyền và nghĩa vụ cho công dân mà còn phải đưa ra các biện pháp để bảo vệ và bảo đảm thực hiện trên thực tế. Quy định này nếu không đầy đủ, chính xác, rạch ròi, đúng đắn thì dù có cơ chế pháp lý tốt đến đâu cũng không thể bảo đảm thực hiện.

2. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013

Trên cơ sở quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Hiến pháp thiết lập các cơ chế để người dân thực hiện các quyền của mình, thông qua các cơ chế đại diện, qua các tổ chức xã hội hoặc trực tiếp. Việc mở rộng sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước là một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay, nhằm phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013. Điều 53 quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý”. Điều này xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội. 

Để phát huy sự tham gia của công dân, về mặt nội dung phải bảo đảm rằng quyền công dân không thể tách rời nghĩa vụ công dân trong PCTN; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; đồng thời, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân trong đấu tranh chống tham nhũng cũng không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Về mặt hình thức, mở rộng sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước thông qua các phương thức khác nhau sẽ bảo đảm cho việc ban hành, thực thi các chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước được đúng đắn, quyền làm chủ của người dân được bảo đảm.

Ảnh minh họa, nguồn internet

3. Bảo đảm dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội và cơ chế kiểm tra, giám sát của các chủ thể xã hội

Dân chủ với hai thành tố cơ bản là sự tham gia của đa số các chủ thể vào việc ra quyết định quản lý và bình đẳng về quyền giữa các cá nhân, từ đó bảo đảm giám sát mang tính xã hội và củng cố sự minh bạch trong bộ máy công quyền. Thiếu dân chủ làm cho tham nhũng có nguy cơ phát sinh mạnh. Vì vậy, dân chủ hóa có thể coi là giải pháp vĩ mô mang tính gián tiếp để phòng ngừa tham nhũng(1).

Dân chủ được thể hiện trước hết ở sự tham gia của công dân vào các công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội nói chung và công cuộc đấu tranh PCTN nói riêng nhằm tăng cường công khai minh bạch, tính liêm chính, trách nhiệm giải trình… của cơ quan nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn. Với bảo đảm rằng những thông tin về chính sách, pháp luật, về nội dung của các hoạt động của địa phương, của cơ sở… được đưa ra kịp thời, công khai; với những điều người dân được bàn bạc, thảo luận và quyết định trực tiếp hoặc tham khảo cho sự quyết định của các cấp chính quyền cơ sở… thì người dân không chỉ đóng vai trò là một công dân thông thường mà còn với tư cách là người chủ thực sự về quyền lực chính trị.

Hội nghị quốc tế về đấu tranh chống tham nhũng đã từng đưa ra bản chiến lược “Các nguyên tắc chỉ đạo chống tham nhũng và bảo toàn phẩm chất các quan chức an ninh và tư pháp” gồm 12 điểm, trong đó có hai điểm về vai trò của nhân dân, đó là “Bảo đảm để công luận và báo chí được tự do nhận và phát thông tin về các vụ tham nhũng, họ chỉ bị hạn chế theo quy định cần thiết của xã hội dân chủ” và “thúc đẩy hoặc khuyến khích, ủng hộ các cuộc thảo luận của công chúng và tiếp tục nghiên cứu về tất cả các khía cạnh của việc duy trì phẩm chất trung thực, ngăn ngừa tham nhũng trong các quan chức an ninh và pháp lý, các công chức khác là những người có trách nhiệm duy trì pháp quyền”(2).

Nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh chống tham nhũng tại nhiều nước trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cũng đã giới thiệu bốn loại chiến lược đấu tranh làm giảm tham nhũng; trong đó có chiến lược về nâng cao vai trò tự quản của quần chúng và thái độ của quần chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, khắc phục sự thờ ơ, sự cam chịu và thái độ chấp nhận của công chúng đối với tệ tham nhũng(3).

Một nghiên cứu khác đề xuất chiến lược tổng thể chống tham nhũng gồm bốn nội dung lớn, một trong số đó là phát huy sự tham gia của công chúng, đề cập các biện pháp nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của tham nhũng, về cách thức phát hiện và tố cáo tham nhũng, chỉ cho họ biết những khu vực trọng điểm của tệ tham nhũng...

Ở nước ta, sự giám sát một mặt mang tính Nhà nước được tiến hành từ các cơ quan quyền lực nhà nước; mặt khác, rất quan trọng là giám sát của xã hội, mang tính nhân dân. Để phát hiện tham nhũng thì việc khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng được coi là biện pháp hàng đầu.

4. Bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân và việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước

Minh bạch, tiếp cận thông tin và trách nhiệm giải trình có mối liên hệ khăng khít, bổ trợ cho nhau, yếu tố này vừa là điều kiện, vừa là kết quả của những yếu tố còn lại. Nếu như quyền tiếp cận thông tin tạo cho người dân cơ hội nắm bắt các thông tin về hoạt động của bộ máy nhà nước, về các quyết định quản lý, thì trách nhiệm giải trình tạo ra sự trao đổi thông tin, làm rõ ràng và sâu sắc hơn các thông tin mà người dân nhận được. Thông qua quá trình trao đổi và làm rõ thông tin đó, người dân có điều kiện để đánh giá chính xác hơn hoạt động của Nhà nước, Nhà nước có cơ hội giúp người dân hiểu rõ hơn các hoạt động của mình.

Thứ nhất, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân từ phía cơ quan nhà nước.

Đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin là điều kiện tiên quyết để công dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước, từ đó nâng cao tính công khai, minh bạch của hoạt động công quyền, góp phần PCTN. Thông tin mà công dân cần không chỉ là thông tin về hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn là những thông tin về các quyền dân sự của mình với tư cách là một công dân.

Về phía Nhà nước, cần đảm bảo cho người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật; tổ chức các kênh để người dân, các thành phần, khu vực trong xã hội có thể tham gia đóng góp ý tưởng, sáng kiến thiết thực về PCTN. 

Ngược lại, năng lực tiếp cận thông tin phụ thuộc vào những chuẩn mực về trình độ nhận thức và hiểu biết về dân chủ, năng lực vận dụng công cụ pháp luật,… Trên thực tế, sự thiếu vắng hoặc hạn chế trong hiểu biết và năng lực vận dụng quyền dân chủ sẽ trở thành rào cản làm vô hiệu hóa ở các chừng mực khác nhau đối với cả luật pháp, cả những điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo hiệu quả của kiểm soát quyền lực nhà nước. Trên bình diện rộng hơn, năng lực tiếp cận thông tin còn đòi hỏi một xã hội cởi mở, dân chủ và minh bạch.

Thứ hai, bảo đảm việc thực hiện công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước.

Công khai, minh bạch là bảo đảm quan trọng tạo điều kiện để công dân tham gia PCTN. Một trong số những nội dung quan trọng của việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị là công khai, minh bạch về thông tin, nghĩa là nhân dân phải được cung cấp thông tin. Đó là phương thức hữu hiệu để nâng cao tính minh bạch của chính sách, pháp luật và tính hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước. Minh bạch thông tin chính là tạo niềm tin giữa nhân dân với cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, từ đó nhân dân sẽ phát huy tốt quyền làm chủ của mình trong việc tham gia xây dựng, củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần hạn chế những tiêu cực, quan liêu và giảm tham nhũng.

Nhiều quốc gia trên thế giới coi công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Ví dụ, cơ chế hoạt động mở của hệ thống quản lý hành chính nhà nước là một trong những nguyên tắc cơ bản của Phần Lan. Những quyết định của các cơ quan nhà nước phải được công bố công khai để các công chức nhà nước, công chúng và các phương tiện truyền thông nhận xét, đóng góp ý kiến. Sự minh bạch trong việc đưa ra quyết định hành chính công là nhân tố quan trọng để PCTN. Để có thể thực hiện sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, mọi công dân đều được quyền tiếp cận những tài liệu, hồ sơ công. Điều này giúp cho các cá nhân cũng như tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc chi tiêu tài chính công, tự do đóng góp ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, người dân có quyền được cung cấp thông tin về các tài liệu được cơ quan công quyền giữ.

Thứ ba, bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình từ phía cơ quan nhà nước.

Việc cơ quan hành chính nhà nước chủ động giải thích, công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của mình sẽ giúp người dân và xã hội được biết chính quyền đang làm gì, có chính đáng hay không. Điều này cũng giúp cho hệ thống hành chính đáp ứng tốt hơn những đề xuất và nguyện vọng của người dân. Trách nhiệm giải trình được thực hiện tốt có tác dụng làm giảm tham nhũng của cán bộ, công chức. 

Về phía người dân, trách nhiệm giải trình là cơ sở để họ thực hiện quyền giám sát thông qua việc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của họ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước tạo cơ sở để người dân có được thông tin trong phạm vi cho phép một cách chủ động trên cơ sở thực hiện quyền yêu cầu, nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của mình.

Bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước là cơ sở để phát huy vai trò giám sát của công dân, cơ quan dân cử, tổ chức, đoàn thể đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức. Với ý nghĩa là một công cụ giúp người dân giám sát các hoạt động công vụ và kịp thời phản ứng với những hành vi tiêu cực, công dân cần được hỗ trợ trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đối với các hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan đó.

Có thể nói, kiểm soát tham nhũng được xem là yếu tố cốt lõi trong nỗ lực phát triển một xã hội trong sạch, công bằng của Việt Nam. Trong đó, vai trò của công dân trong kiểm soát tham nhũng là một cơ chế trực tiếp đảm bảo quyền lực nhân dân. Để công dân phát huy được vai trò của mình thì những bảo đảm của Nhà nước nhìn từ góc độ hoàn thiện thể chế cho đến tổ chức thực hiện luôn được coi là những yếu tố căn bản nhất./.

Ths. Tạ Thu Thủy - Viện Khoa học Thanh tra

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Nguyễn Đăng Dung-Phạm Hồng Thái-Chu Hồng Thanh-Vũ Công Giao, Giáo trình Lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr.173

(2) Thông tin chuyên đề số 27 của Văn phòng Trung ương.

(3) Ngân hàng Thế giới: Kiềm chế tham nhũng hướng tới một mô hình xây dựng sự trong sạch quốc gia, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.


 

Tạp chí Thanh tra

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)