Hiện nay, tham nhũng là căn bệnh chung của toàn xã hội không phân biệt khu vực công hay tư. Về biểu hiện, hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước (còn gọi là khu vực tư) không khác gì khu vực công như: Hối lộ, đòi hoa hồng, bồi dưỡng, lại quả…
Do đó, nếu công tác phòng, chống tham nhũng chỉ tập trung vào khu vực công mà chưa chú trọng đến khu vực tư thì sẽ không đạt được hiệu quả. Việc mở rộng khái niệm “tham nhũng” trong lĩnh vực kinh doanh để xây dựng chế tài trong công tác phòng, chống tham nhũng khu vực tư là cần thiết.
Việc thiết lập bộ máy quản lý trong các tổ chức, doanh nghiệp sẽ đồng nghĩa với việc trao “quyền lực” cho những cá nhân đứng đầu để điều hành, quản lý hoạt động hay sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tập đoàn. Và nguyên lý quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền cũng sẽ xuất hiện mà không phân biệt đó là khu vực công hay tư. Do đó, vấn đề phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với việc phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị, xã hội và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Liên hiệp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC). Điều 12 của UNCAC quy định “Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán trong khu vực tư và khi thích hợp, ban hành những chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự hiệu quả tương xứng và có tính răn đe đối với những hành vi không tuân thủ các biện pháp này”. Như vậy theo tinh thần của UNCAC, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư là một trong các nghĩa vụ đặt ra đối với quốc gia thành viên.
Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết tập trung phân tích việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn như là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư.
Theo từ điển Tiếng Việt: “Kiểm soát” là “xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định”(1). “Thu nhập” là “nhận được tiền bạc, của cải, vật chất từ một hoạt động nào đó”(2). Thu nhập chỉ tồn tại dưới hai hình thức là bằng tiền và tài sản có giá trị. Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền mặt, tiền séc... Tài sản có giá có thể là bất cứ của cải, vật chất nào có giá trị hoặc các chứng chỉ có giá khác. Và theo Điều 352 Bộ Luật Hình sự năm 2015 “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong PCTN (phòng, chống tham nhũng) là “tổng thể những biện pháp, cách thức mà Nhà nước sử dụng để theo dõi (biết được) số lượng, nguồn gốc tài sản và giám sát sự biến động về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm ngăn ngừa các chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng; phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng”(3).
Từ những phân tích nêu trên, có thể đưa ra quan niệm về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư như sau: “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là tổng thể những biện pháp, cách thức mà Nhà nước sử dụng để biết được biến động về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư nhằm phát hiện, ngăn chặn việc người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền bạc, của cải, vật chất trái quy định của pháp luật hoặc sử dụng tài sản của mình để thực hiện hành vi tham nhũng”.
Qua nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam, cho đến nay chưa có văn bản pháp lý chính thức nào xác định nội hàm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, thực tiễn trong và ngoài nước cho thấy, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chủ yếu hướng vào các biện pháp như minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường phương thức thanh toán không tiền mặt kết hợp với sử dụng công cụ thuế thu nhập cá nhân và thu hồi tài sản tham nhũng... Bên cạnh đó, Điều 53 Luật PCTN năm 2005 đã quy định: “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành bất kỳ văn bản pháp quy hay xây dựng bất kỳ dự án luật nào trình Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công và khu vực tư.
Việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay chủ yếu được đề cập trong Luật PCTN, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản dưới luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành,…Tuy nhiên, mỗi văn bản quy phạm pháp luật quy định một mảng vấn đề trong việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ như: Luật PCTN quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Bộ luật Hình sự quy định về xử lý trách nhiệm hình sự người có hành vi tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua kết án hình sự; Luật Cán bộ, công chức quy định về các chế tài áp dụng đối với công chức vi phạm, trong đó có những vi phạm về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định về kê khai thu nhập; Luật Ngân hàng nhà nước quy định về việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, trả lương qua tài khoản… Các quy định trên còn tản mạn, gây khó khăn cho việc áp dụng. Đồng thời, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế cho phép xử lý tài sản bất hợp pháp thông qua áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự…
Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian qua được đánh giá là còn hình thức, chưa thực sự là một biện pháp quan trọng góp phần PCTN như kỳ vọng. Cụ thể: Về minh bạch tài sản, thu nhập, theo Báo cáo số 330/BC-CP ngày 22/9/2016 của Chính phủ tổng kết 10 năm (từ năm 2006 đến năm 2016) thực hiện Luật PCTN chỉ có 4.859 trường hợp được xác minh và xử lý được 17 trường hợp kê khai không trung thực. Luật PCTN cũng chưa có cơ chế cụ thể trong việc xử lý tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn không chứng minh được nguồn gốc… dẫn đến biện pháp kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là còn rất hình thức, chưa thực sự phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và chưa bảo đảm là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo đúng nghĩa.
Về tặng quà và nộp lại quà tặng, cũng theo Báo cáo số 330/BC-CP ngày 22/9/2016 của Chính phủ tổng kết 10 năm (từ năm 2006 đến năm 2016) thực hiện Luật PCTNchỉ có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng, có 01 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.
Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từ tiền lãi gửi tiết kiệm không phải là đối tượng phải kê khai để nộp thuế TNCN; quy định của pháp luật về đất đai về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì việc khai báo giá nộp thuế, phí chủ yếu là theo khung giá Nhà nước ban hành trong khi giá trị thực tế có thể cao gấp nhiều lần cũng làm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thiếu toàn diện… Luật PCTN không quy định chế tài xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc cũng dẫn đến việc kiểm soát chỉ mang tính hình thức và thiếu tác dụng răn đe. Đồng thời, do chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội nên việc dịch chuyển tài sản nhằm tránh sự kiểm soát cũng gây khó khăn cho việc xác định tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập…
Có thể nói, thực tiễn công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thời gian qua ở Việt Nam đã bộc lộ rất nhiều bất cập, khiến cho hoạt động này hầu như chỉ được thực hiện trên danh nghĩa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp. Qua nghiên cứu các Điều ước quốc tế về chống tham nhũng và pháp luật một số nước trên thế giới cho thấy giải pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư là một trong những đóng góp quan trọng để hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.
Thứ nhất, phải xây dựng pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cho cả khu vực công và khu vực tư. Xem đây là những tư tưởng chỉ đạo có tính nguyên tắc, nền tảng để các cơ quan nhà nước dựa vào đó nghiên cứu, xây dựng, đề xuất hoàn thiện các quy định về PCTN, bao gồm cả sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các quy định có liên quan đến việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (trong đó có khu vực tư).Trong quá trình xây dựng pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần lưu ý bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp năm 2013 quy định như quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự...
Thứ hai, tăng cường quản lý, kiểm soát thuế thu nhập cá nhân và ứng dụng các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Đây có thể coi là biện pháp nền tảng nhất nhằm bảo đảm kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn kể cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư. Bởi vì, trong thực tiễn những tài sản có giá trị lớn do tham nhũng mà có của người có chức vụ, quyền hạn thường được đứng tên người thân thích hoặc những người khác có quan hệ thân thích với họ.
Mọi khoản thanh toán có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn bắt buộc phải được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng mà không sử dụng tiền mặt, từng bước tăng cường hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán của nền kinh tế là biện pháp quan trọng trong kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói chung và nhằm phòng, chống tội phạm nói riêng, trong đó có tội phạm về tham nhũng.
Thứ ba, thực hiện công khai, minh bạch và xây dựng liêm chính, văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Theo đó, mọi thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và những nội dung khác theo quy định của các luật có liên quan. Nội dung công khai bước đầu tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật, quy chế hoạt động, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả hoạt động, việc bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc từ nguồn huy động của cá nhân, tổ chức.
Văn hóa trong kinh doanh là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh của chủ thể, là văn hóa mà các chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, hình thành nên những kiểu kinh doanh ổn định, lành mạnh, phi tham nhũng và có trách nhiệm với xã hội. Cần ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp mình nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Đặc biệt là các quy định về cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và các hành vi tham nhũng khác./.
Ths. Lê Quang Kiệm
Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Tài liệu tham khảo:
(1),(2) Theo từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học- Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, năm 2006), tr 523, tr958.
(3) Hoàng Nam Hải (2017), “Pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và kiến nghị sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp - Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, tr29, tr30.