Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến 30/9/2016, cả nước hiện có 56.839 đơn vị sự nghiệp công lập. Với chức năng cung cấp dịch vụ công phục vụ hoạt động quản lý nhà nước nên trong quá trình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khó tránh khỏi việc phát sinh khiếu nại của công dân với những quyết định hành chính, hành vi hành chính của các đơn vị này, nhất là hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực như y tế, văn hóa, bảo hiểm…
Trước thực trạng đó, các đơn vị sự nghiệp công lập đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc đảm bảo quyền khiếu nại của công dân, từng bước nâng cao hiệu qủa công tác giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn không ít vướng mắc, bất cập, đòi hỏi các đơn vị này phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục.
Trong Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại 2011, lần đầu tiên các quy định về giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam được đề cập chi tiết, cụ thể. Điều này đã phần nào giúp các đơn vị sự nghiệp công lập khắc phục được những hạn chế, bất cập trong việc giải quyết khiếu nại trước đây và đạt được những kết quả nhất định.
Một là, bước đầu đảm bảo được quyền và lợi ích của người khiếu nại trên cở sở quy định của pháp luật.
Theo báo cáo tóm tắt tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo của Thanh tra Chính phủ thì giai đoạn từ 2012 - 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với những giai đoạn trước. Các vụ việc khiếu nại chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; khiếu nại đòi lại cơ sở tôn giáo, khiếu nại tranh chấp đất đai trong nhân dân, khiếu nại liên quan đến việc ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong cung cấp dịch vụ công mà chủ yếu là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao du lịch… chiếm số lượng không đáng kể và có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, từ 2012 - 2016, số lượng đơn khiếu nại giảm đều qua các năm. Nếu chỉ trong 6 tháng cuối năm 2012, số đơn khiếu nại là 449 đơn (bằng 79% đơn khiếu nại của cả năm 2013) thì trong các năm tiếp theo, số lượng đơn khiếu nại giảm năm 2014 giảm 2%; năm 2015 giảm 13% so với năm 2013. Đặc biệt, số đơn khiếu nại tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ còn bằng 48% so với 6 tháng cuối năm 2012. Điều này cho thấy, việc quy định khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập trong Luật Khiếu nại và Nghị định 75/2012/NĐ-CP đã góp phần tạo thêm cơ sở pháp lý để các đơn vị sự nghiệp công lập giải quyết thỏa đáng những khiếu nại của công dân, đảm bảo được quyền và lợi ích của người khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Hai là, đa số các đơn vị sự nghiệp công lập đã xây dựng được quy trình giải quyết khiếu nại riêng tại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với cơ quan đơn vị.
Nếu như trước đây, việc giải quyết khiếu nại ở các đơn vị sự nghiệp công lập còn gặp nhiều khó khăn do các đơn vị sự nghiệp công lập vì nhiều lý do khác nhau chưa xây dựng, ban hành được quy trình giải quyết khiếu nại phù hợp với đặc thù của đơn vị, thì đến nay, gần 85% đơn vị sự nghiệp công lập đã có quy trình giải quyết khiếu nại. Cụ thể như Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18/12/2013 quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục đào tạo; Quyết định số 868/QĐ-BHXH ngày 8/6/2016 quy định quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân thuộc lĩnh vực Bảo hiểm xã hội; Hướng dẫn số 5588/HD-ĐHQGHN ngày 31/12/2014 hướng dẫn công tác xử lý đơn, thư phản ánh, đề nghị, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bệnh viện nhiệt đới trung ương; Bệnh viện Bạch mai, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa… Trong đó, đã quy định cụ thể các bước giải quyết khiếu nại, nguyên tắc cũng như thẩm quyền giải quyết.
Ảnh minh họa
Ba là, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập quan tâm bố trí đầu mối tiếp nhận khiếu nại, như: Phòng Kiểm tra, Ban Kiểm tra, Ban Thanh tra, Phòng Tổng hợp - pháp chế… là đầu mối tiếp nhận khiếu nại. Qua khảo sát, 87,33% đơn vị cho biết đã có bộ phận tiếp nhận đơn khiếu nại. Đặc biệt, hầu hết ở cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Phòng Tiếp công dân được bố trí trang trọng, lịch sự tại vị trí thuận tiện để công dân đến liên hệ. Một số trường công lập đã bố trí phòng tiếp công dân riêng để làm đầu mối tiếp nhận đơn, thư khiếu nại.
Bốn là, một số đơn vị chú trọng nâng cao nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại. Đồng thời, cử cán bộ đi học nghiệp vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong 02 năm (2015 - 2016), Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập huấn cho 1.032 công chức, viên chức toàn ngành về nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân; nâng cao cơ chế phối hợp trong giải quyết khiếu nại.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc giải quyết khiếu nại đối với đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay thì vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập như pháp luật quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đang còn một số khó khăn trong việc áp dụng; quy định giải quyết khiếu nại ở đơn vị sự nghiệp công lập chưa chi tiết, cụ thể, thời gian giải quyết khiếu nại quy định chưa phù hợp với yêu cầu của một số lĩnh vực cần giải quyết nhanh, chính xác nhằm đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của công dân; việc quy định các trường hợp không được thụ lý giải quyết quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 làm hạn chế quyền khiếu nại của công dân gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giải quyết khiếu nại của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, đối tượng của khiếu nại là quyết định hành hành chính hay hành vi hành chính hay quyết định có tính chất hành chính cũng như hành vi có tính chất hành chính chưa rõ ràng làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập lúng túng trong áp dụng. Thời hiệu, thời hạn giải quyết chưa hợp lý cụ thể. Hình thức khiếu nại được quy định trong Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người dân chỉ được khiếu nại bằng đơn và khiếu nại trực tiếp, trong khi chúng ta có thể mở rộng hình thức khiếu nại thông qua đường dây nóng hoặc thông qua trang thông tin điện tử - điều này làm giảm số lượng khiếu nại của công dân đối với các quyết định và hành vi có tính chất hành chính nhưng lại không thể hiện được đầy đủ tính nhân văn của văn bản quy phạm pháp luật.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đơn cử như pháp luật về khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập hiện chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn tập trung, chi tiết, cụ thể, phù hợp với hoạt động cung cấp dịch vụ công lập về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nhận thức về đơn vị sự nghiệp công lập chưa được thống nhất cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn quy định hiện hành của pháp luật nước ta. Quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập chưa sát với thực tế phát triển cũng như quy mô, vai trò, lĩnh vực hoạt động của hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, với hoạt động giải quyết khiếu nại ở các đơn vị này nói riêng chưa được quan tâm đúng mức; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị sự nghiệp công lập, giữa cơ quan chủ quản với các đơn vị này trong công tác giải quyết khiếu nại còn chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp rất lúng túng trong việc định hình mối quan hệ, xác định trình tự, cấp giải quyết khiếu nại.
Không chỉ có thế, người đứng đầu, lãnh đạo một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa nêu cao trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức công tác giải quyết khiếu nại, chưa quan tâm xây dựng, ban hành quy trình, quy chế, bố trí đầu mối hay cán bộ có năng lực làm công tác giải quyết khiếu nại. Trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, nhiều khi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hay quan liêu, thiếu sâu sát, thậm chí “khoán trắng” cho bộ phận chuyên môn hoặc cán bộ tham mưu nên hiệu lực, hiệu quả giải quyết không cao, có trường hợp không nhận được sự đồng tình của người khiếu nại cũng như công luận. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý đơn thư, tham mưu giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế cả về năng lực nghiệp vụ lẫn trình độ, kiến thức pháp lý. Nhiều đơn vị sự nghiệp chưa chủ động tổ chức các lớp hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ về giải quyết khiếu nại cho đối tượng cán bộ có liên quan, ở nơi có thì việc tổ chức cũng chưa thường xuyên và thiếu tính hệ thống.
Có thể nói, giải quyết khiếu nại tại đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam hiện nay bước đầu đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý. Tuy nhiên, với sự đa dạng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công thì việc áp dụng các quy định đó trở nên khó khăn, lúng túng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tại các đơn vị sự nghiệp công lập và làm giảm hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại nói chung, công tác giải quyết khiếu nại tại các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại đó, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về khiếu nại nói riêng trong các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khiếu nại của các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về khiếu nại, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại./.
Nguyễn Thị Hạnh - Giảng viên Khoa QLNN và PCTN - Trường Cán bộ Thanh tra