Sáng 19/3, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức phiên họp thứ nhất lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Dự thảo báo cáo Chính phủ. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh tham dự và chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổ trưởng Tổ biên tập giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN: Khoản 4 Điều 15 về trách nhiệm giải trình; Khoản 2 Điều 17 về tiêu chí đánh giá công tác PCTN; Khoản 2 Điều 20 về thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết Khoản 3 Điều 22 về tặng quà và nhận quà tặng; Khoản 4 Điều 23 về kiểm soát xung đột lợi ích; Khoản 4 Điều 25 về vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương; Khoản 2 Điều 80 về áp dụng các biện pháp PCTN; Khoản 4 Điều 94 về xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và Khoản 4 Điều 81 về thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: L.A
Khoản 4 Điều 71 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp pháp khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
Song song với đó, các biện pháp tổ chức thi hành Luật PCTN, gồm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; chế độ thông tin, báo cáo về PCTN và xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cũng được đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Huy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cho rằng, Thanh tra Chính phủ xây dựng Dự thảo cơ bản đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Tại Điều 1 nêu rõ phạm vi điều chỉnh là nội dung nghiên cứu rất cần thiết vì đây là những chế tài, nêu cụ thể để thấy được những cấp thiết của Nghị định.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) nhận định, Nghị định càng quy định chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì việc thực hiện càng dễ và đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Theo vị đại diện này, Nghị định cần làm rõ hơn trách nhiệm giải trình của người đứng đầu tham gia giải trình như thế nào. Việc tiếp nhận yêu cầu giải trình tại Mục 3, Điều 12 phải quy định rõ hình thức thông báo, ở đây hình thức thông báo có thể lựa chọn bằng văn bản.
Bên cạnh yêu cầu có chữ ký của người yêu cầu giải trình, đại diện Ủy ban MTTQVN chia sẻ, Nghị định cũng cần bổ sung thêm yêu cầu phải có cả chữ ký của người giải trình. Khi ban hành văn bản của cơ quan giải trình thì phải có chữ ký, đóng dấu của người đứng đầu đơn vị.
“Ngoài việc thống nhất cách dùng một số từ ngữ trong Nghị định cần phải chỉnh sửa, tại Khoản 3 Điều 16 quy định về tiêu chí đánh giá về số lượng vụ việc, vụ án tham nhũng thì cần sắp xếp lại các tiêu chí cho thống nhất và logic hơn”, đại diện Ủy ban MTTQVN đề xuất.
Một số đại biểu cùng quan điểm và đưa ra ý kiến về nội dung trong Chương III, đánh giá về công tác PCTN, cụ thể, trong các quy định về tiêu chí có tiêu chí đánh giá mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng thì nên cân nhắc thêm tiêu chí, mức độ dư luận xã hội quan tâm. Một số ý kiến khác thì cho rằng, trong Chương III có nên chăng thêm một điều nữa quy định chi tiết tiêu chí đánh giá về quán triệt, phổ biến trong công tác PCTN…
Đồng tình với nhiều góp ý của các đại biểu đưa ra tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ có cuộc họp với các đơn vị liên quan để lấy ý kiến đóng góp sau đó góp ý với Thanh tra Chính phủ; riêng quy định xử lý vi phạm hành chính, nội dung về thẩm quyền xử phạt hành chính, trình tự và thủ tục cũng sẽ báo cáo để trao đổi thêm nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định.
Đưa ra quan điểm cá nhân, đại diện Bộ Tư pháp nói, phạm vi của Nghị định, trong cơ chế làm luật hiện nay thì Ban soạn thảo nên có phần mở, ngoài quy định chi tiết thì cần có cả biện pháp thi hành, như vậy sẽ thể hiện được sự chủ động của Chính phủ. “Riêng các quy định ở mục liên quan tới quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Chương IV làm phải phù hợp và sát với thực tế, tuỳ từng lĩnh vực cụ thể để quy định”, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh./.