Tối 18/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Thanh Hoá. Cùng tham dự có khoảng 1.200 đại biểu gồm các tổ chức tài chính quốc tế, các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại của một số nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với
lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trước khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh tổ chức
Tính sơ bộ, với các hình thức xúc tiến khác nhau, tại Hội nghị, có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Thanh Hóa là một tỉnh có nền kinh tế năng động, có diện tích lớn, một điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư. Với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi, Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư với chi phí sử dụng đất thấp, thủ tục hành chính nhanh gọn.
"Thanh Hóa phải có kế hoạch bố trí sử dụng đất khoa học, hiệu quả, giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp là điểm then chốt. Chính quyền các cấp cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tốt nhất; không để thụ động để mất đi các lợi thế cạnh tranh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tỉnh cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương để có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Phát huy vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp lớn, trưởng thành, có khả năng cạnh tranh trong nước và thậm chí là khu vực trong một số lĩnh vực đối với kinh tế địa phương, để doanh nghiệp FDI cùng với doanh nghiệp trong nước phát triển trong một thể kinh tế quốc dân thống nhất. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư làm ăn bài bản, lâu dài với tầm nhìn vươn ra thị trường thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, “lời nói đi đôi việc làm”. "Không thể làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến xã hội và cuộc sống của người dân. Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương để người dân địa phương được hưởng lợi" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ nhanh chóng triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa -Nghệ An trong nhiệm kỳ này. Đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời. Cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu đón tàu trọng tải tới 10 vạn tấn. Về đường ven biển, Thủ tướng đã có ý kiến, riêng Thanh Hóa sẽ làm 100km, kết hợp với dân sinh và phòng chống thiên tai.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản; thực hiện đúng Hiến pháp và thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 5 khóa XII, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân.
“Với quyết tâm, với đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công. Không những thành công ở ven biển, đồng bằng mà thành công ở cả phía Tây rộng lớn để đời sống của người dân nâng lên một bước mới, tăng trưởng phát triển bao trùm”, Thủ tướng bày tỏ.