Tiến độ bàn giao mặt bằng sạch của các địa phương nơi có Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua đang chậm so với yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 18/12
Ảnh: Vĩnh Phú
Nhất là những đoạn tuyến vướng mắc về công trình đường điện, công trình hạ tầng kỹ thuật. Cá biệt, tại một số địa phương, một số người dân chưa đồng tình với phương án đền bù nên chưa chịu di dời, ảnh hưởng đến việc GPMB. Các địa phương đều khẳng định sẽ giải quyết rốt ráo, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Còn vướng một số ít hộ dân
Ghi nhận tại Ninh Bình, nơi có dự án Cao Bồ - Mai Sơn đi qua (khởi công tháng 12/2019, dự kiến hoàn thành tháng 12/2021), đến thời điểm hiện tại, các địa phương thuộc hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình đã bàn giao gần như toàn bộ mặt bằng (15,2km).
Sở GTVT Ninh Bình cho biết, hiện tại chỉ còn vướng 400m đường gom tại địa bàn huyện Yên Khánh, một hộ dân ở huyện Yên Mô và một hộ dân trên địa bàn Nam Định. Những hộ dân này chưa đồng ý với việc áp giá đền bù.
Với giá trị xây lắp thực hiện khoảng gần 600 tỷ đồng (đạt trên 51%), hiện nay các đơn vị thi công đang đắp nền đường phần mở rộng, gia tải sau khi xử lý nền đất yếu; thi công đường gom, hầm chui dân sinh, cơ bản đúng tiến độ được giao.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ghi nhận thực tế tại xã Hà Long, huyện Hà Trung cho thấy, đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận xã Hà Long ảnh hưởng tới 596 hộ dân.
Hiện nay, còn 11 hộ (6 hộ có đất ở và 5 hộ có đất nông nghiệp) chưa bàn giao mặt bằng do không đồng ý với giá đền bù tài sản, cây trồng… Ông Hà Công Đợ (thôn Khắc Dũng) cho biết: “Đất nhà tôi là đất khai hoang gần 30 năm nay nên khi áp giá đền bù thì chúng tôi mong áp giá đất ở liền kề và cần thống kê lại số cây trồng trên đất”.
Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng, ở thôn Gia Miêu cho rằng, đất nhà ông đã được chia tách làm ba khu chia cho các con. Khi đường cao tốc đi qua thì vào khu trước nhà, bây giờ nếu phá thì phá cả và phải áp giá hai khu đất phía sau như khu vị trí trước.
Bà Nguyễn Thị Liên, công chức địa chính xã Hà Long cho hay: “Nguyên nhân các hộ không nhận tiền đền bù chủ yếu cho rằng giá đền bù thấp; đòi hỏi vị trí đất sau khi tách thửa và muốn nguồn gốc đất di giãn dân trước kia được xác định là đất ở lâu dài… Nhưng thực tế chúng tôi làm theo chỉ đạo của tỉnh, huyện, ai cũng đòi như vậy thì rất khó”.
Cũng theo bà Liên, hiện nay khu tái định cư đang được xây dựng phục vụ cho 83 hộ đủ điều kiện nhận, 69 hộ đang xây dựng nhà cửa. Còn lại đang chờ quyết định giao đất và trình UBND tỉnh xem xét bố trí thêm đất ở cho khoảng 23 hộ dân khác.
Theo Sở GTVT Thanh Hóa, dự án thành phần Mai Sơn - QL45 qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài hơn 49km, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 5.494 hộ (607 hộ phải bố trí tái định cư).
Hiện nay, phần đất nông nghiệp đã hoàn thành GPMB 100%, phần đất ở đã hoàn thành 93,4%; còn lại 86 hộ chưa nhận bồi thường. Các địa phương đã bàn giao cho Ban Quản lý (BQL) dự án Thăng Long 45,573/49,018km, đạt 93%. Còn lại 3,445km/9 đoạn qua các khu dân cư hiện chưa hoàn thành GPMB.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng 16 khu tái định cư, bao gồm 14 khu tái định cư tập trung và hai khu xen cư. Hiện, đã có 557/607 hộ có quyết định giao đất tại các khu tái định cư, đạt 91,7%. Các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản được hoàn thành di dời.
Liên quan đến những vướng mắc trong công tác GPMB, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại toàn bộ việc thực hiện cơ chế, quy định, chính sách trong thu hồi đất, GPMB; đôn đốc các hộ dân đã nhận tiền bồi thường khẩn trương sắp xếp chỗ ở mới để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Với các hộ dân cố tình không chấp hành chủ trương thu hồi đất, các địa phương thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trước ngày 31/12 gửi các ngành liên quan, báo cáo công an tỉnh để tổ chức phương án cưỡng chế.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng làm việc với VNPT Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa, BQL dự án Thăng Long để xác định phương án xử lý, di dời đối với các công trình hạ tầng viễn thông; Sở GTVT phối hợp với BQL dự án Thăng Long và các địa phương rà soát, xác định lại các vị trí đủ điều kiện thi công để triển khai.
Sớm hoàn thành khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật
Cao tốc Bắc - Nam là dự án giao thông duy nhất từ trước đến nay, khi nhà thầu vào triển khai thi công đã có sẵn hơn 90% mặt bằng sạch.
Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Đức An, Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Hiện tại, chỉ còn hai vướng mắc trong công tác GPMB ở Nghệ An bao gồm: Di dời đường dây điện cao thế và thi công khu tái định cư.
Về đường điện cao thế, hiện tại đang còn phải chờ thỏa thuận phương án di dời với Bộ Công thương và Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, việc này không đáng ngại vì phần diện tích ảnh hưởng không lớn chỉ nằm ở chân trụ, nên sẽ không ảnh hưởng tới công tác thi công.
Còn đối với các khu tái định cư bị chậm đều do yếu tố khách quan, tháng 10 và nửa đầu tháng 11 mưa liên tục, buộc các nhà thầu phải tạm dừng đắp đất. Hiện tại, đã có ba khu tái định cư đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương, 11 khu đã cơ bản hoàn thành đủ điều kiện cho người dân bốc thăm nhận đất, bắt đầu xây dựng nhà cửa. “Đối với 17 khu còn lại bị chậm, chúng tôi đang cố gắng bàn giao trước Tết”, ông An nói.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế còn các điểm vướng mặt bằng rải rác. Một trong những đoạn còn vướng nhiều nhất thuộc gói thầu XL9 (Km 78+000 - Km 81+500) tại thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy.
Ông Trần Văn Thành, Chỉ huy trưởng gói thầu XL9 cho hay, đoạn tuyến thuộc gói thầu này mới bàn giao mặt bằng được gần 70% gồm cả tuyến chính, nhánh và đường hoàn trả.
“Tình trạng vướng mặt bằng trên khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thi công đồng bộ, đồng loạt, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ của gói thầu cũng như toàn bộ dự án”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, hiện dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh đã bàn giao được 65,55/66,4km (đạt 98,72%), còn lại 0,85km tính cả tuyến hoàn trả tránh.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy và Hương Trà, đến nay công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành do các hộ dân chưa đồng ý với chính sách bồi thường, hỗ trợ.
Trước thực tế trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu chính quyền địa phương xem xét kiến nghị của các hộ dân, chọn phương án đền bù theo hướng có lợi nhất cho người dân và phù hợp với quy định của pháp luật, cuối tháng 12 phải bàn giao mặt bằng các đoạn còn lại cho đơn vị thi công.
Khan hiếm vật liệu ảnh hưởng tiến độ thi công
Tại phía Nam, mặt bằng các tuyến cao tốc qua Bình Thuận, Đồng Nai đã cơ bản bàn giao xong. Tuy nhiên, phần diện tích còn lại là phần “khó” do người dân khiếu nại giá đất, chính sách bồi thường, việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chậm... khiến nhà thầu lo ngại ảnh hưởng tiến độ triển khai trên công trường.
Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, đến ngày 17/12, cả ba tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh đã bàn giao được 98% diện tích mặt bằng sạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 95,3%. Tỉnh đã xây dựng hoàn thành 5 khu tái định cư, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng đang khẩn trương tiến hành.
Tại Đồng Nai có tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua hiện còn vướng hơn 3km, tập trung nhiều nhất qua huyện Xuân Lộc.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, đoạn tuyến cao tốc qua huyện dài nhất với chiều dài 27,6km. Đến ngày 18/12, huyện đã bàn giao được hơn 90% diện tích mặt bằng, còn khoảng 50 hộ đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để phê duyệt bồi thường. Trong tuần này huyện sẽ bàn giao thêm hơn 1km và nỗ lực xử lý các vướng mắc còn lại.
Đối với hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã (đồng loạt khởi công vào cuối tháng 9/2020), các nhà thầu thi công cho biết, quá trình thi công có gặp một số khó khăn phát sinh.
Khi huy động máy móc thiết bị vào công trường vẫn còn tình trạng người dân cản trở (khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường). Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm, chưa được giải quyết rốt ráo.
Ngoài ra, nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm, giá biến động mạnh so với dự toán được duyệt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thi công.
Theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7, trong khu vực dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua có 16 mỏ đất đắp, trong đó có 7 mỏ đang khai thác.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các nhà thầu thi công thì trữ lượng là còn rất ít và báo giá hiện cao hơn rất nhiều so với giá dự toán duyệt. Còn lại 9 mỏ trong quy hoạch đang triển khai thủ tục đấu giá cấp quyền khai thác.
“Theo quy trình thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý để cấp phép khai thác có thể vào khoảng một năm. Do vậy, để sớm có nguồn vật liệu thi công, cần sớm cấp phép thêm các mỏ vật liệu”, ông Khoát đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cũng cho hay, tiến độ dự án phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng vật liệu. Do vậy, đề nghị tỉnh xem xét cấp phép cho các mỏ vật liệu quy hoạch để sớm khai thác, cung ứng cho dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các địa phương giải quyết nhanh việc bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao cho nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, các Ban QLDA, nhà thầu thi công cần có số liệu báo cáo chi tiết về khối lượng đất đắp, đá để có phương án tháo gỡ kịp thời.
Còn tại Ninh Thuận, liên quan cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến nay đã tổ chức chi trả tiền cho các hộ dân với tổng số 1.187/1.224 hộ đã nhận tiền bồi thường, đạt tỷ lệ 97%.
Giải ngân vốn thực hiện công tác GPMB đạt tỷ lệ 78,8%. Các công trình hạ tầng tầng kỹ thuật hầu hết đang trong giai đoạn tổ chức thi công di dời, dự kiến đến hết tháng 12/2020 sẽ hoàn thành.
P.V