Đầu tư phát triển đường bộ cao tốc: Doanh nghiệp nhà nước cần đóng vai trò là “đạo diễn”, dẫn dắt

Thứ hai, 22/11/2021 15:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Lấy kinh nghiệm từ các nước trong việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc để Việt Nam có thể tham khảo, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đưa ra dẫn chứng, với Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ các nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm lên tới 90%.

Tương tự, Hàn Quốc là quốc gia có mô hình các Tổng công ty Nhà nước thực hiện các dự án về đường bộ cao tốc rất thành công. Cụ thể, trong lĩnh vực đường cao tốc, doanh nghiệp nhà nước Hàn Quốc đóng vai trò là “đạo diễn”, thay Nhà nước để điều phối, lên kế hoạch, thực hiện toàn bộ mọi công đoạn. Theo đó doanh nghiệp nhà nước ở Hàn Quốc đã đóng vai trò dẫn dắt…

Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân,
Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Doanh nghiệp nhà nước phải là điều phối

Nhận thấy, các nước trên thế giới rất coi trọng, tập trung đầu tư phát triển đường bộ cao tốc. Điển hình như Trung Quốc, trong vòng 10 năm từ năm 2000 đến năm 2010 đã tăng thêm gần 100 nghìn km đường bộ cao tốc. Ở các nước khác đều lấy hệ thống đường bộ cao tốc quyết định cho vấn đề phát triển vùng, các nguồn lực. Theo đó, kinh nghiệm triển khai của Nhật Bản có tỷ lệ do các nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm xây dựng hệ thống các tuyến đường bộ cao tốc lên tới 90%. Nhìn chung, phần đầu tư của Nhà nước, tiền vốn của nhà nước đầu tư cho cao tốc là rất lớn. Không có bất cứ quốc gia nào mà đầu tư tiền vốn từ Nhà nước cho đường cao tốc dưới 50%, thậm chí có những nước ở châu Âu lên tới 80%.

Theo đó, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, sở dĩ các nước chú trọng mô hình doanh nghiệp nhà nước thực hiện xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc là do về bản chất, đầu tư đường bộ cao tốc nói riêng và đầu tư giao thông nói chung chính là dịch vụ công cộng, mà đầu tư cho hạ tầng, cho dịch vụ công cộng trách nhiệm phải là ngân sách nhà nước đầu tư. Cho nên hầu hết các nước phải sử dụng nguồn vốn nhà nước rất lớn. Ở Việt Nam chúng ta cũng vậy, ngay cả các dự án đầu tư theo hình thức PPP của ta cũng trên 50 % là ngân sách nhà nước.

Đường bộ cao tốc Nội Bài – Lào Cai do doanh nghiệp nhà nước đầu tư,
xây dựng đã cho hiệu quả cao trong phát triển kinh tế- xã hội…

Theo đó, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, Nhật Bản là một điển hình mà Việt Nam nên tham khảo. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước ở Nhật Bản đứng ra xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống đường cao tốc. Còn với Hàn Quốc cũng là một nước sử dụng rất thành công vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước Hàn Quốc không phải có mức đầu tư cao như vậy, vì các dự án đường bộ cao tốc do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư chiếm 1/3, 2/3 còn lại là của tư nhân. Nhưng vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở Hàn Quốc lại rất lớn, gần như họ đứng ra thay mặt Bộ Giao thông vận tải lập kế hoạch, kết nối các dự án đầu tư lại với nhau, để từ đó lên các lộ trình đầu tư, phần nào Nhà nước chịu trách nhiệm, phần nào tư nhân đầu tư. Chính vì vậy, Hàn Quốc là quốc gia có mô hình các Tổng công ty Nhà nước thực hiện xây dựng và vận hành hệ thống đường bộ cao tốc rất thành công khi doanh nghiệp nhà nước ở Hàn Quốc đóng vai trò “đạo diễn” thay Nhà nước để điều phối, lên kế hoạch, thực hiện toàn bộ mọi công đoạn.

Nếu “đẩy” cho tư nhân thì sẽ rất rời rạc, mất tính kết nối

Theo ông Hoàng Văn Cường, ở Việt Nam việc huy động vốn của một doanh nghiệp tư nhân khó gấp nhiều lần so với doanh nghiệp nhà nước. Bởi do hệ số tín nhiệm thấp hơn, huy động vốn nước ngoài chịu giá cao hơn, huy động vốn trong nước giá cổ phiếu, trái phiếu thấp hơn… Trong khi đây là lợi thế của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa thật sự phát huy được lợi thế này. Còn ở các quốc gia khác đầu tư theo hình thức kết hợp PPP không hề nhỏ, như ở Hoa Kỳ, vốn đầu tư của liên bang cho hệ thống đường bộ cao tốc và hạ tầng giao thông là rất lớn, nhưng khi xuống tới từng bang, chính quyền vẫn thu hút thêm vốn tư nhân để tái đầu tư nhằm bảo trì hệ thống khi khai thác.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
là động lực phát triển cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam

Lấy kinh nghiệm sự thành công của các nước để áp dụng vào Việt Nam trong lĩnh vực này, ông Hoàng Văn Cường khẳng định, phần đầu tư cho đường bộ cao tốc nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung thì Nhà nước phải đầu tư là chủ yếu, chiếm đa số, chứ không thể trông chờ vào khu vực tư nhân. Vì nếu chúng ta để tư nhân đầu tư là chính thì vốn chắc chắn sẽ đẩy lên rất cao. Bởi lẽ, một dự án giao thông PPP mà phần tham gia của Nhà nước bằng 0 hoặc rất thấp thì thời gian khai thác, thu hồi vốn sẽ không thể là 20-30 năm nữa, mà có thể lên gấp đôi, gấp ba thời gian. Trong khi phần nào khó khăn, phần đầu tư không hiệu quả, mang tính kết nối… thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Bởi đầu tư hạ tầng thì rất khó để tính thời gian thu hồi. Do đó, Nhà nước phải tham gia phần cốt yếu, cốt lõi nhất, quan trọng nhất… như đầu tư vào những khu vực khó khăn, giải phóng mặt bằng, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai…

“Chúng ta cần coi trọng vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực phát triển hệ thống đường cao tốc. Nhìn vào bài học Hàn Quốc, có thể rút ra kinh nghiệm là nếu “đẩy” lĩnh vực này cho tư nhân thì hệ thống sẽ rất rời rạc, mất tính kết nối. Doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam phải làm chủ trong mạng lưới đường cao tốc này, dẫn dắt, đạo diễn chứ không cần thiết đầu tư toàn bộ”, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Hiện nay phân bổ vốn đầu tư công của Nhà nước cho ngành giao thông lên tới gần 50%. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa "thấm" so với nhu cầu của ngành, của nền kinh tế, bởi thực tế nhu cầu vốn có thể gấp đôi, gấp ba. Bởi vậy, ngành giao thông vận tải không thể trông chờ vào nguồn lực ngân sách nhà nước và chắc chắn phải huy động từ xã hội. Vì vậy, ông Hoàng Văn Cường rất đồng tình trong việc triển khai Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là Luật rất mở để huy động nguồn lực của tư nhân vào đầu tư xây dựng đường cao tốc. Tuy nhiên, hình thức PPP triển khai tại Việt Nam chưa thật sự thành công. Điều này có thể lý giải bởi, công tác triển khai hình thức này trước khi có Luật chưa thành công, dẫn đến các nhà đầu tư "ngại" tham gia mô hình này. Vì vậy, nhà đầu tư cần những cam kết vững chắc từ Nhà nước, đặc biệt là chia sẻ của Nhà nước về vấn đề rủi ro, những chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển thì khi đó mới kích thích được mô hình PPP.

xuannguyen

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)