Sáng 7/12, liên danh nhà đầu tư Đèo Cả - 194 cùng doanh nghiệp dự án tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo hình thức hợp đồng BOT.
Đại diện các cơ quan, đơn vị tham dự lễ ký hợp đồng hợp tác đầu tư,
hợp đồng tín dụng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào sáng 7/12
Đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết, dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 5.139 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu 1.030 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cam kết cấp khoản tín dụng với hạn mức là 1.700 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả và Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã chứng khoán HHV) cam kết đầu tư phần còn lại là 1.056 tỷ đồng thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Theo đại diện nhà đầu tư, dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được ký hợp đồng BOT muộn nhất trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) nhưng lại hoàn thành thu xếp vốn sớm nhất.
Ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc Chi nhánh Thăng Long (đại diện ngân hàng tài trợ vốn) chia sẻ: “Sau một thời gian nghiên cứu về việc tài trợ dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ngoài việc thấy được dự án có khả thi cao, TPBank cũng đánh giá cao năng lực của nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194. Chúng tôi tin tưởng rằng với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư cũng như sự đồng hành từ phía Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Bộ GTVT, dự án sẽ triển khai và hoàn thành đúng tiến độ”.
Đại diện nhà đầu tư cho biết thêm, ngay từ khi tham gia dự án, nhà đầu tư đã chủ động tìm các phương án tiếp cận nguồn vốn khác như hợp đồng BCC, phát hành trái phiếu,… để đa dạng hóa nguồn vốn, không phụ thuộc hoàn toàn vào vốn tín dụng. Thành công bước đầu của dự án đã khẳng định hướng đi đúng đắn và củng cố uy tín, năng lực của nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, tạo niềm tin cho Chính phủ, đối tác và ngân hàng.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Về phía Bộ GTVT, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, các nhà đầu tư tham gia 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, mấu chốt là phải thu xếp được vốn và ký hợp đồng tín dụng trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng BOT.
“Trong 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án đầu tiên ký được hợp đồng tín dụng và hợp đồng góp vốn BCC, đánh dấu bước biến chuyển từ cam kết tín dụng thành hợp đồng tín dụng, đầy đủ các điều kiện để thực hiện công trình. Bộ GTVT tin tưởng vào sự thành công của dự án”, ông Thành chia sẻ.
Cơ cấu nguồn vốn dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Trước đó, ngày 31/7/2021, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được Bộ GTVT và nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT. Việc đàm phán hợp đồng của dự án này kéo dài hơn các dự án khác bởi 2 bên cùng thương thảo chi tiết để đi đến thống nhất tháo gỡ những vấn đề vướng mắc như cơ chế huy động vốn, trách nhiệm giải ngân nguồn vốn nhà nước, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền… Đây đều là những bài học được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn các dự án lớn trong thời gian vừa qua.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,35m. Trước mắt, dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Điểm nhấn của dự án là xây dựng hầm Núi Vung dài 2,2 km, lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông với quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m.
Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng. Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - TCT Xây dựng 194 - Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả làm nhà đầu tư, thời gian hoàn thành xây dựng vào quý 3/2024.
P.V