Đây là chỉ đạo được Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh khi cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Ngày 14/12, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và các đơn vị liên quan tiếp tục đi kiểm tra, khảo sát hiện trường dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021- 2025 (đoạn tuyến Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ); đồng thời kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn...
Ông Nguyễn Vũ Quý báo cáo tình hình triển khai dự án
cao tốc Cam Lộ - La Sơn với đoàn công tác
Dự án Cam Lộ - La Sơn đã thi công đạt trên 70% sản lượng
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài tuyến khoảng 98km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37km và đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài 61km, gồm 11 gói thầu xây lắp.
Dự án có điểm đầu giao với QL9 (Quảng Trị) và cũng là điểm sẽ “khớp nối” với đoạn tuyến dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ khi được triển khai; điểm cuối nối vào dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua Thừa Thiên - Huế chuẩn bị đưa vào khai thác...
Báo cáo với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và đoàn công tác, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn đã triển khai đến nay sản lượng đạt trên 70%, tập trung chủ yếu các gói XL01, XL02, XL03, XL08, XL09, XL10 và XL11, đã thi công lên tới phần móng và một số đoạn đã thảm bê tông nhựa.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ trao đổi với ông Vũ Hồng Thanh và đoàn công tác tại hiện trường
Riêng 2 gói XL05, XL06 đoạn qua Thừa Thiên - Huế chậm hơn do thiếu vật liệu đất đắp.
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, trong giai đoạn khảo sát thiết kế, nguồn đất đắp cho dự án vẫn đủ nhưng đến lúc đấu thầu và triển khai thi công dự án Cam Lộ - La Sơn thì trên địa bàn có một số dự án khác triển khai nên nguồn đất đắp thiếu so với dự kiến ban đầu.
“Dự án thiếu khoảng gần 2 triệu m3 đất đắp, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban đã tích cực làm việc với địa phương để ưu tiên nguồn đất đắp cho dự án. Đặc biệt, vừa rồi Chính phủ đã có 2 Nghị quyết 60 và 133 tháo gỡ khá nhanh về thủ tục mở rộng mỏ đất, nâng công suất đang khai thác và thời gian một số bước có giảm đi”, ông Nguyễn Vũ Quý cho hay.
Đến nay, dự án Cam Lộ - La Sơn đoạn qua Thừa Thiên - Huế còn thiếu khoảng 500 nghìn m3 đất đắp, tỉnh đã có chủ trương rút ngắn thủ tục theo quy định để mở rộng mỏ đất và đang tập trung phần thủ tục, dự kiến khoảng hết tháng 12/2021 đầu tháng 1/2022 sẽ có đủ đất để cung cấp cho toàn bộ dự án.
Một đoạn tuyến dự án Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang triển khai
Đáng chú ý, ngoài việc thiếu nguồn đất đắp nói trên, dự án Cam Lộ- La Sơn khởi công 2/11 gói thầu xây lắp đầu tiên vào tháng 9/2019, các gói còn lại sau đó mới được tổ chức đấu thầu và triển khai sau. Tiếp sau đó thời tiết bất lợi, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử bất thường, kéo dài nên gần như 4 tháng không thể thi công đào, đắp nền. Nhiều tuyến đường công vụ, máy móc thiết bị, lán trại công trường cũng bị ảnh hưởng, hư hỏng do sạt lở, ngập lụt.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá vật liệu tăng cao, đặc biệt về sắt thép...
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, sản lượng dự án hiện nay đạt trên 70%, trong quý II/2022 dự án cơ bản hoàn thành, còn lại 1- 2 điểm phải xử lý nền đất yếu nhưng địa phương bàn giao mặt bằng sau đang gia tải sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10/2022.
Đoạn tuyến phía Bắc cầu Thạch Hãn đang thi công
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm, ngoài một số điểm vướng mặt bằng, mỏ vật liệu đất đắp tại dự án Cam Lộ - La Sơn lúc đầu cực kỳ khó khăn, Bộ GTVT, Ban QLDA tích cực đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tạo điều kiện mở tuyến đường dọc tuyến để điều phối đất nên có chậm nhưng sau đó lấy được đất và đẩy được tiến độ lên...
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị triển khai dự án tập trung nỗ lực, tranh thủ thời tiết tạnh ráo làm cả ban đêm, đến quý II/2022 hoàn thành dự án; riêng 1- 2 điểm phải xử lý nền đất yếu hiện đang gia tải (thời gian gia tải 14 tháng) cũng phải có giải pháp xử lý để thông xe kỹ thuật, không chờ đến tháng 10...
Phối hợp rà soát, thực hiện tốt công tác GPMB các dự án
Trước đó, chiều 13/12, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị về việc chuẩn bị báo cáo thẩm tra dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 để trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Một trong những đoạn qua Thừa Thiên Huế đã thảm bê tông nhựa
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Với vai trò là hành lang xương sống của quốc gia, việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước theo Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021- 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021- 2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị nghiên cứu về dự án quan trọng này để có sự phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong việc triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.
Trong đó lưu ý, trên cơ sở tình hình thực tế, các địa phương cần nghiên cứu, đưa ra những ý kiến đóng góp phù hợp để quá trình triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc tổ chức tốt công tác GPMB, bố trí tái định cư cho các hộ dân diện giải tỏa đến nơi ở mới được tốt, sớm an cư, lạc nghiệp...
Đoạn tuyến qua Hương Trà (Thừa Thiên Huế) đang gia tải
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 là hành lang vận tải quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Tỉnh Quảng Trị cam kết phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để dự án triển khai thực hiện đúng tiến độ và đạt kết quả cao nhất.
Một trong những khâu khó khăn trong thực hiện dự án là công tác GPMB, vì thế tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với tỉnh để làm tốt công tác GPMB, đền bù hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng từ dự án và một số vấn đề liên quan khác một cách nhanh nhất…