Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh khi kiểm tra thi công cao tốc sáng nay (29/12) là làm xuyên Tết, bứt phá tiến độ cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Ghi nhận trên công trường, đến nay, Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cơ bản hoàn thành thi công nền đường. Trong đó gần 70km rải xong lớp cấp phối đá dăm loại 2 và đang hoàn thiện lớp cấp phối đá dăm loại 1. Đáng kể, công tác thảm bê tông nhựa (BTN) đang được một số nhà thầu triển khai.
Trong đó, gói thầu XL10 nhà thầu đã hoàn thành lớp móng CTB và BTN lớp 1 đang tiến hành thi công BTN lớp 2, lộ dần tuyến đường tầm vóc, quy mô dự án.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chốt thời hạn thi công, hoàn thiện với từng gói thầu
để đạt kế hoạch Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn trong năm 2022.
Báo cáo với Thứ trưởng, ông Lê Văn Sáu - Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, mưa kéo dài những tháng cuối năm, cùng tác động dịch Covid-19, khan hiếm vật liệu đất đắp... đang là áp lực, khó khăn không nhỏ của dự án.
Thời gian qua, Ban cùng các đơn vị chức năng, nhà thầu nỗ lực phối hợp chặt chẽ cùng địa phương Huế, Quảng Trị tập trung tháo gỡ vướng mắc mặt bằng, nguồn vật liệu; đặc biệt sau khi Chính phủ có 2 Nghị quyết 60 và 133 về thủ tục mở rộng mỏ đất, nâng công suất đang khai thác... Thống kê Ban QLDA đường HCM, dự án đạt trên 70% tiến độ, công tác giải ngân đạt hơn 97%.
Theo ông Sáu, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, Ban QLDA tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ các gói thầu, giải quyết khó khăn và vướng mắc trong quá trình thi công tại hiện trường; tạo điều kiện cho các nhà thầu ứng kinh phí để chủ động trong công tác tập kết vật liệu và thực hiện một số hạng mục khác nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tuy nhiên, trước áp lực dịch bệnh, thời tiết bất lợi, vật liệu khiến dự án gặp khó triển khai, riêng gói thầu XL5, XL6 chỉ đạt chưa đầy 50% tiến độ vì thiếu đất đắp; gói XL7, XL8 vướng mắc xử lý đất yếu và nền đất bổ sung sau khi có mặt bằng... đẩy lùi thời hạn hoàn thành vào quý III và quý IV/2022.
Chủ trì họp kiểm đếm tiến độ dự án, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận nỗ lực triển khai dự án của các đơn vị chức năng trong bối cảnh nhiều khó khăn, áp lực của thời tiết bất lợi, dịch bệnh và khan hiếm nguồn vật liệu...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, cao tốc Cam Lộ - La Sơn từng đạt kết quả khả quan, kỳ vọng công trường kiểu mẫu giai đoạn đầu triển khai, nhưng đến nay chưa đạt được kết quả tương xứng. Nhiều gói thầu, như gói XL1,XL2 triển khai đầu tiên dự án (tháng 10/2019) nhưng tiến độ vẫn còn chậm, chưa thực sự bứt phá.
Thứ trưởng yêu cầu với kinh nghiệm quản lý, thi công các công trình trọng điểm của ngành Giao thông thời gian qua, Ban QLDA, nhà thầu nỗ lực gấp đôi, vận dụng tối đa kinh nghiệm, đề xuất phương pháp linh hoạt, hiệu quả để vượt qua khó khăn, giải quyết triệt để các đường găng vướng mắc, kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng dự án.
"Bộ GTVT và địa phương tháo gỡ giải quyết cơ bản hết khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, công tác GPMB cơ bản hoàn thành, thời tiết trên địa bàn Quảng Trị, Huế sắp vào mùa khô, yêu cầu Ban QLDA chỉ đạo các nhà thi công tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, vật liệu để tập trung triển khai thi công, bứt phá sản lượng công trình", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Với tinh thần không để chậm trễ tiến độ, Thứ trưởng ấn định thời hoàn thành cho từng gói thầu. Trong đó, các gói thầu XL1,XL2,XL3, XL4,XL10, XL11 phải cán đích trước ngày 30/6/2022; gói XL5, XL6,XL9 hoàn thành trước 30/8/2022; gói thầu XL7,XL8 chậm nhất phải cán đích trước 30/10/2022.
Dự án cơ bản hoàn thiện nền đường, nhiều gói thầu thảm BTN,
lộ dần tầm vóc cao tốc nối Quảng Trị - Huế.
"Thời hạn được ấn định cụ thể, Ban QLDA đường HCM lập tiến độ điều chỉnh của từng gói thầu, ký cam kết của toàn bộ lãnh đạo, trưởng các phòng dự án được giao phụ trách các gói thầu trên. Tinh thần hoàn thiện sớm nhất, nhanh nhất. Trường hợp nhà thầu yếu về năng lực, Ban QLDA xử lý nghiêm theo quy định của hợp đồng, không để nhà thầu yếu làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chung của dự án", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Ban QLDA trên thẩm quyền cho phép, có giải pháp linh hoạt để điều chuyển thiết bị giữa các nhà thầu, đơn vị thi công trên tuyến, nhằm kịp thời hỗ trợ, "chi viện" thiết bị, vật tư cho các gói thầu chậm tiến độ, với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hiệp đồng cao nhất.
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu Ban QLDA đường HCM, các nhà thầu có kế hoạch thi công xuyên Tết, để bù phụ tiến độ, sẵn sàng vào cao điểm hoàn thiện dự án ngay từ năm 2022.
"Công tác thi công không thể đứt gẫy trong thời điểm Tết Dương và Âm lịch này. Bộ GTVT sẽ trực tiếp vào động viên, khích lệ tinh thần anh em trên công trường dịp Tết. Giai đoạn cao điểm, việc kiểm soát tiến độ, chất lượng tập trung tối đa, không chủ quan lơ là", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Văn Sáu, ngay dịp cuối năm, Ban làm việc với từng gói thầu, mũi thi công để xử lý rốt ráo các đường găng vướng mắc nền đất yếu, gia tải, sạt trượt... Những nhà thầu chậm trễ thi công, Ban QLDA có giải pháp mạnh, yêu cầu thay ngay chỉ huy trưởng công trường, tiếp đến cắt chuyển khối lượng sang cho các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ chung dự án.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 có chiều dài khoảng 98,3km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài 61,0km, gồm 11 gói thầu xây lắp.