Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 46/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Thủ tướng theo dõi bản đồ thi công tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá Bộ Giao thông vận tải, nhất là các cấp chính quyền địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan, các nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn đã phối hợp triển khai thực hiện các dự án đạt kết quả bước đầu.
Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành 99% mặt bằng (hầu hết các địa phương đã tập trung làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, từng bước ổn định đời sống người dân tại nơi ở mới), các dự án thành phần được triển khai tương đối đồng bộ (toàn bộ 11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được khởi công xây dựng, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải khối lượng xây lắp đạt khoảng 27,2% toàn tuyến, trong đó đoạn Cao Bồ - Mai Sơn giao cho tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư đã hoàn thành), công tác rà soát và bố trí nguồn nguyên, vật liệu phục vụ các dự án từng bước cải thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021.
Khắc phục ngay tình trạng chia nhỏ gói thầu
Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan tập trung vào một số nhiệm vụ.
Cụ thể, đối với các dự án hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông vận tải:
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, chất lượng các dự án cũng như công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải; chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức lại giải pháp thi công, phấn đấu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án tối thiểu 03 tháng so với kế hoạch (không để chậm tiến độ), bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tuyệt đối an toàn.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, dự án ngành Giao thông vận tải, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
- Cùng với Ủy ban nhân dân các địa phương làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị đầu tư, bảo đảm tính khả thi cao, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh trong quá trình triển khai dự án.
- Khắc phục ngay tình trạng chia nhỏ gói thầu với quá nhiều nhà thầu tham gia nhằm thu hút được nhà thầu, nhà đầu tư lớn, có nhiều năng lực kinh nghiệm thi công theo đúng quy định của pháp luật nhằm khai thác thế mạnh của doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư xây dựng công trình giao thông; tránh manh mún, chia cắt nhỏ lẻ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong đầu tư xây dựng công trình, gây thất thoát tài sản nhà nước. Cần thực hiện ngay công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trước, trong và sau khi triển khai thực hiện dự án.
- Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, đánh giá tiềm năng, nghiên cứu khả năng sử dụng nguồn cát biển làm vật liệu xây dựng cho các dự án (nếu bảo đảm chất lượng, an toàn về môi trường).
- Khẩn trương nghiên cứu bài bản, chuyên sâu, đề xuất xây dựng hành lang pháp lý đặc thù, đồng bộ cho việc đầu tư xây dựng đường cao tốc và các công trình dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông, tránh việc phải xử lý tình huống, giải quyết hậu quả như thời gian qua; phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành các định mức còn thiếu, các định mức liên quan đến công nghệ mới, điều chỉnh các định mức chưa phù hợp để áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo đúng quy định của pháp luật.
Triển khai ngay việc rà soát công tác cấp phép khai thác khoáng sản
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan thực hiện nghiêm Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP. Kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai ngay việc rà soát công tác cấp phép khai thác khoáng sản (đá, cát, sỏi, đất, đất san lấp, đất đắp nền đường...) tại các địa phương trong thời gian qua và xử lý theo hướng: (i) Trường hợp cấp phép chưa đúng quy định thì phải thu hồi Giấy phép khai thác đã cấp; (ii) Trường hợp cấp phép đúng quy định nhưng quá trình khai thác thực hiện không đúng Giấy phép, chưa đầu tư thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật; (iii) Trường hợp cấp phép và khai thác đúng quy định thì điều chỉnh Giấy phép khai thác để ưu tiên cung cấp đủ nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải theo đơn giá vật liệu do địa phương ban hành; bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP; đặc biệt lưu ý việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp cấu kết để găm hàng nâng giá, ép giá nguyên vật liệu tạo ra khan hiếm, khủng hoảng giả tạo.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá tiềm năng, nghiên cứu khả năng sử dụng nguồn cát biển làm vật liệu xây dựng để cung cấp cho các dự án hạ tầng giao thông vận tải các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (nếu bảo đảm chất lượng, an toàn về môi trường).
Khẩn trương rà soát các quy định liên quan về quản lý, khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để đề xuất cơ chế chính sách hoàn thiện quy định của pháp luật về khoáng sản nhằm khắc phục triệt để các bất cập trong cấp phép khai thác khoáng sản thời gian qua làm thất thoát tài sản nhà nước và trì trệ trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công, lợi dụng chính sách để trục lợi cho cá nhân.
Hướng dẫn các địa phương xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi…); xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng theo quy định để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng riêng cho xây dựng đường cao tốc; trong việc đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra kịp thời quá trình thực hiện các dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình theo quy định của pháp luật.
Tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng, quá trình lập, thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu kịp thời dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan cân đối, bố trí đủ vốn nhà nước trong nhiệm kỳ này cho các dự án theo đúng mục tiêu đề ra và quy định của pháp luật.
Xây dựng quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án (trong đó có dự án đường cao tốc) theo quy trình rút gọn; bảo đảm vừa khuyến khích sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, vừa phòng ngừa các vi phạm trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, dự án.
Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức PPP theo hướng quy định phù hợp tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, tạo điều kiện thu hút tối đa các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng; nghiên cứu kỹ, kiên trì đề xuất tách các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng để góp phần thúc đẩy các dự án đầu tư, trong đó có việc thực hiện các dự án từ nguồn vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ dự án do công tác giải ngân.
Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo điều tra, thanh tra kịp thời các cá nhân, tổ chức vi phạm trong tư vấn, đấu thầu, thực hiện hợp đồng và cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu thông thường (đất, đá, cát, sỏi, đất san lấp, đất đắp nền đường).
Đề xuất hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để thực hiện việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong phát triển hạ tầng, cấp phép khai thác các nguyên vật liệu thông thường.
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với các dự án trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ dự án (bảo đảm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án ở giai đoạn I chậm nhất trước ngày 31/3/2022); không ngừng chăm lo đời sống sinh kế người dân khu vực tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước; tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng trên địa bàn.
Chịu trách nhiệm quản lý tốt quy hoạch ngành giao thông vận tải trên địa bàn; khẩn trương nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển không gian kinh tế - xã hội mới gắn với các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Triển khai ngay việc rà soát hoạt động cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn trong thời gian qua theo đúng quy định của pháp luật (trong đó có mỏ đất, cát, đá, sỏi làm vật liệu xây dựng) theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện nghiêm Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm, thu hồi Giấy phép khai thác đã cấp theo quy định tại điểm e mục 2 Nghị quyết 60/NQ-CP; có biện pháp xử lý triệt để các bất cập trong khai thác khoáng sản trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân; rủi ro phải cùng nhau chia sẻ; nghiêm cấm việc găm hàng, đội giá, đẩy giá trục lợi...
Kịp thời xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi...); xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần, đảm bảo phù hợp yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện và tiến độ thi công xây dựng, khả năng cung ứng và mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng.
Huy động trang thiết bị và công nghệ hiện đại tham gia thi công xây dựng
Nhà đầu tư, nhà thầu dự án nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, hợp đồng đã cam kết; không ngừng cải tiến phương pháp làm việc, huy động trang thiết bị và công nghệ hiện đại tham gia thi công xây dựng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, bảo vệ môi trường; không để chậm tiến độ dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đã đề ra nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nhà đầu tư các dự án PPP đa dạng hóa các nguồn vốn, thu xếp, bố trí đầy đủ vốn chủ sở hữu theo quy định, đẩy mạnh huy động vốn tín dụng và các nguồn hợp pháp khác để bảo đảm triển khai dự án theo đúng tiến độ của Hợp đồng dự án.
Các đơn vị tư vấn (đặc biệt là tư vấn giám sát) cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính độc lập và tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, kiểm soát đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hiệu quả, an toàn; tuyệt đối không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Về một số kiến nghị của Nhà đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng xem xét, giải quyết ngay theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật đối với từng kiến nghị cụ thể của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (về việc nâng cao dải phân cách giữa; đưa công nghệ mới vào thi công bê tông nhựa; thảm một lần 2 lớp thay vì thảm từng lớp; thuê máy móc thay vì hoàn toàn của nhà thầu; kéo dài thời gian thu phí nhưng không tăng tổng mức đầu tư dự án...) và Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả về việc nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ cấu nguồn vốn dự án PPP (tỷ lệ vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu, vốn vay tín dụng, vốn phát hành trái phiếu, vốn nhà đầu tư huy động từ các nguồn hợp pháp khác...); có chế tài tăng tỷ lệ tạm ứng; tổ chức quản lý, giám sát chất lượng, tiến độ công trình của tư nhân; có chế tài ưu tiên giao Nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc nhằm đảm bảo yêu cầu khai thác tuyến cao tốc đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.
Thủ tướng tìm hiểu đời sống người dân tại khu tái định cư
đã nhường mặt bằng cho dự án xây dựng sân bay Long Thành - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Huy động nhân lực, vật lực, các giải pháp đồng bộ để thực hiện giai đoạn 1 Dự án CHKQT Long Thành
Đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Chủ tịch, Tổng giám đốc ACV, VATM chịu trách nhiệm huy động nhân lực, vật lực, các giải pháp đồng bộ để thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành đưa vào vận hành, khai thác vào năm 2025 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Về triển khai các Dự án cụ thể, trong đó, với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm bàn giao phần diện tích 1.810 ha trong tháng 02 năm 2022; bàn giao mặt bằng của toàn bộ dự án chậm nhất trong tháng 9 năm 2022; bàn giao ngay các phần đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với việc xây dựng các khu tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm chỉ đạo các dự án tái định cư phải bảo đảm cuộc sống người dân ổn định, bằng hoặc hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước, người dân phải được hưởng lợi từ thành quả của dự án đem lại.
Bộ Giao thông vận tải (Cảng vụ Hàng không Miền Nam) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục nhận bàn giao mặt bằng các phần diện tích còn lại để bàn giao cho các chủ đầu tư, kịp tiến độ tổ chức thi công.
Với dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Nai và các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng tiến độ và kế hoạch triển khai xây dựng 4 dự án thành phần, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Cụ thể, dự án thành phần 1 (Trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương bố trí vốn, phê duyệt kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, sớm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư đồng bộ với các dự án khác.
Dự án thành phần 2 (Các công trình phục vụ quản lý bay): Yêu cầu VATM khẩn trương kiện toàn bộ máy của Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án; kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải xử lý khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ hoàn thành đồng bộ với Dự án thành phần 3. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VATM sớm tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn thiết kế, thi công xây lắp.
Dự án thành phần 3 (Các công trình thiết yếu trong CHK):
+ Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, ACV thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại các văn bản số 06/TB-VPCP ngày 07/01/2022 và số 19/TB-VPCP ngày 24/01/2022 của Văn phòng Chính phủ để xây dựng tiến độ chi tiết từng hạng mục, bảo đảm chủ động kiểm soát được tiến độ trong mọi tình huống phát sinh.
+ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV củng cố, tăng cường nhân sự cho dự án và bảo đảm đủ nguồn lực tài chính cho công trình; thực hiện chức năng chủ sở hữu của ACV theo đúng quy định của pháp luật.
+ Yêu cầu ACV khẩn trương kiện toàn Ban Quản lý dự án đủ năng lực và xây dựng khu làm việc của Ban Quản lý dự án, nhà làm việc của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tại công trường; huy động tối đa nhân lực tập trung tại công trường, lập tiến độ chi tiết gửi Bộ Giao thông vận tải để theo dõi, chỉ đạo; triển khai ngay công tác san nền sau khi được giao mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ công tác lập thiết kế kỹ thuật hệ thống giao thông kết nối; khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và triển khai hạng mục cọc công trình Nhà ga hành khách; sớm triển khai các hạng mục công trình khác, bảo đảm hoàn thành công tác xây dựng trong Quý I/2025, vận hành chạy thử trong thời gian 6 tháng, đưa vào khai thác chính thức vào dịp Quốc khánh 02/9/2025.
Với dự án thành phần 4 (Các công trình khác), Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc kế hoạch tiến độ tổng thể đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm đưa các công trình vào vận hành, chạy thử từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025.
Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban. Trong quá trình chỉ đạo có gì vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời, báo cáo Thường trực Chính phủ; trường hợp phát hiện thấy dấu hiệu sai phạm, tiêu cực, tham nhũng thì chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.