Khuyến khích, hỗ trợ vận chuyển hàng hoá bằng container đi và đến cảng Chân Mây

Thứ năm, 08/09/2022 09:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 7/9, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 để thảo luận, xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương; trong đó, nổi bật là việc thông qua Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây”.

Chú thích ảnh

Cảng Chân Mây có thể đón các tàu tải trọng lớn. Ảnh minh họa: baothuathienhue.vn

Theo đó, nghị quyết này có hai chính sách hỗ trợ. Cụ thể, hãng tàu biển/đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu hai chuyến cập cảng mỗi tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210.000.000 đồng/chuyến cập cảng.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container; đối với container 40 feet là 1.100.000 đồng/container.

Dự kiến tổng nguồn chi ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ này khoảng 18.340.000.000 đồng/năm. Thời gian áp dụng thí điểm chính sách này từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ lĩnh vực vận chuyển các mặt hàng rời sang lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm như: giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng...

Khi áp dụng chính sách này, ước tính có khoảng 8.600 container qua cảng Chân Mây/năm thì ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế theo Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.

Đồng thời, chính sách hỗ trợ này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được chi phí vận tải đường bộ thay vì phải vận chuyển đến cảng Đà Nẵng cách đó khoảng 42km.

Cảng Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, có tiềm năng để mở rộng, phát triển thành một cảng biển hiện đại và là cửa ngõ chính ra biển Đông cho cả khu vực. Tuy nhiên, hiện tại lượng tàu, hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Chân Mây còn rất ít, do vậy chưa phát huy được lợi thế, công suất hoạt động của cảng.

Hiện nay, cảng Chân Mây có 3 cầu cảng đang hoạt động với tổng chiều dài khoảng 910m; trong đó, cầu cảng bến số 1, số 2 được tiếp nhận tàu chở container. Sản lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây năm 2022 ước đạt 5 triệu tấn.

Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng Chân Mây thuộc nhóm cảng biển số 2, loại I.

Khu bến Chân Mây tiếp nhận tàu container sức chở đến 4.000 TEU với chức năng phục vụ Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

toanld

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)