Khi nào “Chủ tàu” và “Người vận chuyển” tuy hai mà một và tuy một mà hai?

Thứ hai, 24/01/2011 10:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
LS. Ngô Khắc Lễ, công tác tại Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu (Vietfracht) trả lời câu hỏi về việc: Khi nào “Chủ tàu” và “Người vận chuyển” tuy hai mà một và tuy một mà hai?

HỎI: Trên nhiều hợp đồng vận chuyển theo chuyến, ví dụ như hợp đồng mẫu “Gencon”, “Synacomex 90” đều ghi một bên của hợp đồng là “chủ tàu” (owners) trong khi họ chính là “người vận chuyển” theo hợp đồng đó. Tại sao lại ghi như vậy mà không ghi là “carrier” (người vận chuyển)?   

TRẢ LỜI: Không chỉ những hợp đồng nói trên mà trong nhiều hợp đồng vận chuyển theo chuyến khác, như “Worldfood 99” của WFP (Chương trình lương thực thế giới của Liên hiệp quốc), “Intercoa 80” (hợp đồng vận chuyển theo chuyến để chở hàng lỏng)... cũng ghi “chủ tàu” là một bên ký kết hợp đồng.
Chủ tàu (shipowner), thường gọi là “owner”, và người vận chuyển (carrier) có thể cùng là một cá nhân hay tổ chức và có thể không cùng là một, tùy từng trường hợp cụ thể. Về trách nhiệm pháp lý, chủ tàu và người vận chuyển có trách nhiệm khác nhau đối với hàng hóa trước người thuê vận chuyển và người nhận hàng.
Khái niệm “chủ tàu” (owners) theo tập quán quốc tế thường thể hiện dưới các dạng sau: 
Owners (chủ tàu), Disponent Owners (chủ tàu danh nghĩa), Timecharter-Owners (chủ tàu thuê định hạn). Ví dụ như trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến mẫu “North American Fertilizer Charter Party 1978/88” (code name: “fertivoy 88”), “Owners (Disponents)” trong Coal Voyage Charter 1971 (revised may 1997) code name: “POLCOALVOY”, “Owners/Chartered Owners/Disponent Owners” trong mẫu “Coal Charter Party”, code name: “NIPPONCOAL” và mẫu “Gasvoy” chở khí lỏng (liquid gas) trừ LNG, “Owners/Chartered Owners” trong “Intertanktime 80”... và trên thực tế, “owners” có thể được hiểu là người thuê tàu định hạn, người cho thuê lại tàu (chartered owners), chủ tàu “thật” (actual owners), chủ tàu đăng ký (registered owners)... Vì vậy, thực tế cho thấy, nhiều người có thể “tự xưng” là “owners” mà không cần có (sở hữu) tàu!  
Trong khi đó, khái niệm “chủ tàu” theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Điều 13: 1. Chủ tàu là người sở hữu tàu biển. 2. Doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao quản lý, khai thác tàu biển cũng được áp dụng các quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan như đối với chủ tàu”, và “người vận chuyển” là: “người vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển” (khoản 2, Điều 72). Như vậy, có sự khác nhau về khái niệm “chủ tàu” giữa Bộ luật Hàng hải Việt Nam và một tập quán quốc tế.   
Khi người sở hữu tàu dùng tàu của mình để ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa thì chủ tàu đồng thời là người vận chuyển. Ví dụ: Vietftacht (VF) sở hữu tàu Vietfracht 01 (VF 01) và dùng tàu này ký kết một hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chuyến (voyage charter party) để vận chuyển hàng hóa thì VF là “người vận chuyển” theo khoản 2, Điều 72, Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Nếu VF không “tự mình” như điều luật trên quy định mà ủy quyền cho người khác (người đại lý tàu biển chẳng hạn) ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa thì VF vẫn là “người vận chuyển” và người đại lý ký hợp đồng với tư cách “chỉ là đại lý” (As Agents Only). Nếu VF ký hợp đồng vận chuyển theo chuyến, ví dụ như mẫu “Gencon” mẫu sửa đổi 1922, 1976 và 1994 (as revised 1922, 1976 and 1994), với một người thuê vận chuyển nước ngoài, thì VF được gọi là “chủ tàu” tuy “bản chất” vẫn là người vận chuyển như Điều 1 (của hợp đồng) nêu: “It is agreed between the party mentioned in Box 3 as the Owners of the Vessel…”. Ô số 3 ghi: Owners/place of business: ...” và Điều 2 nêu: Owners’ Responsibility Clause - The Owners are to be responsible for loss of or damage to the goods or for delay in delivery of the goods only in case the loss, damage or delay has been caused by personal want of due diligence on the part of the Owners…”.
Nếu VF cho thuê tàu định hạn, VF sẽ là chủ tàu đối với người thuê định hạn (time charter) và cũng là chủ tàu đối với người đi thuê lại (sub-charterer). Nếu thuyền trưởng ký vận đơn theo mẫu của chủ tàu (Owner’s bill of lading - Vietfracht’s Bill of Lading) thì đối với người nhận hàng theo vận đơn (consignee) hay người nắm giữ vận đơn (Bill of lading holder) thì chủ tàu đăng ký hoặc chủ tàu thật (actual owner) - VF - sẽ là người vận chuyển (carrier). Nếu vận đơn là vận đơn của người thuê tàu định hạn (time charterer’s Bill of lading) và thuyền trưởng ký vận đơn thay mặt chủ tàu thật (VF) thì trong trường hợp đó VF cũng là người vận chuyển.
Hợp đồng thuê tàu định hạn theo mẫu “Baltime 39” và mẫu “Nype 93” ghi một bên là chủ tàu “Owners” trong khi đó mẫu “Boxtime” - thuê định hạn tàu chở container và mẫu “Gentime” (General Time Charter Party) - ghi “Owners/Disponent Owners” trong khi mẫu thuê định hạn tàu chở hàng lỏng (tanker time charter party) “Intertanktime 80” ghi “Owners/Chartered Owners”. Như vậy, “chủ tàu” trong hợp đồng thuê định hạn có thể không phải là chủ tàu đăng ký (register owners) mà chỉ là chủ tàu danh nghĩa (disponents) - người thuê lại tàu (chartered owners).       
Nếu VF cho thuê tàu trần (bareboat charter) thì trong hợp đồng thuê tàu trần, chẳng hạn như mẫu “Barecon 89”, VF sẽ là chủ tàu (Owners) và người thuê tàu trần là “Bareboat charterers (Charterers)”. Điều 1 của hợp đồng này giải thích rằng “chủ tàu” là người hoặc công ty đăng ký là chủ tàu; người thuê tàu là “người thuê tàu trần” và không phải là người thuê tàu định hạn hay người thuê vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến” (... “The Owners’ shall mean the person or company registered as Owners of the Vessel. “The Charterers” shall mean the Bareboat charterers and shall not be construed to mean a time charterer or a voyage chaterer”). Người thuê tàu trần là người thuê tàu đối với chủ tàu và là người vận chuyển đối với người nhận hàng theo vận đơn. VF là chủ tàu đăng ký (registered owner), đôi khi gọi là chủ tàu thật (actual owner), không phải là người vận chuyển trong mọi trường hợp. 
Như vậy, trên thực tế, có sự khác nhau về khái niệm “chủ tàu” giữa Bộ luật Hàng hải Việt Nam và tập quán quốc tế. Qua đó, có thể thấy, trong hầu hết trường hợp, “chủ tàu” vẫn chịu trách nhiệm đối với hàng hóa như một “người vận chuyển” trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển theo chuyến có ít nhất một bên là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thì không nhất thiết phải sửa từ “owners” thành “carrier” vì đã có tập quán hàng hải quốc tế điều chỉnh. Nếu các bên là cá nhân hay tổ chức trong nước ký kết hợp đồng với nhau không theo những mẫu hợp đồng nói trên (hoặc một số mẫu khác) thì nên ghi một bên là “người vận chuyển” để thống nhất như khái niệm của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (điều 72, khoản 2). 

                                                                               LS. Ngô Khắc Lễ, Vietfracht

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)