5 tháng đầu năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT xử lý đảm bảo an toàn giao thông đối với 65 vị trí điểm đen trên các tuyến quốc lộ từ kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.
5 tháng đầu năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT xử lý đảm bảo an toàn giao thông đối với 65 vị trí điểm đen trên các tuyến quốc lộ từ kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.
Ngoài ra, Tổng cục cũng đã đầu tư xử lý 23 vị trí điểm đen tai nạn giao thông tại Km373+400, Km391+980 QL32 tỉnh Lai Châu; Km82+510, Km83+500, Km85+900, Km89+100, Km90+750, Km92+200 QL10, Km1QL37, Km26QL37B tỉnh Thái Bình; đoạn Km1320+080-Km1325+200 và Km1377+600-Km1380+600 đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam...
Trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thường xuyên rà soát, xử lý kịp thời điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với các vị trí đã được bố trí vốn theo kế hoạch; đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra xem xét đối với 171 vị trí điểm đen, 579 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo đề xuất từ các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải.
Tổng cục ĐBVN cũng dự kiến xem xét cho phép bổ sung sơn gờ giảm tốc, sửa chữa mặt đường trong phạm vi nút giao giữa đường sắt với các tuyến quốc lộ đối với 45 vị trí theo đề nghị của các đơn vị quản lý đường. Đối với các tuyến, đoạn tuyến có 4 làn xe trở lên, Tổng cục ĐBVN cũng đã đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để triển khai đầu tư lắp đặt dải phân cách giữa trong năm 2014.
Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, 5 tháng đầu năm, tai nạn giao thông đường bộ đã giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 10.653 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 3.826 người, bị thương 10.535 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 1.650 vụ (-22,68%), giảm 231 người chết (-5,69%), giảm 2.004 người bị thương (-20,1%).
Để nâng cao công tác đảm bảo ATGT, Tổng cục ĐBVN sẽ tăng cường đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện đúng thời hạn việc khắc phục các “điểm đen” đã đủ hồ sơ quy định; chủ động phát hiện và khắc phục kịp thời các yếu tố gây mất an toàn trên hệ thống quốc lộ; thường xuyên kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống cọc tiêu, biển báo đường bộ; xây dựng biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên các đèo dốc nguy hiểm; phối hợp với ngành đường sắt thiết lập các biện pháp bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, các đường ngang dân sinh chưa có điều kiện đóng ngay.
Nguồn: Duongbo.vn