Ngày 20/2, siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn với sức chở 18.300 TEU (1 TEU tương đương với một container 20 feet) cập Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), đưa CMIT thành cảng đầu tiên ở Việt Nam và thứ 19 trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận thế hệ tàu Triple-E 18.000 TEU - loại tàu siêu lớn này.
Sự kiện là điểm mốc đáng nhớ của lịch sử ngành Hàng hải Việt Nam và khẳng định vị thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới trong hoạt động trung chuyển container quốc tế.
Tàu siêu trọng làm hàng tại Cảng quốc tế Cái Mép
Cụm cảng Cái Mép
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, cụm cảng container Cái Mép bao gồm các bến cảng CMIT, TCOT, SSIT có tổng chiều dài bến 1.800m và khoảng 900m bến (TCCT và TCIT) của Tân Cảng (thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là cụm cảng nước sâu, cửa ngõ quốc tế của Việt Nam, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải trên 100.000 tấn.
Nhiều năm nay, có tới 30% tổng sản lượng hàng container của Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường xa buộc phải trung chuyển qua các cảng ở Hồng Công, Singapore, Malaysia,… Điều này đã làm tăng chi phí và tốn thêm thời gian chuyên chở cho hàng hóa Việt. Tháng 6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung đầu tư các bến cảng chuyên dùng container tại khu vực Cái Mép để “biến” nơi đây thành cảng biển cửa ngõ quốc tế phía Nam, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa xuất, nhập khẩu đi các tuyến biển xa của Việt Nam, thực hiện vai trò trung chuyển quốc tế. Sau 6 năm kể từ khi bến container đầu tiên của cụm cảng Cái Mép đi vào hoạt động, năm 2015, khối lượng hàng container thông qua cụm cảng Cái Mép đạt 1,36 triệu TEU. Năm 2016, khối lượng container qua cảng đạt trên 2 triệu TEU, tăng 47% so với năm 2015.
Tháng 10/2016, tại Singapore, Lloyd’s List đã công bố và trao giải thưởng tốp 4 nhà khai thác cảng châu Á năm 2016 cho CMIT.
CMIT là cảng container chuyên dụng, do Liên doanh APM Terminal (một tập đoàn khai thác cảng container hàng đầu thế giới của Đan Mạch) - Cảng Sài Gòn và Vinalines đầu tư. Cảng nằm ở hạ lưu sông Cái Mép, có chiều dài bến 600m.
Đón trước được xu hướng phát triển của ngành hàng hải thế giới (dùng tàu lớn để giảm chi phí vận chuyển), được sự cho phép của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan, cảng CMIT phối hợp cùng đơn vị tư vấn Portcoast đã nghiên cứu, từng bước thử nghiệm cho tàu trọng tải lớn vào, rời cảng.
Tháng 3/2011, cảng CMIT đã lần đầu tiên tiếp nhận tàu container COLUMBA của Hãng vận tải biển CMA CGM có trọng tải 131.000 DWT, sức chở 11.388 TEU. Tháng 12/2011, tàu CMA-CGM Laperouse là một trong số ít con tàu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ với trọng tải 157.092 tấn, dài 365,5m, rộng 51,2m, mớn nước thiết kế 15,5m, sức chở lên đến 14.000 TEU đã vào rời bến thành công.
Tháng 10/2015, tàu CSCL Star chiều dài 366m, bề rộng 51,2m, có trọng tải 156.000 tấn chở 14.074 TEU container cập cảng.
Tháng 10 và 11/2015, cảng tiếp tục đón tàu container trọng tải lên đến 160.000 tấn và 165.000 tấn. Sau những thành công này, bắt đầu từ tháng 10/2015, cảng CMIT tiếp tục được liên minh CKYHE lựa chọn để khai thác đội tàu cùng kích cỡ siêu lớn trên tuyến dịch vụ Á-Âu.
Trong năm 2016, cảng đã tiếp nhận 68 chuyến tàu có kích cỡ 150.000 tấn đến 165.000 tấn. Siêu tàu container Margrethe Maersk mà CMIT đón ngày hôm nay 20/2, đang trong hành trình chở hàng hóa từ châu Á đi châu Âu. Tàu container Margrethe Maersk sẽ lấy hàng của Việt Nam ở Cái Mép để chuyên chở thẳng đi châu Âu. Với chuyến đi thẳng như vậy, hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khoảng hơn 1 ngày đi đường với phí giảm khoảng 10% - 20% so với phải trung chuyển qua các nước khác.
Sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành
Từ tháng 9/2015, Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT xem xét tạo điều kiện cho phép nghiên cứu, thử nghiệm tiếp nhận tàu Triple-E 18.000Teu vào bến cảng CMIT.
Xác định rõ việc đưa tàu sức chở 18.000 TEU vào, rời bến cảng khu vực Cái Mép có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì các buổi làm việc với các cơ quan trực thuộc gồm Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Tổng công ty BĐAT Hàng hải miền Nam, các đơn vị hoa tiêu và đơn vị tư vấn Portcoast nhằm thảo luận các phương án đảm bảo an toàn cho tàu vào bến làm hàng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Portcoast - đơn vị 4 năm liền (2012-2015) được Bộ GTVT xếp hạng là đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, kiểm định đứng đầu ngành trong lĩnh vực hàng hải - đường thủy nội địa, cho biết, để chuẩn bị cho sự kiện có ý nghĩa quan trong này, từ tháng 9/2016, Portcoast và CMIT đã nghiên cứu, làm mô phỏng tàu chạy bằng mô hình toán và sau đó cùng các bên liên quan thực hiện mô phỏng buồng lái dẫn tàu vào cảng. Tất cả nghiên cứu đều được tiến hành cẩn trọng dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT và các cơ quan liên quan. Ông Robert Hambleton, Tổng Giám đốc cảng CMIT chia sẻ: “Tàu Margrethe Maersk cập cảng là một dấu mốc quan trọng đối với CMIT và cả Việt Nam. Điều này vừa chứng tỏ năng lực của CMIT vừa chứng tỏ năng lực của Việt Nam, hoàn toàn có thể trở hành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ châu Á đi châu Âu”.
Việc Liên minh 2M (gồm 2 hãng tàu lớn nhất thế giới là Maersk Line và MSC) quyết định đưa Cái Mép vào mạng lưới các cảng có thể tiếp nhận đội tàu loại triple-E đã thể hiện vị trí chiến lược của cụm cảng Cái Mép trong hoạt động hàng hải quốc tế. Việc tiếp nhận thành công tàu Margrethe Maersk có sức chở lên đến 18.300 TEU vào khu vực Cái Mép đang hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ đưa cụm cảng Cái Mép trở thành một trung tâm trung chuyển container quốc tế.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Portcoast đã hoàn thành nghiên cứu tổng thể, toàn diện luồng tàu biển khu vực Cái Mép - Thị Vải, mở rộng tuyến luồng để tạo thuận lợi cho các tàu biển lớn ra vào thường xuyên, nhằm khai thác hiệu quả khu cảng này, góp phần cho sự phát triển chung của kinh tế biển Việt Nam.