Cải thiện chất lượng vận tải đường sắt: Muộn còn hơn không

Thứ tư, 21/06/2017 11:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thị phần vận tải hành khách và hàng hóa của ngành Đường sắt trên tuyến Lào Cai - Hà Nội giảm mạnh kể từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động (tháng 9/2014). Đứng trước tình hình đó, thời gian qua, ngành Đường sắt đã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới cung cách phục vụ, đem lại nhiều tiện lợi cho hành khách.

Ga Quốc tế Lào Cai.

Kể từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, mỗi khi có việc về xuôi, anh Lưu Trung Dũng, phố Trần Đại Nghĩa, phường Duyên Hải (TP Lào Cai) luôn chọn đi xe khách thay vì tàu hỏa như trước đây. Lý do đơn giản là xe khách có giá thấp hơn, nhanh và tiện lợi, đưa đón tận nhà, cung cách phục vụ rất tốt.

Tuy nhiên, khi hiểu mức độ an toàn của loại hình vận tải đường sắt là không thể so sánh, nên anh Dũng quyết định di chuyển bằng tàu hỏa. Anh Dũng tâm sự: Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt hiện nay đã được cải thiện hơn nhiều, toa sạch đẹp, tàu chạy nhanh hơn, đúng giờ và giá vé thấp hơn nhiều so với trước đây. Nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn cả là thái độ phục vụ của nhân viên ngành đường sắt đã thay đổi nhiều, thân thiện, tận tình, chu đáo. Không chỉ anh Dũng, khi được hỏi, nhiều người cũng có đánh giá tương tự và đây là tín hiệu tích cực đối với ngành Đường sắt.

Trên thực tế, trong những năm qua, ngành đường sắt đã có sự đầu tư lớn về nguồn lực để nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội, tuyến đường có hiệu quả kinh tế cao nhất từ năm 2014 trở về trước. Đầu năm 2015, ngành đường sắt đã hoàn thành giai đoạn I Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Yên Viên - Lào Cai (khởi công từ tháng 12/2011) với tổng mức đầu tư 166 triệu USD, tương đương 3.434 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục: Cải tạo các cung đường có bán kính nhỏ, nâng cấp và thay thanh ray, tà vẹt tại 180 km đường sắt. Ngoài ra, xây mới 10 cầu, cải tạo 43 cầu cũ; xây mới và nâng cấp 12 ga, cải tạo nhiều cống và công trình thoát nước; gia cố bảo vệ mái ta luy, xử lý sụt trượt một số đoạn, tuyến. Nhờ đó, đảm bảo năng lực chạy tàu, với 23 đôi tàu/ngày đoạn Việt Trì - Yên Bái, 33 đôi tàu/ngày đoạn Yên Bái - Phố Lu, 17 đôi tàu/ngày đoạn Phố Lu - Lào Cai. Đặc biệt, đã xóa bỏ hầu hết điểm xung yếu gây mất an toàn trên tuyến và rút ngắn 40 phút chạy từ Hà Nội đến Lào Cai (xuống còn 7 giờ/lượt) và hạn chế thấp nhất độ sai lệch giờ cập ga.

Sau khi có sự biến động lớn về năng lực vận tải, báo chí phản ánh nhiều về thái độ phục vụ đã buộc ngành đường sắt có những thay đổi, trong đó có yêu cầu về đổi mới cung cách phục vụ khách hàng. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Học Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt tại Lào Cai, thuộc Tổng công ty Vận tải Đường sắt cho biết: Những năm gần đây, chúng tôi đề cao việc thay đổi cung cách, thái độ phục vụ theo các tiêu chí của Bộ Giao thông vận tải là “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ). Nhờ đó, đã cải thiện góc nhìn của hành khách với nhân viên đường sắt theo hướng thân thiện hơn.

Ông Hải cho biết thêm, hiện chi nhánh có 103 cán bộ, công nhân viên. Những nỗ lực của đơn vị thời gian qua được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động, như trao vé đến tận tay hành khách trong bán kính 7 km (tính từ Ga Lào Cai) mà không tính thêm phí; tư vấn, hỗ trợ khách hàng đặt vé ô tô, đặt phòng nghỉ, khách sạn, hỗ trợ khách hàng vận chuyển hàng hóa từ ga về kho và ngược lại.

Những đổi mới của ngành đường sắt dù muộn nhưng cũng là tín hiệu tích cực khi ngày càng có thêm nhiều người trở lại sử dụng phương tiện này. Điều đó càng quan trọng hơn với Lào Cai, khi mà hằng năm có từ 400.000 - 600.000 du khách là người nước ngoài tới tham quan, nghỉ dưỡng và có tới hơn 90% hành khách luôn ưu tiên lựa chọn đường sắt trong các hành trình.    

hoavt

Nguồn: Báo Lào Cai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)