Cảng Hải Phòng chuyển mình để hội nhập

Thứ hai, 11/09/2017 14:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước và TP Hải Phòng – nơi gắn liền với tên tuổi của cảng biển lớn nhất khu vực phía bắc, Cảng Hải Phòng cũng đang chuyển mình phù hợp với xu thế phát triển hiện đại hóa, vươn ra biển lớn.

Cảng Hải Phòng ngày nay

Cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Bến cảng Hoàng Diệu – cảng chính Hải Phòng, được người Pháp xây dựng từ năm 1874, nằm trong nội đô thành phố hiện nay. Đây là cảng chính, quan trọng và lớn nhất trong hệ thống cảng biển phía bắc cho đến cuối thế kỷ 20. Bến cảng có chiều dài 1,7 km, gồm 11 cầu tàu, tổng diện tích hơn 31 nghìn m2 kho hàng và 163 nghìn m2 bãi chứa hàng, đồng bộ với hệ thống trang thiết bị xếp dỡ và các hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ.

Những năm gần đây, do xu thế phát triển chung, các cảng mới được đầu tư xây dựng đều tiến ra cửa sông Cấm (phía giáp biển). Cảng Hoàng Diệu trở nên cũ kỹ với các trang thiết bị lạc hậu, lại nằm sâu trong nội địa, cho nên đang dần mất đi vị trí độc tôn. Hiện, cảng chỉ tiếp nhận các tàu loại nhỏ vào làm hàng do luồng nông đầy và chủ yếu là các loại hàng rời như: lưu huỳnh, apatit, quặng, thức ăn chăn nuôi, phân bón và các máy móc, thiết bị lớn… Đây cũng chính là các loại hàng có giá trị xếp dỡ thấp và thu nhập của người lao động tại cảng này cũng ở mức thấp.

Trong những năm qua, hệ thống giao thông phục vụ vận tải hàng hóa lớn từ cảng biển đều phát triển hướng về phía khu vực Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đình Vũ để kết nối với quốc lộ 5 mới và đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đồng thời, TP Hải Phòng phát triển quy hoạch đô thị mới, hiện đại về phía bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên) với việc khởi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ trên một phần diện tích của cảng Hoàng Diệu từ đầu năm 2017, và sắp tới cầu Nguyễn Trãi qua sông Cấm cũng sẽ được khởi công xây dựng. Như vậy, cảng Hoàng Diệu nằm kẹt giữa hai cây cầu có tĩnh không khoảng 25m sẽ là trở ngại lớn cho tàu bè ra vào làm hàng tại cảng.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh cho hay, từ tháng 3/2017, Cảng Hải Phòng đã không bố trí tàu vào làm hàng tại cầu 9, 10, 11 thuộc cảng Hoàng Diệu để phục vụ thi công cầu Hoàng Văn Thụ. Sắp tới, các cầu số 1, 2, 3 cũng sẽ phải dừng khai thác để phục vụ thi công cầu Nguyễn Trãi. Nhìn chung, hoạt động của cảng Hoàng Diệu hiện nay không còn phù hợp về tiện ích giao thông, an toàn và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Có thể coi sứ mệnh lịch sử của bến cảng hơn 100 năm tuổi này đã hoàn thành để bước sang giai đoạn phát triển mới, hiện đại và bền vững.

Sẵn sàng vươn ra biển lớn

Trước thực trạng đó, giữa tháng 3/2017, Bộ GTVT và Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất chủ trương di dời bến cảng Hoàng Diệu. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng hoàn chỉnh đề án di dời bến cảng Hoàng Diệu để trình Thủ tướng Chính phủ. Phương án lựa chọn để di dời cảng Hoàng Diệu sẽ là triển khai xây dựng bến container và cảng tổng hợp tại bến số 3 và số 4 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về mặt nguyên tắc trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng ngày 26/6 vừa qua. Đồng thời, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp UBND thành phố Hải Phòng khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Phùng Xuân Hà, việc dừng hoạt động nhiều bến trong cảng Hoàng Diệu sẽ khiến sản lượng bốc xếp sụt giảm nghiêm trọng. Kéo theo đó là hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như việc làm và đời sống của gần hai nghìn công nhân lao động tại đây bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Cảng Hải Phòng xác định việc di dời là cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung. Việc di dời cảng Hoàng Diệu ra Lạch Huyện không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển chung của TP Hải Phòng, mà còn là cơ sở để doanh nghiệp cảng phát triển mạnh mẽ, hiện đại và bền vững.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố hoan nghênh tinh thần vì sự phát triển chung của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Đồng thời khẳng định, lãnh đạo thành phố đã và đang phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư Dự án đầu tư bến cảng số 3 và số 4 của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng tại cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm khởi công dự án.

Dự kiến, để di dời cảng Hoàng Diệu, giai đoạn từ nay đến năm 2019, hàng hóa sẽ được dồn dịch về bốc dỡ tại tám cầu còn lại tại bến Hoàng Diệu và một phần về bến cảng Chùa Vẽ. Giai đoạn 2019 – 2021, toàn bộ hàng rời (hàng hóa ngoài công-ten-nơ) sẽ chuyển về bến Chùa Vẽ và các cảng khác trên sông Cấm; hàng container sẽ được chuyển về các cảng tại khu vực Đình Vũ và các bến xây dựng mới tại cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện.

Tuy nhiên, trước thực trạng sụt giảm sản lượng hàng hóa bốc xếp, giảm doanh thu, giảm lợi nhuận và ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của đông đảo cán bộ, công nhân, lao động, thì việc triển khai xây dựng hai bến cảng tại vị trí mới để cảng trở lại nhịp độ hoạt động bình thường càng trở nên cấp bách.

Dự án đầu tư xây dựng hai bến số 3 và số 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Hiện, Công ty đã huy động được gần 4.000 tỷ đồng và sẵn sàng triển khai dự án khi có quyết định phê duyệt. Một bước phát triển mạnh mẽ, hiện đại của Cảng Hải Phòng – đơn vị gắn bó lâu đời và đã trở thành tên gọi chung của thành phố đang sẵn sàng chờ lệnh bước tiếp trên con đường tiến ra biển lớn.

nhunghv

Nguồn: Vinalines

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)