Phát huy hiệu quả kết nối để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, vai trò và năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án “Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN” vừa được Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì họp bàn sáng nay (17/10).
Phát huy hiệu quả kết nối để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, vai trò và năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án “Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN” vừa được Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì họp bàn sáng nay (17/10).
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, thành viên Nhóm nghiên cứu Đề án (Viện Chiến lược và phát triển GTVT), Việt Nam thuộc nhóm nước đi đầu trong chủ động, tích cực tham gia đầy đủ các thỏa thuận, cam kết ASEAN, Hiệp định Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) về kết nối GTVT; Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành ký kết các Hiệp định khung ASEAN về vận tải hàng hóa. Việc triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã cam kết về mạng đường bộ ASEAN, phát triển cảng biển ASEAN; xây dựng chương trình kết nối vận tải thủy nội địa; các bước đi theo lộ trình để hình thành thị trường vận tải hàng không ASEAN thống nhất, thị trường vận tải biển ASEAN thống nhất.
Cuộc họp về dự thảo Đề án “Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN”
Về nhiệm vụ và giải pháp tăng cường kết nối GTVT trong ASEAN, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết Đề án nêu rõ chủ động, tích cực tham gia đề xuất, xây dựng, thực hiện các kế hoạch, mục tiêu của ASEAN về phát triển và kết nối về GTVT giai đoạn sau 2015; bên cạnh đó, tăng cường phát triển và kết nối hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối thể chế để tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới và phát triển vận tải đa phương thức quốc tế, nâng cao chất lượng vận tải, tăng cường huy động các nguồn lực để kết nối; đồng thời đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Về giải pháp tăng cường phát triển và kết nối hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực đường bộ, sẽ tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo và kết nối các tuyến quốc lộ, các tuyến đường bộ cao tốc theo chiến lược và quy hoạch chuyên ngành. Đến năm 2016, các tuyến AH1, AH14 cơ bản đạt cấp I trở lên theo tiêu chuẩn đường bộ ASEAN; các tuyến AH13, AH15, AH16, AH17, AH131, AH132 và các tuyến còn lại thuộc các hành lang hợp tác Tiểu vùng GMS Na Mèo - Sầm Nưa - Thanh Hóa, Hà Tiên - Cà Mau - Năm Căn, Pleiku - Quy Nhơn cơ bản đạt tiêu chuẩn cấp II vào năm 2020. Đồng thời, xây dựng chương trình kết nối tổng thể hệ thống GTVT giữa Việt Nam với các nước Lào - Campuchia và Trung Quốc.
Đến năm 2016, các tuyến AH1, AH14 cơ bản đạt cấp I trở lên theo tiêu chuẩn đường bộ ASEAN
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự cố gắng của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Vụ Hợp tác quốc tế và các cơ quan liên quan trong thời gian vừa qua, nhìn chung dự thảo Đề án đã có nhiều thu thập, đánh giá, phân tích, làm cơ sở để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tham gia tích cực hơn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành Dự án theo chương trình chung của Bộ trình Chính phủ trong năm 2014.
Thứ trưởng yêu cầu Viện Chiến lược và phát triển GTVT, các đơn vị liên quan cần thu thập nhiều thông tin, số liệu hơn nữa của các ngành, lĩnh vực vào nội dung Đề án; tập hợp thông tin của các quốc gia khác trong khu vực ASEAN liên quan đến GTVT mà có ảnh hưởng đến tính kết nối với Việt Nam; mục tiêu chung xây dựng kết nối về GTVT khu vực ASEAN nên nội dung Đề án phải tăng cường tính kết nối, bám sát chiến lược, quy hoạch, kết cấu hạ tầng giao thông để thực hiện.
Thứ trưởng yêu cầu Viện Chiến lược và phát triển GTVT tổng hợp các ý kiến góp ý tại cuộc họp, cũng như bằng văn bản, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào Đề án trước 30/10, để Bộ tổ chức cuộc họp sau đó gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước ngày 15/11/2014.
Xuân Nguyên