Chiều nay (2/4), Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với Cục HKVN, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) và các hãng hàng không về việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật HKVN sửa đổi, việc hạn chế hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất và Pleiku để phục vụ thi công dự án; Đề án chuyển nhượng đối với Cảng hàng không Phú Quốc và T1, Sảnh E – Cảng hàng không Nội Bài; Dự án BOT xây dựng hạng mục nhà để xe ô tô T2 sân bay Nội Bài…
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi họp chỉ đạo nhiều vấn đề "nóng" đối với ngành Hàng không
Tại buổi làm việc, về việc xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hàng không VN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, sắp có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 tới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, thị trường hàng không Việt Nam rất có tiềm năng, được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO đánh giá là 1 trong 3 nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới. Do đó, phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế kinh doanh có hiệu quả.
Việc xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hàng không sửa đổi chính là cơ hội để chúng ta thay đổi thể chế chính sách theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013, đúng tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công.
Qua đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan của Bộ khi xây dựng Dự thảo phải thể hiện được tinh thần Hiến pháp 2013, sự quyết liệt trong công tác cải cách hành chính của Ngành GTVT cũng như thể hiện sự đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng như mục tiêu hành động của Ngành GTVT vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Đối với việc xã hội hoá đầu tư nhà ga, cảng hàng không (CHK) Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh Nghị quyết số 13-NQ/TW đã xác định phải “thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thoả đáng của nhà đầu tư; mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm…; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng....
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc nhượng quyền khai thác phải đúng
theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và các Luật, Nghị định hiện hành
“Theo tính toán trong giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng 1.015 nghìn tỷ đồng, trong khi khả năng ngân sách và các nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 30%. Do vậy, việc thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư, kêu gọi đầu tư tư nhân là giải pháp cần thiết và cấp bách hiện nay” – Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Việc nhượng quyền khai thác phải đúng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và các Luật, Nghị định hiện hành, tuyệt đối không chuyển giao vai trò QLNN cho tư nhân.Theo hình thức này, Nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực mà không cần nắm giữ; đồng thời trong trường hợp khi cần thiết Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng và theo đúng quy định tại Luật Trưng mua trưng dụng tài sản.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, hạ tầng hàng không luôn gắn chặt với an ninh quốc phòng nên việc tính toán kêu gọi dự án nào sẽ chuyển nhượng quyền khai thác phải được thống nhất với Bộ Quốc phòng và trình Chính phủ. Những hạng mục kết cấu hạ tầng kết hợp quân sự, dân dụng, có vai trò ANQP hoặc nằm trong thế trận phòng thủ ANQP thì tuyệt đối không chuyển nhượng. Bộ trưởng cũng lưu ý trước mắt chỉ làm thí điểm, không làm đồng loạt.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực hàng không phải có trách nhiệm tổ chức đảm bảo hoạt động vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức kinh doanh..., thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch, tham gia vào đảm bảo an ninh - quốc phòng khi có yêu cầu của Nhà nước...
Ngoài năng lực tài chính, Nhà đầu tư phải có năng lực trong vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực thực hiện; việc tổ thức khai thác vận hành phải đảm bảo tất cả các hãng hàng không được tiếp cận và cung cấp dịch vụ một cách công bằng.
“Việc đầu tư hoặc nhượng quyền khai thác được định giá, tính toán phương án tài chính đảm bảo đúng các quy định hiện hành; việc lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Về nội dung liên quan đến dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường lăn, sân đỗ tàu bay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không VN chủ trì cùng TCT Cảng hàng không VN (ACV), TCT Quản lý bay VN, các hãng hàng không… tính toán cụ thể sao cho việc sửa chữa, nâng cấp không ảnh hưởng đến việc khai thác của các hãng hàng không đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối an toàn khai thác, an toàn thi công, đảm bảo an ninh trật tự, phải cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng khai thác, gây chậm chuyến. Các hãng hàng không cũng phải phối hợp chặt chẽ với ACV, Quản lý bay điều chỉnh lịch khai thác cho phù hợp để đưa đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ đạo Cục Hàng không VN làm việc với Bộ Quốc phòng đề nghị giảm tần suất bay quân sự tại Tân Sơn Nhất trong thời gian triển khai dự án. Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu ACV cần triển khai dự án từ 10/4, tính toán xem đóng một đường từ 10/5 đồng thời kết thúc việc sửa chữa vào 30/6. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT kiểm tra lại tiến độ, biện pháp tổ chức thi công. TCT Quản lý bay phải bố trí đủ người vận hành, đảm bảo năng lực khai thác...
P.V