Sáng 23/6, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện và Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) Nguyễn Hữu Dánh.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 171 và 107 của Chính phủ, ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, công tác chuẩn bị cũng như triển khai thực hiện khá kỹ lưỡng, các lực lượng chức năng được tập huấn, quán triệt nắm vững đầy đủ các nội dung của Nghị định. Cùng với việc triển khai sâu, rộng công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính được các lực lượng tăng cường thực hiện.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các lực lượng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm. Việc quy định lộ trình thực hiện xử phạt; giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt và ban hành kịp thời các quy định tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm thủ tục đăng ký sang tên chủ xe trong giấy đăng ký xe đã được người dân đồng tình ùng hộ, tích cực thực hiện. Việc quy định chế tài xử phạt rõ ràng, nghiêm minh đối với từng nhóm hành vi vi phạm, đặc biệt với chủ phương tiện là doanh nghiệp.
Về công tác xử lý vi phạm, ông Hoàng Thế Tùng cho biết cùng với việc tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định.
Trong hai năm, lực lượng Thanh tra giao thông đã tổ chức 14.250 cuộc thanh tra; 169.366 cuộc kiểm tra, phát hiện 246.144 vụ vi phạm; xử phạt 236.601 vụ với hơn 500 tỷ đồng, tạm giữ 1.900 ô tô. Trong đó, đã phát hiện, xử lý, cưỡng chế 5.505 xe vi phạm về kích thước thành thùng hàng, ngoài ra có 4.020 xe đã được các chủ phương tiện tự giác chấp hành, khắc phục vi phạm.
Tuy nhiên, ông Hoàng Thế Tùng cũng nêu lên những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 171 và 107 của Chính phủ; đồng thời kiến nghị, đề xuất sửa đổi Nghị định theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số hành vi nguy hiểm, chưa đảm bảo đủ sức răn đe; bổ sung một số hành vi; rà soát, chỉnh sửa, mô tả, làm rõ một số hành vi, quy định để tránh hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật xử lý vi phạm hành chính trong đó nâng thẩm quyền xử phạt tiền của giám đốc công an cấp tỉnh lên mức tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ; sửa đổi, bổ sung một số văn bản QPPL có liên quan quy định về nội dung là cơ sở xác định hành vi vi phạm (Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT…); đồng thời sửa đổi Thông tư quy định về trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu của Thanh tra giao thông, công chức thanh tra chuyên ngành và xây dựng quy định, quy trình xử lý vi phạm hành chính từ dữ liệu của thiết bị GSHT.
Tại Hội nghị, đã có gần 10 ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận trực tiếp
Tại Hội nghị, đại diện các Sở GTVT, Ban ATGT các địa phương đã phát biểu trao đổi, thảo luận trực tiếp và bằng văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ. Cụ thể, đối với quy định tại Điều 24 của Nghị định “Xử phạt người điều kiển xe ô tô tải, máy kéo và cá loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ”, Sở GTVT Quảng Ngãi đề xuất quy định mức tiền xử phạt đối với hành vi chở hàng vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông theo khối lượng (tấn) hàng quá tải (xử phạt lái xe 500.000 đồng/1 tấn hàng vượt tải, chủ xe 1.000.000 đồng/1 tấn hàng vượt tải).
Với quy định trên, Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề nghị cấp có thầm quyền nghiên cứu bổ sung thêm điều, khoản quy định chế tài riêng và nhẹ hơn đối với các loại xe ô tô chở hàng vượt trọng tải được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe có tải trọng dưới 2,5 tấn thay vì chỉ quy định 2 loại trọng tải dưới 5 tấn và từ 5 tấn trở lên. Vì Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, loại xe ô tô tải dưới 2,5 tấn vận chuyển hàng hóa ít gây nguy hại đến KCHTGT đường bộ và ATGT; mặt khác loại xe ô tô tải nhỏ này đa số vừa mới được Nhà nước vận động chuyển đổi ngành nghề từ xe công nông, cơ giới 3 bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh… nếu áp dụng xử phạt vi phạm như đối với loại xe từ 2,5 - dưới 5 tấn theo Điều 24 thì chưa được sự đồng thuận cao của xã hội.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng,Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đề nghị cần đánh giá việc ban hành các quy định pháp luật, bởi hiện chủ yếu là các văn bản của các bộ, ngành, những tồn tại, hạn chế chưa nêu nhiều; bên cạnh đó, muốn sửa đổi, bổ sung Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cần tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định tại các địa phương và triển khai quyệt liệt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Trong hai năm qua, lực lượng Thanh tra giao thông đã tổ chức hơn 14.000 cuộc
thanh tra, trong đó xử lý hơn 5.500 xe vi phạm về kích thước thành thùng hàng
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Trưởng ban soạn thảo Nghị định mới cho biết, thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 (Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/4/2015 của Chính phủ), trong đó giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương và các bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định, trong đó Bộ GTVT đã ban hành 3 thông tư về quy trình, biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; sửa đổi, bổ sung 15 thông tư là văn bản nội dung liên quan trực tiếp đến các hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định; tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến Nghị định…
Thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo Nghị định và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận trực tiếp tại Hội nghị và bằng văn bản của các Sở GTVT, Ban ATGT các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung vào Nghị định để sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ.
Thứ trưởng lưu ý việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Nghị định mới phải trên tinh thần nghiêm túc, khắc phục được những tồn tại khó khăn, vướng mắc; phải mang tính chất ổn định lâu dài về tính pháp lý làm sao 2 - 3 năm mà không phải sửa đổi; đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản QPPL liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Xuân Nguyên