Chiều 4/8, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt.
Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, GS.TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT; Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay đã có 3 chiến lược và 6 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, cụ thể Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT ĐSVN đến năm 2020, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT ĐSVN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt
Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành GTVT đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trên mạng ĐSVN; Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội; Quy hoạch chi tiết đường sắt khu đầu mối TP. HCM; Quy hoạch chi tiết đường sắt TP. HCM - Cần Thơ và Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Về kế hoạch thực hiện, đến năm 2020 các dự án đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ ưu tiên nâng cấp 132 cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam để nâng tải trọng toàn tuyến đồng nhất là T14; làm thêm đường kết hợp kéo dài đường số 3 cho 7 ga trên tuyến để nâng cao năng lực thông qua và tận dụng tối đa sức kéo, KCHT hiện có. Nghiên cứu, triển khai đầu tư các công trình có tính kết nối đường sắt với các cảng lớn trên các hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây; các dự án đảm bảo ATGT.
Đến năm 2020 ưu tiên cải tạo cục bộ bình diện các đường cong bán kính nhỏ ảnh hưởng đến dải tốc độ trên các khu đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM để nâng cấp các khu đoạn này đạt cấp I; cải tạo cục bộ các vị trí bị hạn chế tốc độ phù hợp phát triển địa phương: Khu kinh tế Nghi Sơn, khu vực Bắc ga Thanh Hóa, khu vực ga Đà Nẵng, ga Nha Trang.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các phương án khả thi xây dựng mới: hầm đường sắt qua đèo Khe Nét, Hải Vân; đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; đường sắt thuộc chương trình hợp tác Hai hành lang - Một vành đai kinh tế Việt - Trung; đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; đường sắt ra cảng Hải Phòng; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh.
Sau năm 2020, ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng hầm đường sắt qua đèo Khe Nét, Hải Vân; triển khai đầu tư xây dựng các dự án đã được nghiên cứu. Tập trung xây dựng đường sắt tốc độ đoạn TPHCM - Nha Trang (trước mắt thí điểm đoạn TP. HCM - Long Thành dài khoảng 60km trước khi thi công mở rộng); triển khai đầu tư xây dựng đường sắt thuộc Chương trình hợp tác Hai hành lang - Một vành đai kinh tế Việt - Trung phù hợp nguồn vốn huy động; đồng thời tiếp tục nghiên cứu và đầu tư xây dựng các dự án còn lại phù hợp với nguồn vốn huy động.
Từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung hiện hóa đường sắt Bắc - Nam
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thời gian qua Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt, trong đó có đưa ra lộ trình, kế hoạch ưu tiên tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các phương án khả thi, cụ thể là ưu tiên nâng cấp các cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, các công trình có tính kết nối đường sắt với các cảng lớn trên các hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây.
Về kế hoạch thực hiện đến năm 2020, Thứ trưởng cho biết, ưu tiên nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đăc biệt ưu tiên triển khai trước đoạn TP. HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh. Bộ GTVT đã giao các đơn vị nghiên cứu triển khai về lưu lượng, dự báo vận tải để đầu tư cũng như phân kỳ đầu tư phù hợp; bên cạnh đó tổ chức các hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, người dân, dự kiến cuối năm 2018 sẽ trình Quốc hội thông qua.
Thứ trưởng cũng nêu lên những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, kỹ thuật, nhân lực…. Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên, hiện Bộ đang chỉ đạo Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ, nhưng Ga Hà Nội sẽ đầu tư theo hướng xã hội hóa, có hỗ trợ về hạ tầng nhằm giảm ngân sách nhà nước, đối với các ga khác cũng đầu tư theo hướng xã hội hóa. Đối với việc triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao, tư vấn trong nước tiếp cận hạn chế, phải mời chuyên gia nước ngoài (Pháp, Nhật, Đức…) để thuận lợi trong quá trình báo cáo cấp thẩm quyền, trình Chính phủ, Quốc hội.
Nhấn mạnh đường sắt là xương sống vận tải quốc gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực xây dựng tổng thể chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt, trong đó hiện đại hóa đường sắt hiện có, cần triển khai thực hiện trước những đoạn tuyến vốn đầu tư ít, dễ làm, đoạn đường ngắn và theo từng giai đoạn cụ thể.
Bộ trưởng yêu cầu việc triển khai thực hiện phải cụ thể, chi tiết, phải gắn với công nghiệp đường sắt, hợp tác quốc tế, an toàn đường sắt, xã hội hóa. Từ nay đến năm 2020, tập trung hiện hóa đường sắt Bắc - Nam, nghiên cứu, triển khai đầu tư các công trình có tính kết nối đường sắt với các cảng biển, tàu hàng, đô thị…
Đối với xây dựng đường sắt mới (đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam), Bộ trưởng chỉ đạo từ nay đến năm 2020 phối hợp tổ chức quốc tế (JICA) hỗ trợ triển khai thực hiện, từ sau năm 2020 triển khai đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao, đến năm 2040 hoàn thành toàn bộ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sau năm 2050 đầu tư nâng cấp thành đường sắt cao tốc.
X. Nguyên