Đề xuất triển khai QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên quy mô cao tốc theo hình thức BOT

Thứ hai, 21/09/2015 11:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay (21/9), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi họp nghe đề xuất của Ban Quản lý dự án 2 và nhà đầu tư quan tâm đến Dự án báo cáo tình hình thực hiện Dự án đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).


Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các Dự án giao thông
luôn phải công khai, minh bạch về tài chính, đặc biệt là các dự án BOT

Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA2 Lưu Việt Khoa báo cáo tình hình thực hiện Dự án đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên theo hình thức Hợp đồng BOT.

Ông Khoa cho biết: Dự án xây dựng QL3 mới được phê duyệt đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đến hiện tại, nhiều hạng mục chưa hoàn chỉnh do thiếu nguồn vốn. Bên cạnh đó cũng cần có nguồn vốn để giải quyết nợ đọng XDCB cho các nhà thầu thi công QL3 mới. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư Dự án theo hình thức PPP để huy động các nguồn vốn đảm bảo hoàn thiện và khai thức dự án có hiệu quả là rất cần thiết.

Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cho biết, ngày 24/8/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng có Văn bản số 1501/Ttg-KTN đồng ý về việc thực hiện dự án đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Dự án này do Ban QLDA2 là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Nhà đầu tư quan tâm là Liên danh CTCP Việt Xuân Mới, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh và IMICO; đơn vị tư vấn lập đề xuất là TEDI.

Dự án có điểm đầu là Ninh Hiệp (nút giao với QL1A mới với phía Bắc cầu Phù Đổng- huyện Gia Lâm, Hà Nội); điểm cuối nối với điểm đầu của tuyến tránh Thái Nguyên (phường Tân Lập-Thái Nguyên). Dự án có tổng chiều dài khoảng 61,3km; cấp đường cao tốc loại A theo tiêu chuẩn TCVN5729-1997 với tốc độ thiết kế tăng từ 80-100km/h lên 100-120km/h với 06 trạm thu phí (kín). Hạng mục đầu tư gồm: bê tông nhựa tạo nhám mặt đường; Trạm dừng nghỉ và Nhà điều hành; Hệ thống thu phí; Hệ thống giao thông thông minh; đường ngang và đường gom…

“Hiện TEDI đang triển khai lập và dự kiến tháng 10/2015 sẽ xong F/S, đã khảo sát xong mặt đường, xác định các vị trí đặt trạm thu phí, dự kiến có khoảng 6 điểm dừng khẩn cấp”, ông Lưu Việt Khoa cho biết.

Sau khi nghe báo cáo của Ban QLDA2 và đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, đơn vị tư vấn phát biểu các ý kiến xung quanh Đề xuất dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Ban PPP và Ban QLDA2 nghiên cứu các điều kiện đối với JICA.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tính toán cụ thể, hợp lý, công khai về quy mô dự án đảm bảo hoàn thiện cọc tiêu biển báo tương ứng với tốc độ mới; hoàn thiện trạm dừng nghỉ 2 phía; đường gom; nâng cấp mặt đường tạo nhám; Hệ thống giao thông thông minh (ITS)… “Đặc biệt lưu ý khu vực Nhà máy Sam Sung, phải nghiên cứu để hoàn thiện nút đó để có thể khai thác lâu dài mà không làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, tạo thành kết cấu hoàn chỉnh, không ảnh hưởng đến đường vào ra của đường cao tốc, đảm bảo ATGT cho công nhân khu vực nói chung và người tham gia giao thông”, Thứ trưởng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tính toán tổng mức đầu tư, thiết kế và các vấn đề liên quan đến vốn phải công khai, minh bạch và chính xác bởi đây là Dự án đầu tư theo hình thức BOT, phải đảm bảo đồng tiền của doanh nghiệp, của người dân được tiêu đúng lúc, đúng chỗ. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đồng thời yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến đọ để có thể khởi công dự án vào cuối tháng 12/2015.

H.L

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)