Tại trụ sở Bộ GTVT, chiều nay (21/9), Thứ trưởng Lê ĐìnhThọ đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về việc xây dựng Đề án tách chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công lĩnh vực đăng kiểm. Thứ trưởng yêu cầu, chậm nhất đến 25/9, Cục ĐKVN và các đơn vị liên quan phải hoàn thành Đề án này.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) Trần Kỳ Hình cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cải cách hành chính trong giai đoạn sắp tới, việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để chuyển giao một số dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm cho các tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện nhằm mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng Đề án tách chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công là rất cần thiết.
Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐKVN chuyển đổi mô hình phải phù hợp
với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu chung của xã hội
Tại cuộc họp, ông Trần Kỳ Hình cũng cho biết việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công lĩnh vực đăng kiểm tập trung chủ yếu ở 4 lĩnh vực: giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành; đăng kiểm phương tiện thủy và công trình dầu khí biển; phương tiện cơ giới đường bộ, đường sắt trong sản xuất, lắp ráp mới tại Việt Nam và nhập khẩu; phương tiện giao thông đường sắt đang lưu hành. Trong đó, mạng lưới các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đang lưu hành trên cả nước có 99 Trung tâm với 257 dây chuyền kiểm định; Lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy và công trình dầu khí biển quản lý gần 444.000 phương tiện phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ, TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Cục ĐKVN có 24 Chi cục Đăng kiểm với 267 đăng kiểm viên thực hiện đăng kiểm 24.000 phương tiện, 31 đơn vị Đăng kiểm thủy trực thuộc các Sở GTVT với 80 đăng kiểm viên thực hiện đăng kiểm khoảng 420.000 phương tiện. Công tác đăng ký, đăng kiểm hiện nay còn nhiều phức tạp, khó thanh tra, kiểm soát, ý thức chấp hành luật của chủ phương tiện và người tham gia giao thông chưa cao, nguồn thu từ hoạt động đăng kiểm không đủ chi phí, nên nhiều Sở GTVT đã bàn giao công tác đăng kiểm về Cục ĐKVN thực hiện.
Bên cạnh đó, lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt đang lưu hành có tổng số phương tiện đường sắt quốc gia của Việt Nam hiện đang sử dụng là 289 đầu máy, 5077 toa xe hàng và 1045 toa xe khách; trong đó số phương tiện đã sử dụng trên 30 năm với công nghệ chế tạo lạc hậu chiếm tỷ lệ rất cao.
"Việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và việc cung cấp dịch vụ hành chính công của Cục phải gắn với tình hình chung các địa phương, các địa phương có điều kiện thì xã hội hóa trước và có lộ trình dài cho địa phương chưa có điều kiện. Cục đóng vai trò là lực lượng lòng cốt, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị đăng kiểm khác khi cần và thực hiện tách bạch, xã hội hóa từng bước trên cơ sở luật pháp và hoạt động đăng kiểm tại các địa phương đã ổn định” - ông Trần Kỳ Hình nêu quan điểm.
Về việc xây dựng Đề án tách chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công của Cục ĐKVN, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục ĐKVN trên cơ sở thực tế hiện nay phải đưa ra quan điểm rõ ràng, mô hình thực tế để tập trung hoàn chỉnh đề án. Chậm nhất 25/9 phải hoàn thành và trình Bộ.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục ĐKVN rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh lại bố cục, nội dung, căn cứ pháp lý xây dựng Đề án; Nêu rõ thực trạng, đánh giá mô hình hoạt động, phương án tách bạch; Đưa ra giải pháp về các nội dung như: hành lang pháp lý, nguồn nhân lực, cơ chế tài chính… đảm bảo Đề án phải đầy đủ về sự cần thiết, thực trạng, mô hình chuyển đổi, giải pháp và tổ chức thực hiện.
Tr. B