Tiếp tục hoàn thiện phương án cho thuê tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và kế hoạch di dời ga đường sắt Đà Nẵng

Thứ hai, 16/11/2015 17:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 16/11, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tinh hình thực hiện quy hoạch di dời ga đường sắt Đà Nẵng và phương án, kế hoạch cho thuê đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp
 
Báo cáo của Ban QLDA Đường sắt cho biết, hiện tại vị trí ga Đà Nẵng nằm tại trung tâm thành phố, nơi tập trung dân cư đông đúc, làm ảnh hưởng đến quy hoạch của Thành phố, đồng thời các đường ngang giao cắt bằng giữa đường sắt với nhiều đường đô thị đang có nhu cầu mở rộng đã gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị của thành phố. Ngoài ra, tác nghiệp đảo đầu máy (đoàn tàu HN-TP. HCM) kéo dài thời gian tác nghiệp của đoàn tàu. Bên cạnh đó nhà ga không có khả năng mở rộng khi nhu cầu vận chuyển hành khách và hành khách tăng. Trên cơ sở Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng và quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam, đơn vị tư vấn dự án đã đề xuất vị trí và hướng tuyến nhà ga mới. Theo đó, hướng tuyến của Quy hoạch GTVT Đà Nẵng cũng như vị trí xây dựng ga mới phù hợp với hướng tuyến của phương án quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam. Tuy nhiên để di dời ga đường sắt Đà Nẵng, theo đề xuất của đơn vị tư vấn cần xây dựng mới 18,187km, đại tu 6,9km đường sắt, xây mới hai nhà ga hành khách và hàng hóa, cải tạo lại ga Lệ Trạch, đầu tư xây dựng 1 cầu đường sắt vượt đường bộ, 4 cầu đường bộ vượt đường sắt, 550m đường bộ vào ga mới và hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.
 
Đối với dự án phương án cho thuê đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, phương án của Cục được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, Nhà đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng, quản lý khai thác vận hành và bảo tri tuyến đường. Giai đoạn 2, trên cơ sở đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát hiện có đề xuất các giải pháp đầu tư đồng bộ kết hợp giữa vận tải đường sắt cùng phát triển du lịch và các dịch vụ tiện ích dọc hành lang tuyến nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, đầu tư cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng cho toàn đoạn tuyến Đà Lạt - Trại Mát đảm bảo khai thác chạy tầu phục vụ hành khách du lịch, khách đi lại dọc tuyến theo năng lực tính toán; Cải tạo nâng cấp Ga Đà Lạt, tính toán đàm bảo dự kiến khu vực đất cần thiết để phục vụ chạy tầu đáp ứng cho cả tương lai lâu dài khi khôi phục toàn tuyến đường sắt Tháp Chàm — Đà Lạt; Đầu tư cải tạo nâng cấp Ga Trại Mát đảm bảo đủ năng lực đón tiễn các đôi tầu khai thác hàng ngày; Lựa chọn một số điểm dọc tuyến có khu vực cảnh quan đẹp hoặc gần các điểm du lịch sẵn có xây dựng 1 đến 2 trạm hành khách với 2 đường ga vừa để phục vụ tránh tàu vừa là điểm dành cho khách dừng chân tham quan và chụp ảnh lưu niệm theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đầu tư cải tạo sơn sửa chỉnh trang đồng bộ cả đầu máy lẫn toa xe từ ngoại thất đến nội thất và có điểm nhấn tạo cảm giác thân thiện với môi trường, đầy đủ các dịch vụ cũng như tiện nghi về nội thất bên trong các toa xe.
 
Sau khi nghe ý kiến đại diện Tổng cục Đường sắt Việt Nam, các Vụ tham mưu và ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện phương án theo hướng xã hội hóa, hướng tới thị trường theo đúng quy định của pháp luật. Đối với kế hoạch di dời ga Đà Nẵng, Thứ trưởng yêu cầu Ban QLDA Đường sắt tiếp tục rà soát cập nhật số liệu, xây dựng thêm các phương án đầu tư khác nhau theo hướng giá trị đầu tư là thấp nhất, đảm bảo yêu cầu chạy tàu và có thể huy động được nguồn vốn xã hội hóa. Ban cũng phải tiếp tục làm việc với Thành phố về vấn đề quy hoạch và giá trị đầu tư của dự án.
 
Đối với phương án cho thuê tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, Thứ trưởng yêu cầu phương án phải xác định rõ các kết cấu hạ tầng được đưa vào kinh doanh, từ đó tính toán, xây dựng các phương án tài chính theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phương án cũng phải đưa ra được các điều kiện khai thác hạ tầng đối với nhà đầu tư, phương thức cho thuê, yêu cầu về công tác duy tu, đảm bảo an toàn chạy tàu, sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước...Ngoài ra, phương án cần có sự thỏa thuận rõ với địa phương về vấn đề quy hoạch, khai thác tuyến đường. Thứ trưởng cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam và Ban PPP xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cũng như xác định rõ cấp thẩm quyền được thực hiện việc cho thuê này. 
DT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)