Đúng 8 giờ sáng nay (21/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội).
Đại hội có chủ đề "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”
1.510 đại biểu chính thức thay mặt hơn 4,5 triệu đảng viên,
tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, đã về dự Đại hội.
Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Tới dự phiên khai mạc trọng thể này có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI trở về trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ.
Tới dự khai mạc Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các vị Đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành Đại hội.
Trong phiên làm việc sáng nay (21/1), đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước trình bày diễn văn khai mạc Đại hội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Đại hội XII có ý nghĩa định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đại hội XII là Đại hội của đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường, quyết tâm tiến bước của dân tộc vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tiếp đó, Đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp, nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đại hội. Thay mặt đoàn đại biểu Thủ đô, đồng chí Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội bày tỏ lòng tin sắt son của các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội vào sự lãnh đạo của Đảng; tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Tại phiên Khai mạc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Tổng Bí thư khẳng định, các văn kiện đã được chuẩn bị chu đáo, được hàng triệu ý kiến tâm huyết góp ý; là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
Tổng Bí thư khái quát các nội dung quan trọng, cốt lõi nêu trong các văn kiện. Theo đó, nội dung các văn kiện khẳng định những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được, những bài học kinh nghiêm, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới.
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về tình hình trong nước và quốc tế, đánh giá toàn diện về các mặt thuận lợi và khó khăn, các văn kiện đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ lớn để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể, các văn kiện đã đề xuất mục tiêu tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020; đề xuất phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong các lĩnh vực: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...
SÁU NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.
Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Theo chương trình làm việc của phiên khai mạc, sau khi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, đồng chí thay mặt Đoàn Thư ký đọc danh sách các chính đảng, tổ chức quốc tế có thư, điện chúc mừng Đại hội.
Đồng chí thay mặt Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội cảm ơn các chính đảng, tổ chức quốc tế gửi thư, điện chúc mừng Đại hội.
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI.
Được biết, Tham dự Đại hội Đảng XII có 1.510 đại biểu từ 68 Đảng bộ, đại diện tiêu biểu cho trí tuệ, sự thống nhất ý chí và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, của hơn 4,5 triệu đảng viên. Trong đó đại biểu đương nhiên có 197 đồng chí là Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết khóa XI, 1300 đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương; 13 đại biểu chỉ định.
Trước đó, trong phiên trù bị ngày 20/1, Đại hội đã biểu quyết tán thành, nhất trí cao thông qua Quy chế làm việc, Chương trình làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 16 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Đại hội bầu Đoàn Thư ký gồm 5 đồng chí và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội gồm 13 đồng chí.
Đại hội đã biểu quyết tán thành, nhất trí cao thông qua Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng do Ban Thẩm tra tư cách đại biểu trình.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới.
Chủ đề của Đại hội là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Đại hội lần này sẽ thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, dự kiến 200 người, gồm 180 Ủy viên Trung ương và 20 Ủy viên dự khuyết.
Trong 1.510 đại biểu dự Đại hội có 194 đại biểu nữ; 174 đại biểu là người dân tộc thiểu số.
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có 55 đại biểu là giáo sư, phó giáo sư, viện sĩ; 241 đại biểu có trình độ tiến sĩ; 511 đại biểu có trình độ thạc sĩ; 757 đại biểu có trình độ đại học.
Về độ tuổi, đại biểu từ 30 tuổi trở xuống có 2 đồng chí; từ 31-40 tuổi có 65 đồng chí; từ 41-50 tuổi có 384 đồng chí; từ 51-60 tuổi có 992 đồng chí; từ 61-70 tuổi có 64 đồng chí...
Hơn 500 phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về Đại hội.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Dự kiến, sáng mai (22/1/2016), tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ có bài tham luận có chủ đề: “Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh”.
Bài tham luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có đoạn: "5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành và địa phương, KCHTGT đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh như đã được ghi nhận tại Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, khẳng định tính đúng đắn và Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XI dã thực sự đi vào cuộc sống...".
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT sẽ đăng toàn văn bài Tham luận này để giới thiệu tới đông đảo độc giả trong và ngoài Ngành.