Sáng 22/2, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp về giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô.
Tham dự có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính; đại diện các Vụ: Vận tải, Pháp chế, Tài chính; đại diện Sở GTVT các tỉnh phía Bắc, đại diện các Hiệp hội vận tải ô tô, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, các cơ quan thông tấn báo chí…
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc trình bày báo cáo
Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc đã báo cáo về tình hình giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, thời gian qua, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giá cước phù hợp với tình hình thực tế của giá xăng, dầu để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Trong 2 tháng đầu năm 2016, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm sâu: 04 lần với xăng Ron 92 và 03 lần đối với dầu diesel… Trước diễn biến đó, một số đơn vị vận tải bằng ô tô tại một số địa phương đã chủ động kê khai giảm giá cước. Tuy vậy, tại nhiều địa phương còn có doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá hoặc giảm chiếu lệ. Vụ Vận tải kiến nghị Liên Bộ GTVT, Tài chính tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo tất cả các địa phương kiểm tra và báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện về công tác quản lý giá cước vận tải. Tiếp tục phối hợp rà soát văn bản QPPL, bổ sung để tăng cường quản lý giá cước đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo mạnh và quyết liệt trong kiểm tra và xử lý vi phạm về giá vận tải tại địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh phát biểu ý kiến
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh hoan nghênh Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp kịp thời để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội có cơ hội đóng góp ý kiến của mình.Theo ông Nguyễn Văn Thanh, giá cước vận tải là do nhiều yếu tố tạo thành trong đó có giá nhiên liệu. Vì vậy không phải cứ giá nhiên liệu giảm thì phí cước vận tải cũng giảm. Đồng thời, mỗi lần tăng - giảm cước vận tải, doanh nghiệp phải chịu chi phí không nhỏ trong việc điều chỉnh giá. Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô kiến nghị các Bộ, ngành cần rà soát lại các thủ tục hành chính, làm sao để hết sức đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp, giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp vận tải. Nhà nước nhanh chóng có hình mẫu quản lý doanh nghiệp, có chế tài đủ mạnh để xử phạt những doanh nghiệp vi phạm đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cần hạch toán đúng, chịu thuế đủ…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ, giá cước taxi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm từ 300-500 đồng/km sau đợt giảm giá xăng ngày 18/2. Ông khẳng định, giá nhiên liệu tăng - giảm từ 10-12% thì giá cước taxi sẽ được điều chỉnh tăng - giảm từ 2,5-3%. Các hãng taxi tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn nghiêm chỉnh chấp hành, cân đối hài hòa giá cước cho phù hợp với cơ chế thị trường.
Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình kiến nghị các Bộ, ngành thay đổi tư duy quản lý giá cước vận tải, tiếp tục sửa đổi hoàn thiện Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Ông cho biết, các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đang trong tiến hành các khâu giảm giá cước, giảm từ 300-500 đồng/km.
Đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định về giá, có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm cước khi giá nhiên liệu giảm. Nhưng bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp không điều chỉnh. Thời gian tới, Cục sẽ xem xét, sửa đổi Dự thảo Thông tư 152 đồng thời mong muốn Bộ GTVT sớm tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội để sớm ban hành Thông tư phục vụ công tác quản lý có hiệu quả, phù hợp với thị trường. Về việc các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục hành chính còn rườm rà, Cục ghi nhận và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT có những điều chỉnh để quản lý giá cước hiệu quả hơn.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường cho biết thời gian qua, Bộ GTVT thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội vận tải theo định kỳ, với mục tiêu đổi mới quản lý nhằm hướng tới sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, tạo ra tiếng nói chung của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo công tác quản lý vận tải, tạo thị trường vận tải công khai, minh bạch.
Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần cùng với doanh nghiệp làm rõ các vấn đề về giá cước vận tải, cần tìm ra công thức, đưa ra mốc cụ thể khi giá nhiên liệu tăng - giảm thì giá cước vận tải cần tăng - giảm theo và giá cước tăng - giảm bao nhiêu phần trăm thì cần phải kê khai báo cáo cơ quan quản lý nhà nước. Theo Thứ trưởng phụ trách, khi giá nhiên liệu thay đổi, giá cước thay đổi thì có 02 loại hình vận tải có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân là vận tải bằng taxi và vận tải tuyến cố định.
Để giải quyết được những vấn đề trên, Thứ trưởng đề nghị các Hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp vận tải của các Thành phố lớn cần có trách nhiệm chủ động trong việc thay đổi giá cước vận tải khi giá nhiên liệu thay đổi một cách kịp thời, phù hợp với thị trường. Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp vận tải đặc biệt là vận tải taxi và vận tải tuyến cố định ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước cần tính toán và giảm giá ngay trong đợt này. Yêu cầu các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề giá cước vận tải để đông đảo người dân được biết.
Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình triển khai thực hiện kê khai giá một cách đơn giản, thuận tiện nhất đồng thời đề nghị Hiệp hội vận tải phối hợp với Vụ Vận tải kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề kiểm định giá, niêm yết giá một cách phù hợp, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến sửa đổi Thông tư liên tich 152 đồng thời yêu cầu Vụ Vận tải tổng hợp các ý kiến để ban hành Thông tư trong tháng 3/2016 linh hoạt trong quản lý giá cước vận tải./.
KC